Công văn 8390/BGDĐT-GDTX năm 2012 hướng dẫn trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên theo chương trình bồi dưỡng thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 8390/BGDĐT-GDTX |
Ngày ban hành | 06/12/2012 |
Ngày có hiệu lực | 06/12/2012 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Nguyễn Vinh Hiển |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8390/BGDĐT-GDTX |
Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2012 |
Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo
Tại Điều 10 của Quy chế bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành theo Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên, trong đó có các trung tâm giáo dục thường xuyên. Điều này phù hợp với quy định về nhiệm vụ của trung tâm giáo dục thường xuyên tại Điều 3, Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trên, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để giúp các trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên các trường mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên đạt hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Đối với sở giáo dục và đào tạo
a) Căn cứ tình hình thực tiễn, sở giáo dục và đào tạo có thể giao trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh tổ chức bồi dưỡng giáo viên trung học phổ thông; giao trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện tổ chức bồi dưỡng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
b) Hướng dẫn trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện phối hợp với các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, thành phố tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu học tập, bồi dưỡng của giáo viên; xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, tổ chức bồi dưỡng, quản lý lưu trữ hồ sơ, lập kế hoạch nghiệm thu nội dung bồi dưỡng theo từng giai đoạn (giao cho giáo viên cốt cán chuẩn bị); thường xuyên rút kinh nghiệm, đánh giá chất lượng các đợt bồi dưỡng cho giáo viên các cấp.
c) Có kế hoạch đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, tài liệu, băng đĩa phục vụ cho hoạt động bồi dưỡng thường xuyên; có chiến lược lâu dài xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán của trung tâm có đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu và thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên.
2. Đối với trung tâm giáo dục thường xuyên
a) Trung tâm giáo dục thường xuyên phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo lựa chọn đội ngũ giáo viên giỏi, có uy tín, có năng lực tập huấn, có tinh thần hợp tác từ các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, từ các trường sư phạm trên địa bàn (gọi chung là giáo viên cốt cán) để xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng thường xuyên phù hợp với nhu cầu của giáo viên và trực tiếp tổ chức bồi dưỡng.
b) Để thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên cần căn cứ vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên các cấp học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên được quy định tại Thông tư số 30, 31, 32, 33/2011/TT-BGDĐT ngày 8 tháng 8 năm 2011, Thông tư số 36/2011/TT-BGDĐT ngày 17 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, để xác định rõ nội dung bắt buộc và nội dung tự chọn.
Đối với nội dung bắt buộc: ngoài việc thực hiện theo Chương trình bồi dưỡng nêu trên, trung tâm giáo dục thường xuyên cần căn cứ vào chương trình, kế hoạch chung về bồi dưỡng thường xuyên của sở giáo dục và đào tạo để tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Đối với nội dung tự chọn: Ngoài những chuyên đề/mô đun bồi dưỡng thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, trung tâm giáo dục thường xuyên cần phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện tổ chức khảo sát, điều tra nhu cầu học tập, tập hợp danh sách đăng ký hình thức tự bồi dưỡng của giáo viên gửi về sở. Cử giáo viên cốt cán của trung tâm về các trường để dự giờ, thăm lớp, trên cơ sở đó phân thành các nhóm nội dung khác nhau và xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu và đối tượng người học.
c) Trong quá trình bồi dưỡng giáo viên, trung tâm giáo dục thường xuyên cần thống nhất với báo cáo viên về phương pháp dạy học cho người lớn, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, hướng dẫn học viên phương pháp tự học, tự nghiên cứu và làm việc theo nhóm.
Tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên cốt cán định kì theo tháng, quý, năm với các chủ đề khác nhau trên cơ sở đó tổng hợp, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các đợt bồi dưỡng và đưa ra những giải pháp phù hợp góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng thường xuyên.
Nghiên cứu xây dựng diễn đàn qua mạng internet để trao đổi kinh nghiệm, đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá, phương pháp tự học, xây dựng bài giảng điện tử, thảo luận nhóm giáo viên theo từng phân môn và liên môn...
d) Ngoài cơ sở vật chất sẵn có của trung tâm, có thể tận dụng khai thác cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà trường, thư viện, nhà văn hóa,... tại địa phương để tổ chức hoạt động bồi dưỡng thường xuyên và tạo môi trường học tập thuận lợi cho giáo viên.
e) Thời gian bồi dưỡng được thực hiện trong năm học. Tùy theo tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, trung tâm bố trí thời gian bồi dưỡng thường xuyên cho phù hợp.
g) Trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên thông qua các bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu, bài viết thu hoạch; tổng hợp, báo cáo kết quả về sở giáo dục và đào tạo theo quy định của sở giáo dục và đào tạo.
Đề nghị các sở giáo dục và đào tạo chủ động, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể của địa phương. Trong quá trình thực hiện, sở giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra, đánh giá và tập hợp những kiến nghị, đề xuất, lập báo cáo bằng văn bản gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục thường xuyên) và gửi file mềm theo địa chỉ dttnguyen@moet.edu.vn (Bà Điêu Thị Thủy Nguyên, chuyên viên Vụ Giáo dục thường xuyên).
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |