Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 về thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 03/HD-TLĐ
Ngày ban hành 20/02/2020
Ngày có hiệu lực 20/02/2020
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Khang
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2020

 

HƯỚNG DẪN

THI HÀNH ĐIỀU LỆ CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

1. Hướng dẫn sử dụng Huy hiệu Công đoàn Việt Nam

1.1. Huy hiệu Công đoàn Việt Nam (sau đây gọi tắt là Huy hiệu Công đoàn) được sử dụng thống nhất trong hoạt động của công đoàn các cấp, đúng màu sắc, bố cục như Huy hiệu in trên Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn có hướng dẫn riêng về quy chuẩn màu sắc của Huy hiệu Công đoàn.

1.2. Những trường hợp bắt buộc sử dụng Huy hiệu Công đoàn gồm:

a. Đại hội, hội nghị công đoàn các cấp;

b. Lễ kết nạp đoàn viên, lễ thành lập tổ chức công đoàn, lễ kỷ niệm ngày truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam;

c. Trụ sở hoặc nơi làm việc của công đoàn các cấp. Trường hợp không có trụ sở thì treo tại phòng làm việc của chủ tịch công đoàn;

d. Văn kiện in thành sách của công đoàn các cấp;

đ. Thẻ đoàn viên công đoàn;

e. Các công trình, sản phẩm, trang phục nhận diện Công đoàn Việt Nam.

2. Bài hát truyền thống của Công đoàn Việt Nam

2.1. Tên bài hát: “Hãy hát lên bài ca công đoàn”, nhạc và lời của nhạc sỹ Lê Tú Anh (có khuông nhạc và lời kèm theo).

2.2. Bài hát được cử hành sau Quốc ca tại các nghi lễ chào cờ của đại hội, hội nghị và các hoạt động khác của công đoàn các cấp.

3. Đối tượng và điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam theo Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam

3.1. Đối tượng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam

Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm:

a. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp; cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đối với cơ quan xã, phường, thị trấn bao gồm những người hưởng lương, định suất lương, phụ cấp, đang làm việc trong cơ quan hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.

b. Người lao động làm công hưởng lương đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã.

c. Người lao động đang làm việc trong các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

d. Người lao động tự do, hợp pháp thuộc khu vực lao động phi chính thức, nếu có nguyện vọng, được gia nhập Công đoàn Việt Nam và được sinh hoạt theo hình thức nghiệp đoàn cơ sở.

đ. Người lao động được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước, đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

3.2. Đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam

a. Người nước ngoài lao động tại Việt Nam;

b. Người lao động làm công tác quản lý trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, bao gồm: Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty;

c. Hiệu trưởng, viện trưởng; phó hiệu trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

d. Xã viên trong các hợp tác xã nông nghiệp;

đ. Người đang trong thời gian chấp hành các hình phạt tù theo quyết định của tòa án;

[...]