Đề án 4038/ĐA-UBND năm 2024 sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Bến Tre

Số hiệu 4038/ĐA-UBND
Ngày ban hành 25/06/2024
Ngày có hiệu lực 25/06/2024
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Trần Ngọc Tam
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4038/ĐA-UBND

Bến Tre, ngày 25 tháng 6 năm 2024

 

ĐỀ ÁN

SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 CỦA TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48- KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15); Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; ý kiến của Bộ Nội vụ tại Công văn số 7411/BNV-CQĐP ngày 18/12/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 như sau:

Phần I

CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ

I. CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ

1. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

2. Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

3. Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14.

4. Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

5. Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022.

6. Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân loại đô thị đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022.

7. Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

8. Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

9. Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Bến Tre; Kết luận số 676-KL/TU ngày 23/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI tại Hội nghị lần thứ 15; Công văn số 4618-CV/TU ngày 14 tháng 3 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về điều chỉnh Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Bến Tre.

10. Văn bản số 7441/BNV-CQĐP ngày 18/12/2023 của Bộ Nội vụ về Phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2023 - 2025 và ý kiến của các Bộ, ngành trung ương có liên quan.

II. SỰ CẦN THIẾT SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ CỦA TỈNH BẾN TRE

Sắp xếp ĐVHC là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Do đó, tỉnh Bến Tre triển khai khẩn trương, có trách nhiệm để đạt được mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra, trong đó, hướng đến tổ chức hợp lý ĐVHC các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về ĐVHC; bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; mở rộng không gian phát triển, nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương các cấp, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Bên cạnh đó, quá trình thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp của tỉnh Bến Tre từ năm 1945 đến nay diễn ra đa dạng, có phát sinh một số bất cập và hạn chế. Việc sắp xếp ĐVHC các cấp đã thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước sâu sát đến Nhân dân hơn, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân được bảo đảm. Tuy nhiên, nhiều ĐVHC cấp xã có diện tích tự nhiên quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây ra những khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tâm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực của địa phương và Trung ương cho phát triển kinh tế - xã hội bị phân tán, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương; làm tăng bộ máy và biên chế; tăng chi phí quản lý hành chính,... Đại đa số các đơn vị cấp xã thu ngân sách tại địa phương không đủ cân đối chi thường xuyên, còn dựa nhiều vào sự hỗ trợ của cấp trên.

Đồng thời, xuất phát từ yêu cầu phát triển tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bến Tre định hướng phát triển quy hoạch tỉnh theo hướng không gian phát triển của tỉnh được tổ chức hợp lý, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; tập trung phát triển nhanh một số địa bàn có điều kiện thuận lợi, làm động lực phát triển chung toàn tỉnh, hỗ trợ các địa bàn khó khăn; phát triển hợp lý giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Do đó, việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật là cần thiết, nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc.

Phần II

HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP XÃ CỦA TỈNH BẾN TRE

I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP, GIẢI THỂ, NHẬP, CHIA, ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI ĐVHC CÁC CẤP CỦA TỈNH BẾN TRE TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY

1. Khái quát quá trình thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC các cấp và sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của địa phương từ năm 1945 đến nay

1.1. Khái quát quá trình thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC các cấp và sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của địa phương từ năm 1945 -1975

- Đầu năm 1945, tỉnh Bến Tre có 04 quận (Châu Thành, Ba Tri, Mỏ Cày và Thạnh Phú), 18 tổng, 92 làng (tương đương xã). Sau Cách mạng Tháng 8/1945, tỉnh Bến Tre được đổi tên thành tỉnh Đồ Chiểu.

- Năm 1948, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ ra quyết định cắt cù lao An Hóa (thuộc tỉnh Mỹ Tho) và 06 xã của cù lao Minh (thuộc tỉnh Vĩnh Long) sáp nhập vào tỉnh Bến Tre; chia tách huyện Châu Thành thành huyện Sóc Sãi và Châu Thành. Tỉnh Bến Tre trở thành địa bàn thống nhất gồm 03 cù lao: Minh, Bảo và An Hóa, bao gồm 07 huyện: Mỏ Cày, Thạnh Phú, Chợ Lách, Ba Tri, Châu Thành, Sóc Sãi và An Hóa.

[...]