Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Hiệp định số 71/2004/LPQT về hợp tác về nuôi con nuôi gữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Italia

Số hiệu 71/2004/LPQT
Ngày ban hành 13/06/2003
Ngày có hiệu lực 21/04/2004
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ NGOẠI GIAO

*******

Số : 71/2004/LPQT

 

 

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2004

 

Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi gữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Italia có hiệu lực từ ngày 21 tháng 4 năm 2004./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

HỢP TÁC VỀ NUÔI CON NUÔI GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA ITALIA

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Italia (sau đây gọi là các Nước ký kết);

Thừa nhận rằng, để phát triển hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được trưởng thành trong môi trường yêu thương, hạnh phúc và cảm thông của gia đình;

Thừa nhận rằng, mỗi Nước ký kết cần áp dụng các biện pháp thích hợp bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc trong môi trường gia đình, những trẻ em không có gia đình được chăm sóc trong môi trường thay thế gia đình;

Thừa nhận rằng, nuôi con nuôi quốc tế là biện pháp phù hợp nhằm đem lại một môi trường gia đình ổn định cho trẻ em trong trường hợp không tìm được gia đình thích hợp cho trẻ em đó ngay tại nước gốc của mình;

Thừa nhận rằng, trẻ em được nhận làm con nuôi theo Hiệp định này được hưởng trên lãnh thổ của mỗi Nước ký kết đầy đủ những quyền và lợi ích mà trẻ em là công dân hoặc thường trú trên lãnh thổ của Nước ký kết đó được hưởng;

Đã quyết định ký kết Hiệp định này với các điều khoản dưới đây:

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Hiệp định này được áp dụng đối với trường hợp trẻ em ở độ tuổi được cho làm con nuôi là công dân của Nước ký kết này và thường trú trên lãnh thổ Nước ký kết đó, được một người hoặc một cặp vợ chồng thường trú trên lãnh thổ của Nước ký kết kia nhận làm con nuôi (sau đây gọi là Người nhận con nuôi).

Hiệp định này cũng được áp dụng đối với trường hợp trẻ em không quốc tịch thường trú trên lãnh thổ của Nước ký kết này được một người hoặc một cặp vợ chồng thường trú trên lãnh thổ của Nước ký kết kia nhận làm con nuôi.

2. Việc nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này phải là việc nuôi con nuôi làm phát sinh quan hệ cha mẹ và con giữa Người nhận con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi.

Điều 2. Nguyên tắc nuôi con nuôi

Các Nước ký kết cam kết thực hiện những biện pháp hợp tác nhằm bảo đảm việc những người thường trú trên lãnh thổ của Nước ký kết này (sau đây gọi là Nước tiếp nhận) xin nhận trẻ em thường trú trên lãnh thổ của Nước ký kết kia làm con nuôi (sau đây gọi là Nước gốc) được tiến hành một cách tự nguyện trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với pháp luật của mỗi Nước ký kết, tôn trọng Công ước của Liên hợp quốc ngày 20/11/1989 về quyền trẻ em, nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Điều 3. Bảo vệ trẻ em

1. Các Nước ký kết áp dụng mọi biện pháp phù hợp với pháp luật nước mình để phòng ngừa và xử lý các hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi nhằm mục đích bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục trẻ em; bắt cóc, đánh tráo, mua bán trẻ em để cho làm con nuôi; các hành vi nhằm thu lợi bất hợp pháp từ việc nuôi con nuôi; các hành vi khác xâm phạm quyền và lợi ích của trẻ em.

2. Trên tinh thần nhân đạo và vì mục đích bảo vệ trẻ em, các Nước ký kết tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, bị tàn tật làm con nuôi.

Điều 4. Miễn hợp pháp hóa giấy tờ

Các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của Nước ký kết này cấp, công chứng, chứng thực để sử dụng trong quá trình giải quyết việc nuôi con nuôi ở Nước ký kết kia theo quy định của Hiệp định này được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.

Điều 5. Ngôn ngữ và chi phí liên hệ

Để thực hiện Hiệp định này, Cơ quan Trung ương của các Nước ký kết liên hệ với nhau bằng ngôn ngữ của Nước gốc; chi phí liên hệ phát sinh trên lãnh thổ Nước ký kết nào thì Nước ký kết đó chịu.

Chương 2

[...]