Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 01/12/2023
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:          /2023/NĐ-CP

Hà Nội, ngày       tháng      năm 2023

DỰ THẢO

 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ GIÁ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, đăng tải thông tin vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá gồm quản lý, điều tiết giá và thẩm định giá.

Điều 2: Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với: tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; người tiêu dùng; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá, thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng

1. Các hình thức xử phạt vi phạm được quy định như sau:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Tước có thời hạn Thẻ thẩm định viên về giá; đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ có thời hạn hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá.

2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a điểm b khoản 1 điều này là mức xử phạt chính. Hình thức xử phạt quy định tại điểm c khoản 1 điều này là hình thức xử phạt bổ sung.

3. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền của tổ chức gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền của cá nhân.

4. Các biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá số tiền do trích lập, sử dụng, hạch toán và kết chuyển không đúng quy định hoặc văn bản điều hành của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; buộc dừng thực hiện mức giá bán hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá; buộc thực hiện kê khai hoặc niêm yết giá theo quy định;

b) Hủy chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá; buộc báo cáo Bộ Tài chính nội dung về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá; buộc cấp lại chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá cho các học viên tham gia; buộc thu hồi các chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá; buộc hoàn trả chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho các học viên tham gia học.

c) Buộc hoàn trả khách hàng số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra; Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do hành vi vi phạm.

5. Khi phạt tiền đối với các hành vi vi phạm, mức phạt cụ thể đối với một hành vi không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu cộng mức tối đa.

Trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì áp dụng mức trung bình tăng thêm hoặc mức trung bình giảm bớt. Mức trung bình tăng thêm được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối đa và mức trung bình. Mức trung bình giảm bớt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức trung bình.

Trường hợp có từ hai tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức tối đa của khung phạt tiền. Trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt.

Trường hợp vừa có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì bù trừ theo nguyên tắc một tình tiết tăng nặng trừ cho một tình tiết giảm nhẹ.

[...]