Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn 922/UBND-ĐT năm 2021 về phân công nhiệm vụ thực hiện giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn theo Chỉ thị 41/CT-TTg do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 922/UBND-ĐT
Ngày ban hành 31/03/2021
Ngày có hiệu lực 31/03/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Trọng Đông
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 922/UBND-ĐT
V/v phân công nhiệm vụ thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn theo Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 04/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2021

 

Kính gửi:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã.

Trong thời gian qua, Thành ủy, HĐND Thành phố và UBND Thành phố đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý chất thải rắn đã đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, tại một số địa phương tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan chất thải rắn sinh hoạt vẫn chưa được giải quyết triệt đ; tình trạng vứt rác thải, đ rác thải sinh hoạt ra ven đường và xuống ao, hồ, kênh, mương vẫn còn; các bãi rác tự phát, hiện tượng đốt rác vẫn còn tồn tại... gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và gây bức xúc cho người dân. Đ xảy ra tình trạng trên, một phần nguyên nhân do các cấp chính quyền ở một số địa phương còn thiếu sát sao trong chỉ đạo thực hiện, đôn đốc và giám sát công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến cũng chưa được đẩy mạnh đthực hiện một cách sâu rộng và liên tục, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề cấp bách lĩnh vực môi trường.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý chất thải rắn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyn biến căn bản trên cơ sở tập trung chú trọng các giải pháp căn cơ, lâu dài trong đảm bảo môi trường như: xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ trong quản lý môi trường; phân cấp rõ trách nhiệm; chú trọng phát triển rộng, hiệu quả về phân loại rác thải tại nguồn; ưu tiên đầu tư các cơ sở xử lý rác có phân loại tập trung tiền xử lý; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến hiện đại, theo nguyên tắc tuần hoàn vật chất; tổ chức triển khai hiệu quả nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng tỷ lệ thu gom và xử lý bằng công nghệ hiện đại thay thế chôn lấp... UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai các nội dung cụ thể như sau:

I. Yêu cầu chung:

- Các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, thị xã và các tổ chức, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hà Nội cần quán triệt, nhận thức đầy đủ và triển khai hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cưng quản lý chất thải rắn. Tổ chức phân công nhiệm vụ, xác định trách nhiệm và thực hiện đồng bộ với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm đảm bảo xuyên suốt, hiệu quả.

- Đẩy mạnh phối hợp, triển khai các nhiệm vụ theo lĩnh vực, nhiệm vụ của các Bộ ngành: Căn cứ các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ ngành thực hiện, UBND Thành phố yêu cầu các Sở chuyên ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với các Bộ chuyên ngành theo lĩnh vực quản lý, thực hiện các nội dung nhiệm vụ quy mô cấp Thành phố. Chú trọng đến xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, quản lý chất thải rắn với yêu cầu cao hơn, áp dụng phù hợp với quy định của Luật Thủ đô.

II. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai:

- Phối hợp cùng các sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc căn cứ chức năng nhiệm vụ thực hiện rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; về vị trí, quy mô của các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn đ lồng ghép vào quy hoạch chung, phù hp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.

- Tiếp tục chỉ đạo tăng cường tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt, vận chuyển và xử lý trên địa bàn Thành phố; đảm bảo các mục tiêu về giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp hướng dẫn và lộ trình quy định tại Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế hệ thống thu gom chất thải rắn theo hướng phù hợp với việc phân loại rác thải tại nguồn tại các khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ, chung cư kết hợp với văn phòng, tổ hợp công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng; quy hoạch, bố trí điểm tập kết, trung chuyển rác thải trong các đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung bảo đảm vệ sinh môi trường phù hợp với quy định của pháp luật.

- Phối hợp cùng các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính xây dựng lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước. Quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh và thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn; hướng dẫn lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý rác thải đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường; đảm bảo công khai, minh bạch trong chi trả dịch vụ xử lý rác thải.

- Tăng cường quản lý hạ tầng kỹ thuật về các điểm tập kết, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch theo thẩm quyền. Hướng dẫn các địa phương rà soát cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, trung chuyển, xử lý rác thải phù hợp với các quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành được phê duyệt.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng về phương thức quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn.

- Chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn, căn cứ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải; Xây dựng Quy định quản lý về chất thải rắn trên địa bàn Thành phố (bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng, phân bùn bể phốt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại, chất thải rắn y tế,...) đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn Thành phố và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

- Xây dựng trình UBND Thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với khu vực đô thị và nông thôn để triển khai thực hiện; xây dựng lộ trình và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy định và ngăn chặn việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm do rác thải gây ra, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ rà soát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải, nước rỉ rác hiện có trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở xử lý phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, thực hiện trước năm 2023; xử lý ô nhiễm, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh phù hợp với quy hoạch.

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố. Tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả triển khai, thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện các tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Chỉ đạo việc thu gom các bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón sau sử dụng trong nông nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận huyện, thị xã tăng cường áp dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc xử lý, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc xử lý, tái chế rơm, rạ sau thu hoạch.

4. Sở Y tế

- Chủ trì hướng dẫn, chỉ đạo xử lý chất thải y tế, chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm, mô hình tập trung, hạn chế việc xử lý phân tán tại các cơ sở y tế.

- Tăng cường hướng dẫn việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế, chú trọng phân loại chất thải rắn tại nguồn; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyn và xử lý chất thải y tế và y tế nguy hại đảm bảo các quy định về môi trường.

5. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn phát điện trong quá trình thực hiện đấu nối điện phù hợp với quy hoạch hoặc bổ sung quy hoạch điện (nếu cần thiết), quản lý hoạt động phát điện đối với công nghệ xử lý rác có phát điện; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, giảm sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, tăng cường tái sử dụng, tái chế.

[...]