Hiệp định thương mại giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Dim-ba-bu-ê

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 05/04/2004
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hòa Dim-ba-bu-ê,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI

GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ DIM-BA-BU-Ê NGÀY 05 THÁNG 04 NĂM 2004

Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Dim-ba-bu-ê (dưới đây được gọi chung là “các Bên” và riêng là “mỗi Bên”)

Quan tâm tới sự phát triển mới của quan hệ bạn bè giữa hai nước;

Khẳng định mong muốn thiết lập các mối quan hệ qua lại nhằm hỗ trợ, bổ sung và mở rộng hợp tác giữa hai Bên;

Quyết tâm củng cố, tăng cường và đa dạng hoá quan hệ thương mại giữa hai nước;

Tin tưởng rằng sự hợp tác như vậy sẽ được thực hiện theo các chính sách phát triển của hai nước;

Mong muốn tăng cường các mối quan hệ giữa hai nước và cùng nhau đóng góp vào sự hợp tác mậu dịch quốc tế;

Thoả thuận như sau:

Điều 1: Điều khoản chung

Các Bên sẽ áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm tạo thuận lợi và xúc tiến các quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước phù hợp với luật pháp của mỗi nước và tuân theo các nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hoặc Cộng hoà Dim-ba-bu-ê là một bên ký kết.

Điều 2: Đãi ngộ tối huệ quốc

1) Các Bên sẽ dành cho nhau chế độ đãi ngộ tối huệ quốc cho hàng hoá có xuất xứ từ và được cung cấp trực tiếp từ lãnh thổ Bên kia trong mọi vấn đề liên quan tới:

(a) Các loại thuế hải quan và mọi loại phí và thuế khác áp dụng với hàng hoá nhập khẩu hoặc xuất khẩu cũng như là các phương thức thu các loại thuế hải quan, phí và thuế này;

(b) Các quy định pháp lý liên quan đến thủ tục hải quan, quá cảnh, lưu kho;

(c) Các loại thuế nội địa và tất cả các khoản thu khác áp dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hàng nhập khẩu;

(d) Các phương thức thực hiện các thanh toán phát sinh từ việc thực hiện Hiệp định này và việc chuyển các khoản thanh toán đó;

(e) Các quy định pháp lý liên quan tới việc bán, mua, vận tải, phân phối và sử dụng hàng hoá tại thị trường nội địa.

2) Đối với mọi vấn đề liên quan tới giấy phép xuất nhập khẩu được cấp theo luật pháp của mỗi nước, mỗi Bên sẽ dành cho Bên kia sự đãi ngộ không kém ưu đãi hơn sự đãi ngộ ưu đãi nhất được dành cho nước thứ ba.

Điều 3: Chứng nhận xuất xứ

1) Các Bên bảo lưu quyền yêu cầu việc xuất trình chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền thay mặt Chính phủ của nước xuất xứ cấp đối với việc nhập khẩu bất kỳ loại hàng hoá nào.

2) Các Bên đồng ý rằng nước xuất xứ của hàng hoá buôn bán giữa hai nước sẽ được xác định phù hợp với luật pháp và các quy định hiện hành của nước nhập khẩu.

Điều 4: Sản phẩm xuất xứ từ nước thứ ba

Theo Điều 2, mọi lợi thế, ưu đãi, ưu tiên hay miễn trừ mà một Bên dành hoặc có thể dành cho một nước thứ ba đối với sản phẩm có xuất xứ từ hoặc được chuyển đến lãnh thổ của nước thứ ba này, sẽ được dành ngay lập tức và không điều kiện cho các sản phẩm tương tự có xuất xứ từ hoặc để nhập khẩu vào lãnh thổ nước Bên kia.

Điều 5: Miễn trừ từ MFN

Các quy định tại các Điều 2 và 3 sẽ không bao gồm:

a) Lợi thế mà mỗi Bên đã hoặc có thể dành cho các nước láng giềng nhằm tạo thuận lợi cho biên mậu;

b) Lợi thế hoặc ưu đãi do một Bên dành cho nước thứ ba phù hợp với hiệp định ưu đãi thương mại nhiều bên;

c) Lợi thế hoặc ưu đãi mà một Bên đã hoặc có thể dành cho các chương trình nhằm mở rộng sự hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nước đang phát triển, các chương trình mà một Bên là hoặc sẽ là người tham gia;

d) Lợi thế hoặc ưu đãi có được từ các hoạt động của một Liên minh Quan thuế hay Khu vực mậu dịch tự do hoặc cả hai mà một Bên đang tham gia hoặc có thể tham gia.

[...]