Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 29/11/2004
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ các nước,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Lê Thế Tiệm,***
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

HIỆP ĐỊNH

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ HÌNH SỰ

Nhà nước Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Căm-pu-chia, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Cộng hòa Phi-líp-pin, Cộng hòa Sing-ga-po và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là “Quốc gia thành viên” hoặc “các Quốc gia thành viên”),

Với lòng mong muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật của các Quốc gia thành viên trong việc phòng ngừa, điều tra và truy tố tội phạm thông qua hợp tác và tương trợ tư pháp về hình sự,

ĐÃ THỎA THUẬN như sau:

Điều 1. Phạm vi tương trợ

1. Các Quốc gia thành viên, theo quy định của Hiệp định này và phù hợp với pháp luật quốc gia của mình, phải dành cho nhau các biện pháp tương trợ tư pháp rộng rãi nhất có thể được trong việc điều tra, truy tố và thủ tục tố tụng tiếp theo.

2. Tương trợ theo Hiệp định này có thể bao gồm:

(a) Thu thập chứng cứ hoặc lấy tờ khai tự nguyện từ những người có liên quan;

(b) Bố trí để những người có liên quan cung cấp chứng cứ hoặc trợ giúp trong các vấn đề hình sự;

(c) Thực hiện việc tống đạt giấy tờ, tài liệu tư pháp;

(d) Tiến hành khám xét, thu giữ;

(e) Kiểm tra đồ vật, địa điểm;

(f) Cung cấp bản gốc hoặc bản sao có xác nhận tài liệu, hồ sơ, chứng cứ có liên quan;

(g) Xác định hoặc truy tìm tài sản do phạm tội mà có và phương tiện phạm tội;

(h) Hạn chế giao dịch đối với tài sản hoặc phong tỏa tài sản có được từ việc thực hiện tội phạm có thể bị thu hồi hoặc tịch thu;

(i) Thu hồi, tịch thu tài sản do phạm tội mà có;

(j) Xác minh địa chỉ và nhận dạng người làm chứng, người bị tình nghi;

(k) Các hình thức tương trợ khác theo thỏa thuận và phù hợp với mục đích của Hiệp định này và pháp luật của Quốc gia được yêu cầu.

3. Hiệp định này chỉ áp dụng đối với việc tương trợ giữa các Quốc gia thành viên. Các quy định của Hiệp định này không tạo ra bất cứ quyền nào cho một cá nhân trong việc thu thập, ngăn cản hoặc cản trở việc đưa ra hoặc loại bỏ bất kỳ chứng cứ nào hoặc cản trở việc thực hiện các yêu cầu tương trợ.

4. Trong Hiệp định này, cụm từ “phương tiện phạm tội” được hiểu là tài sản được sử dụng trong việc phạm tội hoặc giá trị tương đương của tài sản đó.

Điều 2. Không áp dụng

1. Hiệp định này không áp dụng đối với việc:

(a) Bắt hoặc giam giữ một người nhằm mục đích dẫn độ người đó;

(b) Thi hành bản án hình sự của Quốc gia yêu cầu tại Quốc gia được yêu cầu, trừ trong phạm vi được pháp luật của Quốc gia được yêu cầu cho phép;

(c) Chuyển giao người bị giam giữ để thi hành hình phạt; và

(d) Chuyển giao vụ án hình sự.

2. Hiệp định này không cho phép bất cứ Quốc gia thành viên nào thực hiện trong phạm vi lãnh thổ của Quốc gia thành viên khác quyền tài phán hay các chức năng thuộc thẩm quyền tuyệt đối của các cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia thành viên khác theo quy định của pháp luật của quốc gia đó.

Điều 3. Giới hạn phạm vi tương trợ

1. Quốc gia được yêu cầu từ chối việc tương trợ nếu xét thấy:

[...]