Công văn 2295/BTC-TTr năm 2014 về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 2295/BTC-TTr
Ngày ban hành 24/02/2014
Ngày có hiệu lực 24/02/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Thị Mai
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2295/BTC-TTr
Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (viết tắt là “THTK, CLP”) theo các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương Đảng; quy định của Luật THTK, CLP; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quản lý ngân sách nhà nước năm 2014, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91 (sau đây gọi chung là “Bộ, ngành, địa phương”) tăng cường THTK, CLP trong phạm vi, lĩnh vực quản lý được phân công, trong đó tập trung thực hiện một số nội dung sau:

I. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình THTK, CLP

1. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình THTK, CLP năm 2014 của Bộ, ngành, địa phương mình, bảo đảm đúng quy định của Luật THTK, CLP và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 10 tháng 3 năm 2014 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Đồng thời, đăng tải công khai Chương trình THTK, CLP trên cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương trong thời gian ít nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật).

2. Chương trình THTK, CLP của Bộ, ngành, địa phương phải gắn với nhiệm vụ cải cách hành chính, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiết kiệm cho ngành, lĩnh vực và cho các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý để có thể đánh giá, lượng hóa được kết quả thực hiện; đề ra các biện pháp THTK, CLP trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý theo thẩm quyền gắn với mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ và chất lượng công việc. Trong đó, chú ý tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

a) Tổ chức phổ biến, quán triệt đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Luật THTK, CLP số 44/2013/QH13 ngày 26/11/2013; các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về THTK, CLP (Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, BCH Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh THTK, CLP; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06/12/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21 KL/TW ngày 25/5/2012 của BCH Trung ương Đảng; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 về việc tăng cường THTK, CLP; số 16/CT-TTg ngày 29/7/2013 về tăng cường THTK, CLP trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động tại doanh nghiệp nhà nước; ...).

b) Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về THTK, CLP trong lĩnh vực, phạm vi quản lý được phân công theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

c) Thực hiện công khai về THTK, CLP theo quy định tại Điều 5, Luật THTK, CLP số 44/2013/QH13. Bảo đảm việc thực hiện quyền giám sát THTK, CLP của công dân, cơ quan, tổ chức; tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động thanh tra nhân dân; tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ, kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền; xử lý hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với người trong cơ quan, tổ chức mình có hành vi gây lãng phí.

3. Định kỳ sáu tháng và một năm, các Bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết để đánh giá tình hình, kết quả và rút kinh nghiệm việc thực hiện Chương trình THTK, CLP.

II. Thực hiện báo cáo tình hình, kết quả THTK, CLP

1. Báo cáo theo định kỳ:

a) Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện báo cáo theo định kỳ sáu tháng đầu năm và báo cáo tổng hợp cả năm về tình hình, kết quả THTK, CLP của Bộ, ngành, địa phương mình, gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp Báo cáo của Chính phủ, trình ra Quốc hội theo quy định của Luật THTK, CLP số 44/2013/QH13. Nội dung báo cáo định kỳ về THTK, CLP theo Đề cương hướng dẫn kèm theo Công văn này, trong đó:

- Các Bộ, ngành ở Trung ương có chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước báo cáo, đánh giá về tình hình, kết quả THTK, CLP, hiệu quả công tác quản lý trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công trên phạm vi cả nước;

- Thanh tra Chính phủ báo cáo đánh giá về tình hình, kết quả thanh tra và xử lý vi phạm, lãng phí phát hiện qua công tác thanh tra trên phạm vi cả nước;

- Kiểm toán Nhà nước báo cáo đánh giá về tình hình, kết quả kiểm toán và việc xử lý, thực hiện kiến nghị kiểm toán;

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo, đánh giá về tình hình, kết quả THTK, CLP trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn;

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng Nói Việt Nam báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện, phát sóng tin, bài và các sản phẩm truyền thông khác để tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về THTK, CLP.

b) Thời hạn lập và gửi báo cáo định kỳ về Bộ Tài chính:

Báo cáo THTK, CLP sáu tháng đầu năm gửi trước ngày 15 tháng 7 và Báo cáo THTK, CLP cả năm gửi trước ngày 31 tháng 01 năm sau liền kề. Đồng thời, đăng tải công khai các báo cáo định kỳ về THTK, CLP trên cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương trong thời gian ít nhất là 30 ngày, kể từ ngày Báo cáo được người có thẩm quyền ký ban hành (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật).

2. Báo cáo đột xuất:

Các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động và thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, kết quả THTK, CLP trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. Thực hiện báo cáo đột xuất về tình hình, kết quả THTK, CLP theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung ương Đảng (nếu có). Nội dung và thời hạn báo cáo đột xuất thực hiện theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác THTK, CLP, lập và gửi báo cáo bảo đảm theo các yêu cầu trên đây. Trong quá trình triển khai, thực hiện, trường hợp có vướng mắc đề nghị liên hệ với Thanh tra Bộ Tài chính để phối hợp xử lý (Số điện thoại tổng đài 04.22202828, máy lẻ 8554 hoặc 8571 và địa chỉ thư điện tử thanhtra6@mof.gov.vn)./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (để b/c);
- Lưu: VT, TTr.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

 

ĐỀ CƯƠNG HƯỚNG DẪN

XÂY DỰNG BÁO CÁO ĐỊNH KỲ VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
(Ban hành kèm theo Công văn số 2295/BTC-TTr ngày 24/ 02/2014 của Bộ Tài chính về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014)

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91 (sau đây gọi chung là “Bộ, ngành, địa phương”) căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và trên cơ sở các nội dung hướng dẫn tại Đề cương này, xây dựng các báo cáo định kỳ sáu tháng, một năm về tình hình, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (viết tắt là “THTK, CLP”), phù hợp với đặc điểm, tình hình của Bộ, ngành, địa phương mình và bảo đảm đúng yêu cầu, quy định của Luật THTK, CLP số 44/2013/QH13.

[...]