Hiệp định về vận chuyển hàng không giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Uzbekistan (1995).

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 14/07/1995
Ngày có hiệu lực 29/08/1995
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà Uzbekistan,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký ***
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

HIỆP ĐỊNH

VỀ VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ UZBEKISTAN (1995).

Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Uzbekistan (sau đây được gọi là "Các Bên ký kết ");

Là các bên của Công ước về hàng không dân dụng quốc tế được mở để ký tại Chicago ngày 7 tháng Mười Hai năm 1944;

Mong muốn ký một Hiệp định bổ sung cho Công ước nói trên nhằm mục đích thiết lập giao lưu hàng không giữa và qua lãnh thổ của hai nước.

Đã thoả thuận như sau:

ĐIỀU 1:CÁC ĐỊNH NGHĨA

Dùng cho Hiệp định này, trừ khi văn cảnh đòi hỏi khác:

a) Thuật ngữ "Công ước Chicago" chỉ Công ước về hàng không dân dụng Quốc tế, được mở để ký tại Chicago ngày mồng 7 tháng 12 năm 1944 và bao gồm: (i) bất kỳ sửa đổi nào của Công ước có hiệu lực theo Điều 94 (a) của Công ước và được cả hai Bên ký kết phê chuẩn; và (ii) phụ lục hoặc bổ sung bất kỳ của công ước được thông qua Điều 90 của Công ước trong chừng mực sửa đổi hoặc phụ lục như vậy có hiệu lực đối với cả hai bên ký kết tại mọi thời điểm;

b) Thuật ngữ "Nhà chức trách hàng không" trong trường hợp của Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt nam chỉ Cục Hàng không dân dụng Việt nam - Bộ Giao thông vận tải và trong trường hợp của Cộng hòa Uzbekistan chỉ Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng hoặc, trong cả hai trường hợp chỉ bất kỳ người hay tổ chức nào được uỷ quyền thực hiện các chức năng bất kỳ mà các Nhà chức trách nói trên đang thực hiện hoặc các chức năng tương tự;

c) Thuật ngữ "Hãng hàng không được chỉ định" chỉ hãng hàng không được chỉ định và cấp phép theo Điều 4 của Hiệp định này;

d) Thuật ngữ "Lãnh thổ" đối với một Quốc gia chỉ vùng đất (đất liền và hải đảo), nội thủy và lãnh hải tiếp giáp và vùng trời trên vùng đất , nội thủy và lãnh hải thuộc chủ quyền của Quốc gia đó;

e) Các thuật ngữ "giao lưu hàng không", "giao lưu hàng không Quốc tế", " hãng hàng không": và "dừng với mục đích phi thương mại" có các nghĩa được quy định tương ứng trong Điều 96 của Công ước Chicago;

f) Thuật ngữ "Hiệp định này" bao gồm Phụ lục của Hiệp định đó và các sửa đổi bất kỳ đối với Phụ lục hoặc đối với Hiệp định đó;

g) Thuật ngữ "lệ phí sử dụng" chỉ lệ phí do nhà chức trách thẩm quyền thu hoặc được nhà Chức trách đó cho phép thu đối với các hãng hàng không cho việc cung cấp cho máy bay, tổ bay, hành khách và hàng hóa tài sản hoặc các phương tiện của cảng hàng không hoặc các phương tiện không lưu, bao gồm cả các dịch vụ và phương tiện có liên quan;

h) Thuật ngữ "giá cước" chỉ các giá tiền phải trả cho việc chuyên chở hành khách và hàng hóa và các điều kiện áp dụng các giá này, bao gồm cả các giá và các điều kiện đối với đại lý và các dịch vụ phụ khác nhưng không bao gồm tiền thù lao và các điều kiện đối với việc chuyên chở bưu kiện;

i) Thuật ngữ "đường bay quy định" chỉ một đường bay được quy định trong Phụ lục của Hiệp định để các hãng hàng không được chỉ định của mỗi Bên ký kết khai thác các chuyến bay;

k) Thuật ngữ "chuyến bay thỏa thuận" chỉ một chuyến bay mà một hãng hàng không được chỉ định được quyền khai thác theo các quy định của Hiệp định này trên một đường bay quy định cho hãng hàng không đó trong Phụ lục của Hiệp định.

ĐIỀU 2: ÁP DỤNG CÔNG ƯỚC CHICAGO

Các điều khoản của Hiệp định này sẽ phụ thuộc vào các điều khoản của Công ước Chicago trong chừng mực mà các điều khoản đó được áp dụng đối với giao lưu hàng không quốc tế

ĐIỀU 3: TRAO QUYỀN

1) Mỗi Bên ký kết trao cho hãng hàng không được chỉ định của Bên ký kết kia các quyền sau đây về giao lưu hàng không Quốc tế:

a) Quyền bay không hạ cánh qua lãnh thổ của bên đó;

b) Quyền hạ cánh ở lãnh thổ của Bên đó với mục đích phi thương mại;

2) Mỗi Bên ký kết trao cho hãng hàng không được chỉ định của Bên ký kết kia các quyền sau đây được quy định trong Hiệp định này nhằm mục đích khai thác các chuyến bay Quốc tế ở các đường bay được quy định tại các Phần tương ứng trong phụ lục kèm theo Hiệp định này. Ngoài các quyền quy định ở điểm (1) của Điều này khi khai thác chuyến bay thỏa thuận trên đường bay quy định các hãng hàng không do mỗi Bên ký kết chỉ định sẽ được hưởng quyền dừng ở lãnh thổ của Bên ký kết kia tại các điểm được quy định cho đường bay đó trong Phụ lục của Hiệp định này nhằm mục đích lấy lên máy bay và cho xuống hành khách và hàng hóa, bao gồm cả bưu kiện, riêng biệt hoặc kết hợp, đến hoặc đi từ Bên ký kết kia.

3) Không ý nào trong điểm (2) của Điều này sẽ được coi là dành cho các hãng hàng không được chỉ định của một Bên ký kết quyền lấy lên máy bay hành khách và hàng hóa bao gồm cả bưu kiện chuyên chở lấy tiền thuê hoặc tiền công ở lãnh thổ của Bên ký kết kia để cho xuống một điểm khác ở lãnh thổ của Bên ký kết đó.

4) Nếu vì xung đột vũ trang, sự rối loạn hoặc diễn biến chính trị, hoặc do hoàn cảnh đặc biệt và bất bình thường mà một hãng hàng không được chỉ định của một Bên ký kết không thể khai thác chuyến bay trên đường bay thông thường của mình thì Bên ký kết kia sẽ sử dụng sự cố gắng tốt nhất của mình để tạo thuận lợi cho việc khai thác tiếp tục chuyến bay như vậy thông qua thỏa thuận lại tạm thời về các đường bay.

ĐIỀU 4: CHỈ ĐỊNH VÀ CẤP PHÉP CHO CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG

1. Mỗi Bên ký kết sẽ có quyền chỉ định bằng văn bản gửi cho Bên ký kết kia một hãng hàng không để khai thác các chuyến bay thoả thuận trên các đường bay quy định và có quyền thu hồi hoặc thay đổi sự chỉ định như vậy.

2. Khi nhận được sự chỉ định đó Bên ký kết kia, phụ thuộc vào các quy định tại điểm (3) và (4) của Điều này, sẽ cấp không chậm chễ giấy phép khai thác tương ứng cho hãng hàng không được chỉ định.

[...]