Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam và Đức (1993).

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 03/04/1993
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký ***
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

HIỆP ĐỊNH

VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ LẪN NHAU GIỮA CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC (1993).

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng Hòa Liên Bang Đức,

Với mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước,

Với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư của công dân hay công ty của nước này trên lãnh thổ của nước kia,

Nhận thức rằng việc khuyến khích và bảo hộ bằng Hiệp định các khoản đầu tư này là thích hợp để làm sống động các hoạt động kinh tế kể cả sáng kiến kinh tế tư nhân và tăng cường sự phồn thịnh của nhân dân hai nước,

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Theo mục đích của Hiệp định này

1. Thuật ngữ "đầu tư" bao gồm tất cả các giá trị tài sản, cụ thể là:

a) Sở hữu về động sản và bất động sản, cũng như các quyền sở hữu hiện vật khác như quyền cầm cố và thế chấp;

b) Cổ phần và các hình thức tham gia khác vào công ty;

c) Yêu sách về tiền được sử dụng để tạo ra giá trị kinh tế hoặc yêu sách về dịch vụ có giá trị kinh tế;

d) Các quyền sở hữu về trí tuệ, đặc biệt như quyền tác giả, patent, mẫu sử dụng, và mô hình vật dụng, nhãn hiệu, tên thương mại, bí quyết vận hành và kinh doanh, quy trình kỹ thuật, know-how và đặc quyền kế nghiệp;

e) Các địa nhượng theo công pháp, bao gồm cả địa nhượng về thăm dò và khai thác;

Sự thay đổi hình thức mà theo đó các giá trị tài sản được đầu tư, không làm ảnh hưởng đến tính chất của chúng là đầu tư.

2. Thuật ngữ "thu nhập" chỉ bất kỳ một khoản thu nào phát sinh từ việc đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định như lợi nhuận, lãi cổ phần, lãi tiền vay, tiền bản quyền hay các khoản thanh toán khác.

3. Thuật ngữ "công dân" chỉ:

a) Về phía Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: những thể nhân mang quốc tịch Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam;

b) Về phía Cộng hòa Liên bang Đức: người Đức theo tinh thần của Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức.

4. Thuật ngữ "công ty" chỉ:

a) Về phía Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: bất kỳ một pháp nhân nào được thành lập theo luật pháp Việt Nam và có trụ sở đặt trên lãnh thổ Việt Nam.

b) Về phía Cộng hòa Liên bang Đức: bất kỳ cũng như bất kỳ một công ty nào hay các công ty hay hiệp hội nào có hoặc không có tư cách pháp nhân, có trụ sở đặt tại Cộng hòa Liên bang Đức, không phân biệt mục đích hoạt động của các công ty trên là tạo ra hoặc không tạo ra lợi nhuận.

Điều 2

(1) Mỗi bên ký kết sẽ khuyến khích theo khả năng của mình việc đầu tư của công dân hay công ty của Bên ký kết kia trên lãnh thổ của nước mình và sẽ cho phép việc đầu tư đó được thực hiện phù hợp với luật pháp của nước mình. Các đầu tư sẽ được hưởng sự đối xử công bằng và thỏa đáng trong mọi trường hợp.

(2) Đầu tư của các công dân hoặc công ty của một Bên ký kết đã được phép thực hiện trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phù hợp với luật pháp ở đó sẽ được Hiệp định này bảo hộ đầy đủ.

(3) Mỗi Bên ký kết hoàn toàn không tiến hành các biện pháp tùy tiện hay phân biệt đối xử làm ảnh hưởng đến việc quản lý, chi dùng, sử dụng hoặc tận dụng khoản vốn đầu tư của công dân hay công ty của Bên ký kết kia trên lãnh thổ nước mình.

Điều 3

(1) Mỗi Bên ký kết đối xử với đầu tư thuộc sở hữu hay thuộc sự chi phối của công dân hay công ty của Bên ký kết kia trên lãnh thổ nước mình không kém thuận lợi hơn so với đầu tư của công dân và công ty nước mình hay so với đầu tư của công dân và công ty nước thứ ba.

(2) Đối với các hoạt động liên quan tới đầu tư trên lãnh thổ của mình, mỗi Bên ký kết đối xử với công dân hay công ty của Bên ký kết kia không kém thuận lợi hơn so với công dân và công ty của mình hay so với công dân và công ty nước thứ ba.

(3) Chỉ có các trường hợp nêu tại Nghị định thư kèm theo Hiệp định này mới được có ngoại lệ đối với các nguyên tắc của các khoản 1 và 2.

[...]