Công văn SỐ 93 TC/NSNN của bộ tài chính về việc hướng dẫn một số điểm thực hiện Thông tư 09-TC/NSNN

Số hiệu 93-TC/NSNN
Ngày ban hành 21/05/1997
Ngày có hiệu lực 21/05/1997
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Lao động - Tiền lương

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 93-TC/NSNN

, ngày 21 tháng 5 năm 1997

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 93 TC/NSNN NGÀY 21 THÁNG 5 NĂM 1997 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM THỰC HIỆN THÔNG TƯ 09 TC/NSNN

Kính gửi:

 

- Sở Tài chính - Vật giá, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
- Vụ Tài chính kế toán các Bộ, cơ quang ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các đoàn thể,

 

Để triển khai thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời đảm bảo cấp phát kinh phí kịp thời cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo tiến độ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Bộ Tài chính yêu cầu các Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước phối hợp với các đơn vị dự toán tổ chức thực hiện tốt Thông tư 09 TC/NSNN ngày 18/3/1997 của Bộ Tài chính. Trong quá trình thực hiện, cần chú ý các vấn đề sau:

1. Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị định 87/CP, ngay từ đầu năm ngân sách các cơ quan quản lý cấp trên phải phân bổ ngân sách cho các đơn vị sử dụng chi tiết theo Mục lục NSNN. Nhưng do dự toán NSNN năm 1997 được lập và quyết định trong năm 1996 chưa chi tiết đầy đủ theo quy định của Luật nên việc phân bổ chi tiết dự toán năm 1997 phải thực hiện vào các tháng đầu năm 1997. Vì vậy, để có căn cứ tổ chức cấp phát NSNN theo Mục lục NSNN, các đơn vị chưa phân bổ chi tiết dự toán ngân sách theo Mục lục NSNN phải triển khai ngay công việc này, gửi đến cơ quan tài chính đồng cấp và Kho bạc nơi giao dịch.

2. Việc thông báo hạn mức kinh phí quý và phân phối hạn mức quý về nguyên tắc phải thực hiện đến từng mục chi. Tuy nhiên, để phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế, trong năm 1997, Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp phát phải thực hiện chi tiết ít nhất đến một số mục chủ yếu sau:

1. Mục 100: Tiền lương.

2. Mục 102: Phụ cấp lương.

3. Mục 103: Học bổng học sinh, sinh viên.

4. Mục 104: Tiền thưởng.

5. Mục 106: Các khoản đóng góp.

6. Mục 110: Vật tư văn phòng.

7. Mục 112. Hội nghị.

8. Mục 117: Sửa chữa thường xuyên TSCĐ phục vụ công tác chuyên môn và duy tu, bảo dưỡng các cơ sở hạ tầng.

9. Mục 118: Sửa chữa lớn TSCĐ phục vụ chuyên môn và các công trình cơ sở hạ tầng.

10. Mục 119: Chi phí hoạt động chuyên môn từng ngành.

11. Mục 145: Mua sắm TSCĐ dùng cho công tác chuyên môn.

Đối với các mục chi còn lại, nếu chi tiết được thì điền vào đúng mục quy định; nếu chưa chi tiết được, có thể thông báo chung vào mục 134 "chi khác". Khi thực chi, đơn vị sử dụng ngân sách hạch toán theo các mục tương ứng của Mục lục ngân sách.

3. Theo quy định của Nghị định 87/CP: "Cơ quan tài chính thẩm tra dự toán chi của từng đơn vị sử dụng ngân sách và căn cứ vào khả năng ngân sách để bố trí mức chi cho các đơn vị sử dụng ngân sách hoặc bố trí mức chi cho cơ quan quản lý cấp trên phân phối cho từng đơn vị sử dụng ngân sách, thông báo cho đơn vị sử dụng ngân sách và Kho bạc để thực hiện".

Theo quy định trên, tuỳ khả năng của cơ quan tài chính, việc thông báo hạn mức quý có thể thực hiện dưới một trong hai hình thức sau:

- Cơ quan tài chính thông báo trực tiếp hạn mức chi quí cho từng đơn vị sử dụng ngân sách (đơn vị dự toán cấp 3).

- Trong trường hợp cơ quan tài chính chưa thể cấp phát trực tiếp đến đơn vị sử dụng ngân sách thì cơ quan tài chính thông báo hạn mức chi quí cho cơ quan quản lý cấp trên (đơn vị dự toán cấp 1 và cấp 2) và uỷ quyền cho cơ quan quản lý cấp trên phân phối hạn mức chi quý cho từng đơn vị sử dụng ngân sách.

4. Về việc cấp phất kinh phí uỷ quyền Kho bạc Nhà nước sẽ có hướng dẫn thêm, dưới đây chỉ lưu ý một số điểm về kinh phí uỷ quyền của NSĐF cho ngành giáo dục, y tế như sau:

- Về hình thức cấp phát: cấp phát hạn mức nhưng để phân biệt với cấp phát hạn mức bình thường của cấp ngân sách, trên thông báo phân phối và giấy rút hạn mức kinh phí cần ghi rõ Hạn mức kinh phí uỷ quyền.

- Hàng quý, trên cơ sở dự toán chi cả năm được duyệt các đơn vị trường học, bệnh viện,... thuộc huyện quản lý lập dự toán chi quý (có chia ra tháng) chi tiết theo các mục chi của Mục lục NSNN gửi cơ quan quản lý cấp trên (Phòng Giáo dục, Trung tâm Y tế) đồng gửi Phòng Tài chính. Phòng Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Phòng Giáo dục và Trung tâm Y tế xem xét và tổng hợp gửi Sở Tài chính - Vật giá đồng gửi các Sở chủ quản. Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm tổng hợp dự toán chi về giáo dục, y tế vào dự toán chi ngân sách quý báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Căn cứ vào dự toán thu, chi ngân sách quý, Sở Tài chính - Vật giá lập thông báo hạn mức kinh phí uỷ quyền gửi cho Phòng Tài chính quận, huyện: Thông báo ghi rõ tổng mức kinh phí có phân chia theo khoản mục chi của Mục lục NSNN và chia ra tháng. Phòng Tài chính có trách nhiệm thông báo hạn mức kinh phí cho từng đơn vị sử dụng ngân sách nếu các đơn vị như trường học, bệnh viện là đơn vị dự toán có tài khoản hạn mức kinh phí ở Kho bạc Nhà nước. Trường hợp các đơn vị trực thuộc (trường học, bệnh viên không phải là đơn vị dự toán không mở tài khoản hạn mức kinh phí tại Kho bạc Nhà nước) việc thanh toán chi tiêu phải qua Phòng Giáo dục và Trung tâm Y tế. Trong trường hợp này Phòng Tài chính thông báo hạn mức kinh phí cho Phòng Giáo dục, Trung tâm Y tế để Phòng Giáo dục, Trung tâm Y tế thực hiện việc thanh toán chi trả cho các đơn vị (các trường, các bệnh viện...).

Để thực hiện quy định nêu trên, Phòng Giáo dục, Trung tâm Y tế (đơn vị được Phòng Tài chính thông báo hạn mức kinh phí) và trường học, bệnh viện (đơn vị được Phòng Tài chính thông báo hạn mức kinh phí) phải mở tài khoản hạn mức kinh phí uỷ quyền tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.

[...]