Nghị quyết 204/NQ-HĐND năm 2018 về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Số hiệu | 204/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 19/12/2018 |
Ngày có hiệu lực | 19/12/2018 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Thành phố Đà Nẵng |
Người ký | Nguyễn Nho Trung |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
Số: 204/NQ-HĐND |
Đà Nẵng, ngày 19 tháng 12 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
KHÓA IX, NHIỆM KỲ 2016 - 2021, KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
Xét Báo cáo số 286/BC-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2018 và Tờ trình số 9133/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố; Báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố, ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất ban hành Nghị quyết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
- Giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân thành phố, xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường;
- Tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt, nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
- Ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tiên tiến, thân thiện môi trường; phát triển ngành công nghiệp tái chế rác, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:
- 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom và xử lý hợp vệ sinh;
- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025;
- Tất cả các phường, xã trên địa bàn thành phố tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình; đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn;
- Đảm bảo tất cả các khu dân cư, khu đô thị có điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt được quy hoạch và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt ở quận nội thành có công nghệ tiên tiến, kết hợp công năng phân loại rác sinh hoạt;
- Đáp ứng đủ phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và đạt yêu cầu kỹ thuật; không để rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, rò rỉ nước rỉ rác tại điểm tập kết và trên đường vận chuyển;
- Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 25%;
- Đến năm 2020 dừng hoạt động chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh tại bãi chôn lấp; đầu tư xây dựng mới nhà máy xử lý chất thải rắn và nâng cấp các công trình đảm bảo xử lý triệt để các nguồn thải phát sinh từ bãi chôn lấp rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu.
- Khuyến khích, vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố không dùng túi nilon khó phân hủy; khuyến khích, vận động các nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố không dùng sản phẩm nhựa khó phân huỷ, sử dụng một lần để đựng thức ăn, đồ uống cho khách hàng; khuyến khích việc đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thay thế.
2. Nhiệm vụ và giải pháp
a) Nâng cao nhận thức cho cơ quan, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trên địa bàn thành phố có trách nhiệm trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, từng bước tạo thói quen phân loại rác sinh hoạt, thu gom, tái chế và tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn;
b) Tổng kết đánh giá công tác thực hiện Đề án thu gom rác theo giờ để rút kinh nghiệm và xây dựng lộ trình thực hiện đến năm 2025;
c) Lập Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với từng địa phương, khu vực gắn với quy hoạch hệ thống thu gom chất thải rắn sinh hoạt và đồng bộ với công nghệ xử lý;