Chỉ thị 07/2003/CT-VKSTC-VP về công tác của ngành kiểm sát nhân dân năm 2004 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 07/2003/CT-VKSTC-VP
Ngày ban hành 30/12/2003
Ngày có hiệu lực 14/01/2004
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Hà Mạnh Trí
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2003/CT-VKSTC-VP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC CỦA NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2004

Năm 2004, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị, thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2004 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ tư, quán triệt và triển khai thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự mới, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định công tác trọng tâm của toàn ngành năm 2004 là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động ngành Kiểm sát nhân dân; khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự mới trong toàn ngành nâng cao trách nhiệm trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; phối hợp với các cơ quan tư pháp đấu tranh có hiệu quả đối với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm về tham nhũng, buôn lậu, ma tuý và các loại tội phạm có tổ chức, bảo đảm việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và việc điều tra, truy tố, xét xử, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm sát thi hành án, phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi hành các bản án, quyết định về hình sự, dân sự đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành; quản lý chặt chẽ và giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát, tiến hành kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp. Củng cố và tăng cường năng lực hoạt động cho các Viện kiểm sát, nhất là đối với cấp huyện, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh.

I- CÁC NHIỆM VỤ VỀ THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

1- Về thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự

* Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự:

Viện kiểm sát các cấp phối hợp chặt chẽ với các ngành nắm chắc thông tin về tội phạm, giải quyết kịp thời, chính xác các tin báo, tố giác về tội phạm; chấp hành nghiêm chỉnh chế độ trực nghiệp vụ, bảo đảm phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi phạm tội; kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bảo đảm việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can có căn cứ và đúng pháp luật. Từ ngày 1/7/2004 các Viện kiểm sát thực hiện việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự mới.

Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp phân công Kiểm sát viên kiểm sát điều tra, theo dõi chặt chẽ quá trình điều tra để chủ động đề ra yêu cầu điều tra ngay từ khi khởi tố vụ án, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp khởi tố bị can sai, sau đó đình chỉ điều tra do bị can không phạm hoặc đình chỉ điều tra để lọt tội phạm. Đối với những trường hợp đình chỉ do khởi tố oan hoặc đình chỉ dẫn đến lọt tội thì tập thể lãnh đạo Viện phải nghe kỹ, tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm để kiểm điểm, xử lý nghiêm túc. Đối với các vụ án trọng điểm phức tạp, Viện trưởng Viện kiểm sát phải trực tiếp chỉ đạo thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra ngay từ đầu và trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Đối với những vụ trọng án không quả tang, cần khám nghiệm hiện trường để thu thập chứng cứ  thì lãnh đạo Viện kiểm sát phải trực tiếp tham gia. Viện kiểm sát các cấp phải theo dõi chặt chẽ tiến độ giải quyết vụ án để có những biện pháp bảo đảm hoạt động điều tra, truy tố đúng thẩm quyền, đúng thời hạn luật định, hạn chế đến mức thấp nhất việc để quá thời hạn điều tra và thời hạn truy tố.

Viện kiểm sát các cấp cần nâng cao trách nhiệm trong việc quyết định và phê chuẩn quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nhất là các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo đảm việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn có căn cứ, đúng pháp luật. Đối với các trường hợp phức tạp, khó khăn trong việc xác định căn cứ để quyết định hoặc phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp xem xét, quyết định.

Theo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự, từ ngày 1/7/2004 những Toà án cấp huyện đủ điều kiện sẽ thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử. Theo tinh thần đó, ở những nơi Toà án cấp huyện thực hiện thẩm quyền xét xử mới thì Viện kiểm sát cũng thực hiện việc tăng thẩm quyền khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Do vậy, đối với những Viện kiểm sát này, từ ngày 1/7/2004 thực hiện các quy định về việc quyết định và phê chuẩn lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam, gia hạn điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự mới. Đối với những Viện kiểm sát cấp huyện chưa thực hiện việc tăng thẩm quyền thì vẫn thực hiện các thẩm quyền này theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988.

Các Viện kiểm sát phải nâng cao trách nhiệm trong việc bắt khẩn cấp để bảo đảm việc bắt khẩn cấp có căn cứ và đúng pháp luật. Kể từ 1/7/2004 các Viện kiểm sát thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ luật tố tụng hình sự mới là trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát  trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp.

Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm về những sai sót trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nhất là các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam xảy ra ở địa phương mình. Phấn đấu không để xảy ra việc người bị tạm giam không có lệnh tạm giam hợp pháp.

Viện kiểm sát các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, nhất là đối với những vụ án lớn, án trọng điểm về tham nhũng. Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp Viện kiểm sát truy tố oan. Khi quyết định truy tố đối với các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng hoặc đối với các vụ án phức tạp về chứng cứ, quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau hay các vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm thì cần đưa ra tập thể lãnh đạo Viện hoặc Uỷ ban kiểm sát xem xét và Viện trưởng phải là người quyết định việc truy tố. Hạn chế đến mức thấp nhất việc Toà án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để yêu cầu điều tra bổ sung. Đối với các vụ án do Toà án trả lại yêu cầu điều tra bổ sung cần kịp thời kiểm tra, phân tích rõ lý do hoàn trả, xác định đúng, sai để có biện pháp xử lý, đồng thời, làm rõ nguyên nhân của việc trả hồ sơ để khắc phục.

Từ ngày 1/7/2004, các Viện kiểm sát thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự mới về thẩm quyền ra quyết định đình chỉ. Theo đó, tất cả các quyết định đình chỉ điều tra sẽ do cơ quan điều tra thực hiện, Viện kiểm sát chỉ xem xét, quyết định đình chỉ vụ án sau khi Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố. Đối với các vụ án do cơ quan điều tra đình chỉ điều tra, sau khi nhận được hồ sơ vụ án cùng quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền. Nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố.

Viện kiểm sát cấp tỉnh quản lý chặt chẽ số án đình chỉ, nhất là số án đình chỉ do bị can không phạm tội của cấp mình và cấp huyện để báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị đã để xảy ra oan hoặc đình chỉ không đúng dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Viện kiểm sát các cấp phối hợp với cơ quan điều tra xác định rõ thực trạng việc khởi tố, điều tra sau đó đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội để bàn biện pháp khắc phục, nhất là các trường hợp hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế; có biện pháp quản lý và thường xuyên yêu cầu cơ quan điều tra hoặc tự mình rà soát số vụ án tạm đình chỉ điều tra để kịp thời phục hồi điều tra khi có đủ căn cứ.

* Công tác điều tra của cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao:

Cục điều tra có trách nhiệm tiếp nhận, thu thập và xác minh các tin báo, tố giác về một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền điều tra của mình. Viện kiểm sát các cấp, các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi hoạt động của mình có trách nhiệm thông báo ngay cho Cục điều tra những thông tin tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cục điều tra. Khi xử lý tin báo, tố giác về tội phạm, Cục điều tra phải xem xét, quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật và thông báo cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã cung cấp thông tin tội phạm về quyết định của mình. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, bảo đảm các vụ án đã khởi tố đều được truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Cục điều tra có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Quy chế 144/ QĐ-ĐT/2003 ngày 7/11/2003 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xử lý tin báo, tố giác tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và dự báo tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp để tham mưu với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về các biện pháp tăng cường công tác thực hành quyền công tố, đấu tranh phòng chống các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

* Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự:

Viện kiểm sát các cấp cần có biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố tại phiên toà cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, chuẩn bị trước đề cương thẩm vấn, tranh luận, dự thảo luận tội hoặc kết luận. Tại phiên toà Kiểm sát viên phải chủ động trong việc tham gia thẩm vấn, tranh luận theo tinh thần của Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Bộ luật tố tụng hình sự mới. Trong quá trình xét xử nếu có tình tiết mới phát sinh làm cho việc đánh giá tính chất vụ án thay đổi cơ bản so với trước thì Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện xem xét, quyết định. Trong trường hợp không thể báo cáo được thì Kiểm sát viên tự quyết định và thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Quy chế Kiểm sát xét xử hình sự. Phải kịp thời kháng nghị đối với những bản án, quyết định của Toà án có vi phạm pháp luật, bảo đảm việc kháng nghị có căn cứ, đúng pháp luật.

Cần có các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội. Đối với các trường hợp Toà án tuyên không phạm tội cần phân tích cụ thể từng trường hợp theo mỗi giai đoạn xét xử ở từng cấp. Nếu Toà án tuyên không phạm tội là không đúng thì Viện kiểm sát phải kịp thời kháng nghị. Tất cả các trường hợp Toà án tuyên không phạm tội cần được quản lý chặt chẽ, báo cáo đầy đủ lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố phải tổng hợp báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện trưởng các Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về những trường hợp Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tuyên không phạm tội. Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ các trường hợp Toà án tuyên không phạm tội ở các giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, trong đó phân tích rõ các trường hợp Viện kiểm sát đã kháng nghị, không kháng nghị, các trường hợp Toà án chấp nhận kháng nghị, không chấp nhận kháng nghị để báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong trường hợp Toà án tuyên không phạm tội thuộc trường hợp oan theo quy định tại Nghị quyết 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì phải kịp thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của đơn vị và cá nhân để xem xét, xử lý. Vụ 3 Viện kiểm sát nhân dân tối cao giúp lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi, chỉ đạo việc kiểm điểm các trường hợp để xảy ra oan do Toà án tuyên không phạm tội.

Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự có trách nhiệm theo dõi, quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra về nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; sơ kết, tổng kết công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự của Viện kiểm sát các cấp và định kỳ báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong quý I năm 2004 Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự phối hợp với các cơ quan và đơn vị hữu quan tiến hành sơ kết hai năm tổ chức các phiên toà theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó hướng dẫn các Viện kiểm sát địa phương thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự theo đúng tinh thần của Nghị quyết 08 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Về việc thực hiện Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:

Viện kiểm sát các cấp tổ chức quán triệt tới tất cả cán bộ, Kiểm sát viên Nghị quyết 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị quyết trên khi Thông tư được ban hành. Trong quý 1 năm 2004, Viện kiểm sát các cấp hoàn thành việc kiểm điểm trách nhiệm và xử lý cán bộ có liên quan tới các trường hợp đình chỉ do bị can không phạm tội thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát và các trường hợp Viện kiểm sát truy tố oan dẫn đến Toà án tuyên không phạm tội của năm 2002 và năm 2003 để báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Việc xử lý phải thực hiện nghiêm túc, tránh xuê xoa, hình thức. Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và định kỳ báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện Nghị quyết 388 của Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

* Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù:

Tăng cường kiểm sát thường kỳ và bất thường tại nhà tạm giữ, trại tạm giam và trại giam nhằm bảo đảm việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật. Viện kiểm sát cấp huyện hàng ngày kiểm sát nhà tạm giữ, báo cáo Viện kiểm sát cấp tỉnh về số người bị bắt, tạm giữ, tạm giam và kết quả xử lý. Viện kiểm sát cấp tỉnh, thành phố hàng tuần kiểm sát trại tạm giam, quản lý, theo dõi và báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tình hình bắt giữ, xử lý trong tuần. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trực tiếp kiểm sát nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam theo quy định tại Chỉ thị số 03/2002/CT-VKSTC ngày 23/1/2002 và Chỉ thị số 02/2003/CT-VKSTC ngày 9/1/2003 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quản lý chặt chẽ số người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù, phát hiện kịp thời các trường hợp sắp hết hạn tạm giữ, tạm giam để thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời giải quyết. Nếu thấy việc tạm giữ, tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật thì ra quyết định trả tự do cho người đã bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật, kiên quyết khắc phục tình trạng để quá hạn tạm giữ, tạm giam. Kịp thời phát hiện các vi phạm trong quá trình tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục. Các trường hợp có dấu hiệu phạm tội phải được xem xét, khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật.

2- Về kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật:

Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục quán triệt tinh thần và nội dung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 về công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Tập trung làm tốt công tác kiểm sát việc lập hồ sơ đối với các vụ án mà Toà án đưa ra xét xử, nhằm giải quyết đúng đắn vụ án. Viện kiểm sát các cấp cử Kiểm sát viên tham gia tất cả các phiên toà xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

Các Viện kiểm sát tỉnh, thành phố, Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự và Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm xem xét các báo cáo và đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, nếu thấy có căn cứ kháng nghị thì tiến hành kháng nghị kịp thời, khắc phục tình trạng để kéo dài hoặc hết thời hiệu kháng nghị đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật mà có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ