Hiệp định số 261/WTO/VB về Chống bán phá giá -Thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại GATT 1994

Số hiệu 261/WTO/VB
Ngày ban hành 15/04/1994
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành WTO
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại

HIỆP ĐỊNH

THỰC THI ĐIỀU VI CỦA HIỆP ĐỊNH CHUNG VỀ THUẾ QUAN VÀ THƯƠNG MẠI - GATT (1994)

Các Thành viên dưới đây thoả thuận như sau:

Phần 1:

Điều 1:Các nguyên tắc

Một biện pháp chống phá giá chỉ được áp dụng trong trường hợp được qui định tại Điều VI của GATT 1994 và phải tuân theo các thủ tục điều tra được bắt đầu[1] và tiến hành theo đúng các qui định của Hiệp định này. Các qui định sau đây điều tiết việc áp dụng Điều VI của GATT 1994 khi có một hành động được thực thi theo luật hoặc các qui định về chống bán phá giá.

Điều 2: Xác định việc bán phá giá

2.1 Trong phạm vi Hiệp định này, một sản phẩm bị coi là bán phá giá (tức là được đưa vào lưu thông thương mại của một nước khác thấp hơn trị giá thông thường của sản phẩm đó) nếu như giá xuất khẩu của sản phẩm được xuất khẩu từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường.

2.2 Trong trường hợp không có các sản phẩm tương tự được bán trong nước theo các điều kiện thương mại thông thường tại thị trường nước xuất khẩu hoặc trong trường hợp việc bán trong nước đó không cho phép có được sự so sánh chính xác do điều kiện đặc biệt của thị trường đó hoặc do số lượng hàng bán tại thị trường trong nước của nước xuất khẩu hàng hóa quá nhỏ[2], biên độ bán phá giá sẽ được xác định thông qua so sánh với mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được xuất khẩu sang một nước thứ 3 thích hợp, với điều kiện là mức giá có thể so sánh được này mang tính đại diện, hoặc được xác định thông qua so sánh với chi phí sản xuất tại nước xuất xứ hàng hóa cộng thêm một khoản hợp lý chi phí quản lý, chi phí bán hàng, các chi phí chung và lợi nhuận.

2.2.1 Việc bán các sản phẩm tương tự tại thị trường nội địa của nước xuất khẩu hoặc bán sang một nước thứ ba với giá thấp hơn chi phí sản xuất theo đơn vị sản phẩm (bao gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi) cộng với các chi phí quản trị, chi phí bán hàng và các chi phí chung có thể được coi là giá bán không theo các điều kiện thương mại thông thường về giá và có thể không được xem xét tới trong quá trình xác định giá trị thông thường của sản phẩm chỉ khi các cơ quan có thẩm quyền[3] quyết định rằng việc bán hàng đó được thực hiện trong một khoảng thời gian kéo dài[4] với một khối lượng đáng kể[5] và được bán với mức giá không đủ bù đắp chi phí trong một khoảng thời gian hợp lý. Nếu như mức giá bán thấp hơn chi phí tại thời điểm bán hàng nhưng lại cao hơn mức chi phí bình quân gia quyền cho mỗi sản phẩm trong khoảng thời gian tiến hành điều tra thì mức giá đó được coi là đủ để bù đắp cho các chi phí trong một khoảng thời gian hợp lý.

2.2.1.1 Theo khoản 2 này, các chi phí được tính toán thông thường trên cơ sở sổ sách của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất là đối tượng đang được điều tra với điều kiện là sổ sách này phù hợp với các nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi tại nước xuất khẩu và phản ánh một cách hợp lý các chi phí đi kèm với việc sản xuất và bán hàng hóa đang được xem xét. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét tất cả các bằng chứng sẵn có về việc phân bổ chi phí, trong đó bao gồm cả các bằng chứng do nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất cung cấp trong quá trình điều tra với điều kiện là việc phân bổ trên thực tế đã được nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất sử dụng trong quá khứ, đặc biệt là sử dụng trong việc xây dựng thời gian khấu hao thích hợp và hạn mức cho phép chi tiêu xây dựng cơ bản và các chi phí phát triển khác. Trừ khi đã được phản ánh trong sự phân bổ chi phí theo qui định tại mục này, các chi phí sẽ được điều chỉnh một cách thích hợp đối với các hạng mục chi phí không thường xuyên được sử dụng để làm lợi cho hoạt động sản xuất trong tương lai và/hoặc hiện tại, hoặc trong trường hợp các chi phí trong thời gian điều tra bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khi bắt đầu sản xuất.[6]

2.2.2 Nhằm thực hiện khoản 2, tổng số tiền chi phí cho quản lý, bán hàng và các chi phí chung khác sẽ được xác định dựa trên các số liệu thực tế liên quan đến quá trình sản xuất và bán sản phẩm tương tự theo điều kiện thương mại thông thường của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất đang bị điều tra đó. Khi số tiền trên không thể xác định theo cách này thì số tiền đó được xác định trên cơ sở như sau:

(i) số tiền thực tế phát sinh và được nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất này chi tiêu trong quá trình sản xuất và bán hàng thuộc nhóm sản phẩm giống hệt tại thị trường của nước xuất xứ hàng hóa;

(ii) bình quân gia quyền của số tiền thực tế phát sinh và được nhà xuất khẩu hoặc sản xuất khác chi tiêu trong quá trình sản xuất và bán sản phẩm tương tự tại thị trường của nước xuất xứ hàng hóa;

(iii) bất kỳ biện pháp hợp lý nào khác với điều kiện là mức lợi nhuận được định ra theo cách đó không được vượt quá mức lợi nhuận các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất khác thu được khi bán hàng thuộc nhóm sản phẩm giống hệt hàng hóa trên tại thị trường của nước xuất xứ hàng hóa.

2.3 Trong trường hợp không tồn tại mức giá xuất khẩu hoặc cơ quan có thẩm quyền thấy rằng mức giá xuất khẩu không đáng tin cậy vì lý do nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu hoặc một bên thứ ba nào đó có quan hệ với nhau hoặc có thoả thuận về bù trừ, giá xuất khẩu có thể được diễn giải trên cơ sở mức giá khi sản phẩm nhập khẩu được bán lại lần đầu cho một người mua hàng độc lập, hoặc nếu như sản phẩm đó không được bán lại cho một người mua hàng độc lập hoặc không được bán lại theo các điều kiện giống với điều kiện nhập khẩu hàng hóa thì mức giá có thể được xác định trên một cơ sở hợp lý do cơ quan có thẩm quyền tự quyết định.

2.4 Giá xuất khẩu sẽ được so sánh một cách công bằng với giá trị thông thường. Việc so sánh trên được tiến hành ở cùng một khâu thống nhất của quá trình mua bán, thường là tại khâu xuất xưởng và so sánh việc bán hàng vào cùng thời điểm hoặc thời điểm càng giống nhau càng tốt. Đối với từng trường hợp cụ thể, có thể có sự chiếu cố hợp lý về những sự khác biệt có thể ảnh hưởng đến việc so sánh giá, trong đó bao gồm sự khác biệt về điều kiện bán hàng, thuế, dung lượng thương mại, khối lượng, đặc tính vật lý và bất kỳ sự khác biệt nào khác có biểu hiện ảnh hưởng đến việc so sánh giá.[7] Trong trường hợp được đề cập đến tại khoản 3, được phép tính đến các chi phí, bao gồm các loại thuế và phí phát sinh trong giai khoản từ khi nhập khẩu đến lúc bán lại và lợi nhuận thu được. Nếu như sự so sánh giá bị ảnh hưởng trong các trường hợp như trên, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định trị giá thông thường ở một mức độ thương mại tương đương với mức mà giá thành xuất khẩu được xây dựng hoặc có thể khấu trừ thích hợp như được cho phép tại khoản này. Các cơ quan có thẩm quyền phải cho các bên hữu quan biết rõ những thông tin nào cần thiết phải có để có thể so sánh một cách công bằng và không được phép áp đặt vô lý trách nhiệm đưa ra chứng cớ đối với các bên hữu quan.

2.4.1 Khi sự so sánh được nêu tại khoản 4 đòi hỏi cần có sự chuyển đổi đồng tiền, việc chuyển đổi phải sử dụng tỷ giá tại thời điểm bán hàng[8] với điều kiện là nếu ngoại hối thu được từ việc bán hàng xuất khẩu được bán trên thị trường kỳ hạn thì tỷ giá trong thương vụ bán ngoại hối kỳ hạn đó sẽ được sử dụng. Những biến động của tỷ giá hối đoái sẽ được bỏ qua và trong quá trình điều tra, các cơ quan có thẩm quyền sẽ cho phép các nhà xuất khẩu có được ít nhất 60 ngày để điều chỉnh giá xuất khẩu của họ để phản ánh những bxu hướng bền vững của tỷ giá tiền tệ trong thời gian điều tra.

2.4.2 Thực hiện các qui định điều chỉnh sự so sánh công bằng tại khoản 4, việc xác định có tồn tại biên độ phá giá hay không trong suốt giai đoạn điều tra, thông thường sẽ dựa trên cơ sở so sánh giữa giá trị bình quân gia quyền thông thường với giá bình quân gia quyền của tất cả các giao dịch xuất khẩu có thể so sánh được hoặc thông qua so sánh giữa giá trị thông thường với giá xuất khẩu trên cơ sở từng giao dịch. Giá trị thông thường xác định trên cơ sở bình quân gia quyền có thể được đem so sánh với với giá của từng giao dịch xuất khẩu cụ thể nếu như các cơ quan có thẩm quyền xác định rằng cơ cấu giá xuất khẩu đối với những người mua khác nhau, khu vực khác nhau và thời điểm khác nhau có sự chênh lệch đáng kể và khi có thể đưa ra giải thích về việc tại sao sự khác biệt này không thể được tính toán một cách đầy đủ khi so sánh bằng phương pháp sử dụng bình quân gia quyền so với bình quân gia quyền hoặc giao dịch so với giao dịch.

2.5 Trong trường hợp sản phẩm không được nhập khẩu trực tiếp từ nước xuất xứ hàng hóa mà được xuất khẩu sang lãnh thổ Thành viên nhập khẩu hàng hóa đó từ một nước trung gian, giá của hàng hóa khi được bán từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu thông thường sẽ được so sánh với mức giá có thể so sánh được tại nước xuất khẩu. Tuy nhiên, có thể đem so sánh với mức giá tại nước xuất xứ hàng hóa, ví dụ như trong trường hợp sản phẩm chỉ đơn thuần chuyển cảng qua nước xuất khẩu hoặc sản phẩm đó không được sản xuất tại nước xuất khẩu hoặc khi không có mức giá tương đương nào có thể đem ra so sánh tại nước xuất khẩu hàng hóa.

2.6 Trong toàn bộ Hiệp định này, khái niệm "sản phẩm tương tự" sẽ được hiểu là sản phẩm giống hệt, tức là sản phẩm có tất cả các đặc tính giống với sản phẩm đang được xem xét, hoặc trong trường hợp không có sản phẩm nào như vậy thì là sản phẩm khác mặc dù không giống ở mọi đặc tính nhưng có nhiều đặc điểm gần giống với sản phẩm được xem xét.

2.7 Điều này không ảnh hưởng gì đến Điều khoản Bổ sung thứ 2 đối với khoản 1, Điều VI tại Phụ lục I của GATT 1994.

Điều 3: Xác định Tổn hại[9]

3.1 Việc xác định tổn hại nhằm thực hiện Điều VI của GATT 1994 phải được tiến hành dựa trên bằng chứng xác thực và thông qua điều tra khách quan về cả hai khía cạnh: (a) khối lượng hàng hóa nhập khẩu được bán phá giá và ảnh hưởng của hàng hóa được bán phá giá đến giá trên thị trường nội địa của các sản phẩm tương tự và (b) hậu quả của việc nhập khẩu này đối với các nhà sản xuất các sản phẩm trên ở trong nước.

3.2 Đối với khối lượng hàng nhập khẩu được bán phá giá, cơ quan điều tra phải xem xét liệu hàng nhập khẩu được bán phá giá có tăng lên đáng kể hay không, việc tăng này có thể là tăng tuyệt đối hoặc tương đối khi so sánh với mức sản xuất hoặc nhu cầu tiêu dùng tại nước nhập khẩu. Về tác động của hàng nhập khẩu được bán phá giá đối với giá, cơ quan điều tra phải xem xét có phải là hàng được bán phá giá đã được giảm đáng kể giá của sản phẩm tương tự tại nước nhập khẩu hay không, hoặc xem xét có đúng là hàng nhập khẩu đó làm ghìm giá ở mức đáng kể hoặc ngăn không cho giá tăng đáng kể, điều lẽ ra đã xảy ra nếu không bán phá giá hàng nhập đó. Không một hoặc một số nhân tố nào trong tất cả các nhân tố trên đủ để có thể đưa đến kết luận mang tính quyết định.

3.3 Khi có nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá về cùng một sản phẩm được nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau, cơ quan điều tra có thể đánh giá ảnh hưởng một cách tổng hợp của hàng nhập khẩu này chỉ trong trường hợp cơ quan này xác định được rằng: (a) biên độ bán phá giá được xác định đối với hàng nhập khẩu từ mỗi nước vượt quá mức tối thiểu có thể bỏ qua (de minimis) được qui định tại khoản 8 Điều 5 và số lượng hàng nhập khẩu từ mỗi nước không ở mức có thể bỏ qua được; (b) việc đánh giá gộp các ảnh hưởng của hàng nhập khẩu là thích hợp nếu xét đến điều kiện cạnh tranh giữa các sản phẩm nhập khẩu với nhau và điều kiện cạnh tranh giữa các sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm tương tự trong nước.

3.4 Việc kiểm tra ảnh hưởng của hàng nhập khẩu được bán phá giá đối với ngành sản xuất trong nước có liên quan phải bao gồm việc đánh giá tất cả các nhân tố và chỉ số có ảnh hưởng đến tình trạng của ngành sản xuất, trong đó bao gồm mức suy giảm thực tế và tiềm ẩn của doanh số, lợi nhuận, sản lượng, thị phần, năng suất, tỉ lệ lãi đối với đầu tư, tỉ lệ năng lực được sử dụng; các nhân tố ảnh hưởng đến giá trong nước, độ lớn của biên độ bán phá giá; ảnh hưởng xấu thực tế hoặc tiềm ẩn đối với chu chuyển tiền mặt, lượng lưu kho, công ăn việc làm, tiền lương, tăng trưởng, khả năng huy động vốn hoặc nguồn đầu tư. Danh mục trên chưa phải là đầy đủ, dù có một hoặc một số nhân tố trong các nhân tố trên cũng không nhất thiết đưa ra kết luận mang tính quyết định.

3.5 Cần phải chứng minh rằng sản phẩm được bán phá giá thông qua các ảnh hưởng của việc bán phá giá như được qui định tại khoản 2 và 4 gây ra tổn hại theo như cách hiểu của Hiệp định này. Việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu được bán phá giá và tổn hại đối với sản xuất trong nước được dựa trên việc kiểm tra tất cả các bằng chứng có liên quan trước các cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan có thẩm quyền cũng phải tiến hành điều tra các nhân tố được biết đến khác cũng đồng thời gây tổn hại đến ngành sản xuất trong nước và tổn hại gây ra bởi những nhân tố đó sẽ không được tính vào ảnh hưởng do hàng bị bán phá giá gây ra. Bên cạnh những yếu tố khác, các yếu tố có thể tính đến trong trường hợp này bao gồm: số lượng và giá của những hàng hóa nhập khẩu không bị bán phá giá, giảm sút của nhu cầu hoặc thay đổi về hình thức tiêu dùng, các hành động hạn chế thương mại hoặc cạnh tranh giữa nhà sản xuất trong nước và nước ngoài, phát triển của công nghệ, khả năng xuất khẩu và năng suất của ngành sản xuất trong nước.

3.6 ảnh hưởng của hàng nhập khẩu được bán phá giá sẽ được đánh giá trong mối tương quan với sản xuất trong nước của sản phẩm tương tự nếu như các số liệu có được cho phép phân biệt rõ ràng ngành sản xuất đó trên cơ sở các tiêu chí về qui trình sản xuất, doanh số và lợi nhuận của nhà sản xuất. Nếu như việc phân biệt rõ ràng ngành sản xuất đó không thể tiến hành được, thì ảnh hưởng của hàng nhập khẩu được bán phá giá sẽ được đánh giá bằng cách đánh giá việc sản xuất của một nhóm hoặc dòng sản phẩm ở phạm vi hẹp nhất, trong đó vẫn bao gồm sản phẩm tương tự, để có thể có được các thông tin cần thiết về nhóm sản phẩm này.

3.7 Việc xác định sự đe doạ ra thiệt hại về vật chất hay không phải được tiến hành dựa trên các chứng cứ thực tế và không được phép chỉ căn cứ vào phỏng đoán, suy diễn hoặc một khả năng mơ hồ. Sự thay đổi trong hoàn cảnh có thể gây tổn hại do việc bán phá giá phải trong phạm vi có thể dự đoán được một cách chắc chắn và sẽ diễn ra trong tương lai gần.[10] Khi quyết định xem có tồn tại nguy cơ gây tổn hại vật chất hay không, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành xem xét các nhân tố bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn bởi các yếu tố sau:

[...]