Công văn 968/BYT-KH-TC hướng dẫn về tổ chức thực hiện dự toán chi thường xuyên năm 2014 do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 968/BYT-KH-TC
Ngày ban hành 06/03/2014
Ngày có hiệu lực 06/03/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Phạm Lê Tuấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 968/BYT-KH-TC
V/v hướng dẫn một số nội dung về tổ chức thực hiện dự toán chi thường xuyên năm 2014

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2014

 

Kính gửi: Các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ

Căn cứ Quyết định số 2337/QĐ-TTg ngày 30/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Quyết định số 2985/QĐ-BTC ngày 30/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về giao dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2014, Thông tư số 199/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Quyết định số 352/QĐ-BYT ngày 24/01/2014 giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2014 cho các đơn vị.

Để tổ chức quản lý và thực hiện có hiệu quả dự toán thu, chi ngân sách năm 2014 theo đúng Luật ngân sách nhà nước và các chế độ tài chính hiện hành, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ, các dự án, Thủ trưởng các đơn vị quản lý các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học (sau đây gọi chung là các đơn vị) triển khai thực hiện một số nội dung sau:

I. Tổ chức thực hiện dự toán thu sự nghiệp được giao

1. Các đơn vị phải tổ chức thực hiện dự toán thu được giao theo đúng các quy định của pháp luật, cụ thể như:

a) Thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ; Nghiêm cấm việc các cơ sở đào tạo (kể cả các Bệnh viện và Viện có chức năng đào tạo) thực hiện việc thu học phí cao hơn chế độ quy định.

b) Thực hiện thu giá dịch vụ y tế (kể cả Bảo hiểm y tế thanh toán) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 27/02/2012, Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTB&XH ngày 26/01/2006 (trừ 80 dịch vụ đã bãi bỏ tại phụ lục của Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC) và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 2050/BYT-KH-TC ngày 11/4/2013, số 5793/BYT-KH-TC ngày 16/9/2013. Thực hiện thu giá dịch vụ y tế theo đúng Bảng giá đã được Bộ Y tế phê duyệt cho từng đơn vị. Trong đó lưu ý không được thu tiền đối với người nhà vào thăm nuôi người bệnh dưới các hình thức như tiền áo vàng, tiền quần áo người nhà bệnh nhân vì giá dịch vụ ngày giường bệnh đã bao gồm các chi phí điện, nước, vệ sinh buồng bệnh của người nhà bệnh nhân.

c) Thu phí và lệ phí khác thực hiện theo các văn bản quy định hiện hành của Bộ Tài chính đối với từng loại phí, lệ phí.

d) Đối với những khoản thu từ hoạt động dịch vụ theo hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các hoạt động liên doanh, liên kết, đơn vị được xây dựng và quyết định các khoản thu, mức thu cụ thể theo nguyên tắc bảo đảm đủ bù đắp chi phí và có tích lũy theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ- CP của Chính phủ.

đ) Đối với hoạt động dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở thực hiện xã hội hóa của đơn vị: Trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, đơn vị phải xây dựng cơ cấu thu theo nguyên tắc bảo đảm đủ bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, mức tích lũy tối đa không quá 10% chi phí làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền quyết định mức thu cho phù hợp.

e) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tổ chức quản lý hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc tại bệnh viện theo đúng quy định tại Thông tư số 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 của Bộ Y tế. Nghiêm cấm tình trạng bán thuốc cho người bệnh vượt mức thặng số bán lẻ.

2. Các đơn vị phải chủ động thực hiện các giải pháp để chống gian lận, thất thoát, phấn đấu đạt và vượt dự toán được giao đồng thời đặc biệt lưu ý không lạm dụng thuốc, xét nghiệm, chiếu chụp, dịch vụ kỹ thuật cao gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh.

3. Các đơn vị phải tổ chức quản lý chặt chẽ, phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời trên sổ kế toán và báo cáo tài chính tất cả các khoản thu phát sinh tại đơn vị, kể cả các khoản thu từ các hoạt động dịch vụ, từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; các khoản thu sự nghiệp khác như trông xe, quầy thuốc, căng tin,... ; định kỳ nộp số thu phí, lệ phí vào tài khoản tiền gửi của đơn vị mở tại Kho bạc nhà nước, thực hiện mức dư tồn quỹ tiền mặt theo đúng quy định của nhà nước đối với từng loại phí, lệ phí.

Đối với số thu giá dịch vụ y tế và BHYT thanh toán được để lại cho đơn vị sử dụng và không phản ánh vào ngân sách nhà nước như trước đây mà hạch toán, quyết toán vào nguồn thu khác. Các đơn vị phải thực hiện việc quản lý thu, chi tiền mặt theo đúng quy định tại Thông tư số 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, đồng thời thực hiện theo phương án thu tiền mặt qua tài khoản chuyên thu tại Ngân hàng được duyệt (nếu có).

4. Các đơn vị có trách nhiệm rà soát, thực hiện chế độ miễn, giảm cho các đối tượng chính sách - xã hội theo quy định của nhà nước.

5. Đối với các khoản thu sản xuất, kinh doanh dịch vụ: đơn vị phải xây dựng kế hoạch chi tiết về thu, chi để quản lý và điều hành. Lưu ý phải tính khấu hao đối với các tài sản sử dụng cho các hoạt động dịch vụ, số thu khấu hao từ các tài sản hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì hạch toán vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Tổ chức theo dõi, quản lý và hạch toán đầy đủ các chi phí đối với từng hoạt động, đăng ký và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định tại Thông tư số 128/2011/TT-BTC ngày 12/9/2011 của Bộ Tài chính.

II. Tổ chức thực hiện dự toán chi đã được giao:

1. Đối với dự toán chi thường xuyên giao tự chủ:

Dự toán chi thường xuyên giao tự chủ năm 2014 gồm ngân sách nhà nước và chi từ các khoản thu đã được Bộ Y tế cân đối kinh phí chi: thực hiện tăng giường bệnh, biên chế và học sinh; thực hiện chế độ ăn cho bệnh nhân phong, tâm thần theo quy định; chi lập quỹ khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP; kinh phí chi trả tiền lương cho bác sỹ nội trú; kinh phí chi trả phụ cấp đặc thù theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ trong khi chưa được kết cấu vào giá thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (phần tăng thêm so với Quyết định 155), kinh phí chi cho hoạt động dân quân tự vệ theo Nghị định số 58/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Dân quân tự vệ, kinh phí chi duy tu sửa chữa và mua sắm thay thế tài sản.

Căn cứ vào dự toán ngân sách được giao, khả năng nguồn thu và Quy chế chi tiêu nội bộ tại đơn vị, các đơn vị cần chủ động phân bổ dự toán theo các nhiệm vụ để thực hiện chi tiêu và thanh quyết toán theo quy định; trong đó cần lưu ý một số nội dung chính như sau:

a) Ưu tiên kinh phí từ nguồn NSNN giao tự chủ và nguồn thu để đảm bảo chi trả tiền lương và các khoản có tính chất lương; chi trả chế độ phụ cấp thâm niên theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ, chế độ phụ cấp đặc thù theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, chi bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật theo Thông tư số 13/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 30/5/2012 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, các khoản đóng góp theo chế độ quy định (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn); chế độ ăn, chăm sóc người bệnh phong, tâm thần. Riêng nguồn kinh phí chi trả phụ cấp ưu đãi nghề cho các đối tượng không làm chuyên môn y tế theo quy định tại khoản 6, Điều 3, Nghị định số 56/2011/NĐ-CP thực hiện như sau:

(i) Từ nguồn thu sự nghiệp (viện phí, bảo hiểm y tế, phí và lệ phí), nguồn thu hoạt động dịch vụ, thu khác của đơn vị được để lại theo quy định.

(ii) Trường hợp các đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu nhưng đơn vị được giao quyền tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Thủ trưởng đơn vị có thể căn cứ vào nguồn kinh phí tiết kiệm được theo quy định tại Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và tình hình thực tế của đơn vị để chi trả phụ cấp này.

b) Ưu tiên kinh phí cho các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, cụ thể:

- Đối với các bệnh viện: ưu tiên kinh phí để thực hiện các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người bệnh. Bảo đảm dành tối thiểu 15% số thu khám bệnh, ngày giường điều trị để bảo đảm chăn, ga, gối, đệm, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mua sắm công cụ, dụng cụ cho khu vực khám bệnh, các buồng bệnh... như hướng dẫn tại công văn 2210/BYT-KH-TC của Bộ Y tế.

- Đối với các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng: ưu tiên kinh phí phòng, chống dịch đã được bố trí trong dự toán để tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp để phòng chống dịch bệnh trên phạm vi địa bàn được giao phụ trách.

- Đối với các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm định, kiểm nghiệm, giám định, truyền thông: ưu tiên và bảo đảm kinh phí để chi cho việc lấy mẫu, thử mẫu kiểm tra chất lượng thuốc, mỹ phẩm, vắc xin, sinh phẩm y tế theo quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa và các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, tổ chức triển khai thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước.

- Đối với các cơ sở đào tạo: ưu tiên kinh phí để bảo đảm thuốc, vật tư, hóa chất, súc vật, dụng cụ phục vụ công tác thực hành của học sinh, sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Bảo đảm kinh phí chi trả chế độ học bổng cho học sinh, sinh viên theo quy định.

[...]