ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 933/UBND-XD
V/v thực hiện Luật Xây dựng số 50/2014/QH13
trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
|
Hải Phòng, ngày 04 tháng 02 năm 2015
|
Kính
gửi:
|
- Các Sở, ngành, đơn vị trực thuộc;
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện;
- Các Tổng công ty xây dựng trên địa bàn thành phố.
|
Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được Quốc
hội khóa XIII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 18/6/2014, có hiệu lực thi hành từ
ngày 01/01/2015. Trong khi chờ Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành các văn bản
quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2014, thực hiện
Văn bản số 3482/BXD-HĐXD ngày 30/12/2014 của Bộ Xây dựng về việc thực hiện Luật
Xây dựng 2014, để đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố
không bị gián đoạn, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các
Sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và tuân thủ đầy đủ các nội dung đã được quy định cụ thể của Luật Xây dựng 2014. Riêng
một số nội dung của Luật Xây dựng 2014 giao cho Chính phủ hướng dẫn và một số nội
dung triển khai thực hiện cụ thể trên địa bàn thành phố Hải Phòng thì vẫn được
áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Xây dựng 2003 của Chính
phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng
nhưng không trái với các quy định của Luật Xây dựng 2014, cụ thể như sau:
I. Về phân loại dự án đầu tư xây
dựng và phân cấp công trình xây dựng:
1. Về phân loại dự án đầu tư xây dựng:
Từ ngày 01/01/2015 dự án đầu tư xây dựng
theo quy định tại Điều 49 Luật Xây dựng 2014 được phân loại theo quy định tại
Điều 6, 7, 8, 9, 10 của Luật Đầu tư công 2014.
2. Phân loại, phân
cấp công trình xây dựng:
Việc phân loại, phân cấp công trình theo
quy định tại Điều 5 Luật Xây dựng 2014 được áp dụng theo Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số
nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây gọi là Thông tư số
10/2013/TT-BXD), Thông tư số 09/2014/TT-BXD ngày 10/7/2014 của Bộ Xây dựng về
sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 15/2013/NĐ-CP
ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau
đây gọi là Thông tư số 09/2014/TT-BXD).
II. Về chủ đầu tư và hình thức
quản lý dự án:
1. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân
sách nhà nước được quyết định đầu tư sau ngày 01/01/2015, giao cho các Sở quản lý
công trình xây dựng chuyên ngành trực tiếp quản lý Ban quản lý dự án chuyên ngành,
Ban quản lý dự án khu vực do Ủy ban nhân dân thành phố
quyết định thành lập.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách
nhiệm khẩn trương kiện toàn, sắp xếp hoặc thành lập các Ban quản lý dự án chuyên
ngành. Các Sở, ngành có trách nhiệm khẩn trương rà soát, tham mưu cho Ủy
ban nhân dân thành phố kiện toàn, sắp xếp, thành lập các Ban quản
lý dự án chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án khu vực (trực thuộc các Sở, ngành)
theo quy định của Luật Xây dựng 2014 để quản lý đối với các dự án sử dụng vốn ngân
sách nhà nước.
III. Về lập, thẩm định dự án đầu
tư xây dựng:
1. Lập dự án và Báo cáo kinh tế - kỹ thuật
đầu tư xây dựng:
a) Dự án được phê duyệt sau ngày 01/01/2015
thì điều chỉnh nội dung phù hợp với quy định tại Điều 54, 55 của Luật Xây dựng
2014 trước khi trình thẩm định, phê duyệt.
b) Công trình xây dựng sử dụng cho mục
đích tôn giáo và các công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao
gồm tiền sử dụng đất) chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại
Điều 55 của Luật Xây dựng 2014.
2. Thẩm định dự án đầu tư xây dựng và
Báo cáo kinh tế - kỹ thuật:
a) Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách
nhà nước:
- Cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ quản
lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định toàn bộ nội dung của dự
án nhóm A, các dự án do các Bộ, ngành ở Trung ương quyết định đầu tư được quy
định tại Điều 58 của Luật Xây dựng 2014.
- Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên
ngành chủ trì thẩm định toàn bộ nội dung của dự án nhóm B, nhóm C và Báo cáo kinh tế - kỹ thuật quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng
2014 được đầu tư trên địa bàn thành phố, trừ các dự án do cơ quan chuyên môn
thuộc các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định nêu trên. Theo
đó đối với các dự án do Ủy ban nhân dân thành phố quyết
định đầu tư:
+ Sở Xây dựng chủ trì thẩm định nội dung
các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp vật liệu xây dựng,
hạ tầng kỹ thuật đô thị.
+ Sở Giao thông vận tải chủ trì thẩm định
nội dung các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.
+ Sở Công thương chủ trì thẩm định nội
dung các dự án đầu tư xây dựng công trình hầm mỏ, dầu khí, nhà máy điện, đường
dây tải điện, trạm biến áp, hóa chất, vật liệu nổ công
nghiệp, chế tạo máy, luyện kim và các dự án công nghiệp chuyên ngành khác, trừ
công trình công nghiệp vật liệu xây dựng.
+ Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn chủ trì thẩm định nội dung các dự án đầu tư xây dựng
công trình thủy lợi, đê điều và các công trình nông nghiệp
chuyên ngành khác.
Đối với dự án
bao gồm nhiều loại công trình khác nhau thì Sở chủ trì thẩm định dự án là một trong các Sở nêu trên có chức năng quản lý loại công
trình quyết định tính chất, mục tiêu của dự án.
b) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước
ngoài ngân sách:
- Cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ quản
lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định nội dung thiết kế cơ sở
quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng 2014 đối với công trình thuộc dự
án nhóm A.
- Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên
ngành thẩm định nội dung thiết kế cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật
Xây dựng 2014 đối với các công trình thuộc dự án nhóm B, nhóm C được đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố. Theo đó:
+ Sở Xây dựng chủ trì thẩm định nội dung
thiết kế cơ sở công trình dân dụng, công nghiệp vật liệu
xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị.
+ Sở Giao thông vận tải chủ trì thẩm định
nội dung thiết kế cơ sở công trình giao thông.
+ Sở Công thương chủ trì thẩm định nội
dung thiết kế cơ sở công trình hầm mỏ, dầu khí, nhà máy
điện, đường dây tải điện, trạm biến áp, hóa chất, vật liệu
nổ công nghiệp, chế tạo máy, luyện kim và các dự án công nghiệp chuyên ngành
khác, trừ công trình công nghiệp vật liệu xây dựng.
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chủ trì thẩm định nội dung thiết kế cơ sở công trình thủy lợi,
đê điều và các công trình nông nghiệp chuyên ngành khác.
Đối với dự án bao gồm nhiều loại công
trình khác nhau thì Sở chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở là một trong các Sở nêu
trên có chức năng quản lý loại công trình quyết định tính chất, mục tiêu của dự
án.
c) Đối với dự án sử dụng vốn khác:
- Cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ quản
lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định nội dung thiết kế cơ sở
quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng 2014 đối với các dự án có công
trình cấp I, cấp đặc biệt.
- Sở Xây dựng chủ trì thẩm định nội dung thiết kế cơ sở các công trình
công cộng từ cấp II trở xuống.
IV. Về thẩm định thiết kế, dự
toán xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở:
1. Từ ngày 01/01/2015, công trình chưa
được phê duyệt thiết kế, dự toán thì nội dung lập, thẩm định thiết kế, dự toán
xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Điều 80 và Điều 83 của
Luật Xây dựng 2014.
2. Thẩm quyền và quy trình tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán được áp dụng theo quy định về thẩm
quyền và quy trình thẩm tra thiết kế tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013
của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây gọi là Nghị
định số 15/2013/NĐ-CP) và Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 của Bộ Xây
dựng về quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình.
V. Về thẩm quyền
kiểm tra công tác nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng:
1. Đối tượng kiểm tra công tác nghiệm
thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình được
thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 123 của Luật Xây dựng 2014.
2. Thẩm quyền và quy trình kiểm tra công
tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công
trình được áp dụng theo quy định của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, Thông tư số
10/2013/TT-BXD và Thông tư số 09/2014/TT-BXD.
VI. Về cấp Giấy phép xây dựng:
1. Những công trình được miễn cấp phép
xây dựng quy định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng 2014.
2. Việc cấp giấy phép xây dựng được thực
hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2014 và quy định của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP
ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng, Thông tư số
10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn chi tiết một số nội
dung của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP, Quyết định số 941/QĐ-UBND ngày 12/5/2014
của Ủyban nhân dân thành phố về việc cấp giấy phép xây
dựng trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Riêng đối với việc cấp giấy phép xây
dựng có thời hạn thì điều kiện thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2014,
quy trình thủ tục và thành phần hồ sơ thực hiện theo quy định về cấp giấy phép
xây dựng tạm của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP, Thông tư số 10/2012/TT-BXD (trường
hợp công trình, nhà ở riêng lẻ xây mới thuộc khu vực đã có
quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có kế hoạch sử dụng đất
hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp huyện được phê duyệt chỉ
cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với công trình sửa chữa, cải tạo theo
quy mô hiện trạng đã có)
VII. Về quản lý điều kiện năng
lực hoạt động xây dựng:
1. Việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động
xây dựng áp dụng theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP
của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (sau đây gọi là Nghị định số 12/2009/NĐ-CP) và Thông tư số
12/2009/TT-BXD ngày 24/6/2009 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn chi
tiết về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
2. Việc đánh giá năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức áp dụng theo
quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP
của Chính phủ và Thông tư số 22/2009/TT-BXD ngày 06/7/2009
của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng.
3. Việc đăng tải thông tin năng lực hoạt
động xây dựng áp dụng theo quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BXD
ngày 25/8/2014 của Bộ Xây dựng quy định công khai thông tin về năng lực hoạt
động xây dựng của tổ chức, các nhân tham gia hoạt động xây dựng công trình.
VIII. Xử lý chuyển tiếp:
1. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công
trình (dự án mới và dự án điều chỉnh)
đã được chủ đầu tư trình cơ quan đầu mối thẩm định hoặc đã
được Ủy ban nhân dân thành phố đồng ý chủ trương đầu tư,
giao cho cơ quan đầu mối thẩm định trước ngày 01/01/2015:
- Giao cho cơ quan đầu mối thẩm định quy
định tại Khoản 3 Điều 5 của Quyết định số 1797/2010/QĐ-UBND ngày 26/10/2010 của
Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về quản lý dự
án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
- Các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục
tham gia thẩm định dự án.
- Nội dung thẩm định và các bước tiếp
theo thực hiện theo các quy định của Luật Xây dựng 2014 và văn bản này.
2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công
trình (dự án mới và dự án điều chỉnh) được chủ đầu tư trình từ ngày 01/01/2015 (trừ
những dự án được quy định tại mục 1 phần này): Thực hiện theo các quy định của
Luật Xây dựng 2014, Luật Đầu tư công 2014 và văn bản này.
IX. Tổ chức thực hiện :
1. Giao Sở Kế hoạch
và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các
dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố trong thời gian chưa có các văn bản
quy phạm pháp, luật của Chính phủ và các Bộ, ngành hướng dẫn Luật Đầu tư công
2014 và Luật Xây dựng 2014 phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.
2. Văn bản này có hiệu lực thực hiện từ
ngày 01/01/2015 và chấm dứt hiệu lực thi hành khi các văn
bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Xây
dựng để được giải quyết, hướng dẫn cụ thể. Trường hợp vượt thẩm quyền, Sở Xây
dựng tổng hợp, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố
xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- CT, các PCT UBNDTP;
- Như kính gửi;
- CVP, PCVP;
- Các CV UBND
TP;
- Lưu VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH
Lê Văn Thành
|