Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2003

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 13/10/2003
Ngày có hiệu lực 13/10/2003
Loại văn bản Điều lệ
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

ĐIỀU LỆ CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM 2003

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kể từ ngày thành lập đến nay, Công đoàn Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và dân tộc, đã tổ chức, vận động công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tổ chức, động viên CNVCLĐ đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có tính chất quần chúng và tính chất giai cấp của giai cấp công nhân, có chức năng: Đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục, động viên CNVCLĐ phát huy quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có quan hệ hợp tác với Nhà nước và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác; hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát huy truyền thống đoàn kết quốc tế, tăng cường và mở rộng hợp tác với công đoàn các nước, các tổ chức quốc tế trên nguyên tắc hữu nghị, đoàn kết, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, phấn đấu cho mục tiêu: Vì lợi ích người lao động, vì hoà bình, dân chủ, độc lập dân tộc, phát triển và tiến bộ xã hội.

Chương I.

ĐOÀN VIÊN

Điều 1. CNVCLĐ Việt Nam làm công, hưởng lương; người lao động tự do hợp pháp, không phân biệt nghề nghiệp, nam nữ, tín ngưỡng, nếu tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của công đoàn, đóng đoàn phí theo quy định thì được gia nhập công đoàn.

Điều 2. Người gia nhập Công đoàn phải có đơn tự nguyện. Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở xét, ra quyết định kết nạp và trao thẻ đoàn viên công đoàn. Khi đoàn viên ra khỏi Công đoàn, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở xoá tên và thu lại thẻ đoàn viên.

Điều 3. Đoàn viên có quyền:

1. Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của công đoàn, ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn; phê bình chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn, kiến nghị bãi miễn cán bộ công đoàn có sai phạm.

2. Được yêu cầu công đoàn bảo vệ nhân phẩm và lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.

3. Được công đoàn: Tư vấn miễn phí về pháp luật lao động và công đoàn; hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Được tham gia các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi do công đoàn tổ chức.

4. Khi nghỉ hưu, đoàn viên được nghỉ sinh hoạt công đoàn, được công đoàn cơ sở nơi làm thủ tục về nghỉ và công đoàn địa phương nơi cư trú giúp đỡ, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí, ban liên lạc hưu trí do công đoàn giúp đỡ.

Điều 4. Đoàn viên có nhiệm vụ:

1. Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Thực hiện các Nghị quyết của công đoàn, tham gia các hoạt động và sinh hoạt công đoàn, đóng đoàn phí, tuyên truyền phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn.

3. Không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, tay nghề; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật

4. Giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ nghề nghiệp, lao động có hiệu quả và tổ chức tốt cuộc sống; đoàn kết giúp nhau bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ và của tổ chức công đoàn.

Chương II.

NGUYÊN TẮC VÀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

Điều 5. Công đoàn tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, với nội dung cơ bản như sau:

a) Cơ quan lãnh đạo các cấp của công đoàn đều do bầu cử lập ra.

b) Quyền quyết định cao nhất của mỗi cấp công đoàn thuộc về Đại hội công đoàn cấp đó. Giữa hai kỳ Đại hội, cơ quan lãnh đạo là Ban Chấp hành.

c) Ban Chấp hành Công đoàn các cấp hoạt động theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức.

d) Nghị quyết của công đoàn các cấp được thông qua theo đa số và phải được thi hành nghiêm chỉnh.

đ) Khi mới thành lập hoặc tách nhập tổ chức công đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời. Thời gian hoạt động của Ban chấp hành lâm thời không quá 12 tháng.

Điều 6. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức thống nhất có các cấp cơ bản sau đây:

[...]