Công văn 807/BGDĐT-NGCBQLGD năm 2022 về bổ sung cơ chế đặc thù trong công tác tuyển dụng đối với trình độ chuyên môn của nhà giáo đến năm 2025 tại khu vực miền núi do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 807/BGDĐT-NGCBQLGD
Ngày ban hành 09/03/2022
Ngày có hiệu lực 09/03/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Kim Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 807/BGDĐT-NGCBQLGD
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Sơn La gửi tới sau kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022.

Nội dung kiến nghị:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019 về trình độ chuẩn đào tạo nhà giáo: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông”. Hiện nay đa số con em người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa đã tham gia đào tạo theo trình độ chuẩn quy định theo Luật giáo dục năm 2005 và từng bước thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định của Luật Giáo dục 2019 đến 2025.

Để khuyến khích và phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số và giải quyết việc làm cho con em người dân tộc thiểu số chưa có việc làm sau khi ra trường; đề nghị xem xét bổ sung quy định về cơ chế đặc thù trong công tác tuyển dụng đối với trình độ chuyên môn của nhà giáo đến năm 2025 tại khu vực miền núi theo hướng: “Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non; cao đẳng đối với giáo viên tiểu học; tạo điều kiện cho các em dân tộc được tham gia tuyển dụng; mặt khác sau khi được tuyển dụng và có việc làm thì con em dân tộc có cơ hội để tích lũy kinh tế tham gia đào tạo đáp ứng trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo quy định hiện hành đến năm 2025 đảm bảo đáp ứng theo lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ”. (Câu 47).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cảm ơn sự quan tâm của cử tri tỉnh Sơn La. Về vấn đề này, Bộ GDĐT xin được trả lời cụ thể như sau:

Một trong những điều kiện bắt buộc đối với người đăng ký dự tuyển viên chức là có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm (điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức). Do đó, khi thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, người đăng ký dự tuyển phải đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên đã được quy định tại Luật Giáo dục 2019 (điểm b khoản 1 Điều 72). Đối với các trường hợp chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo, nếu có nguyện vọng trở thành giáo viên, cần có kế hoạch học liên thông để đạt trình độ chuẩn, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo để có đủ điều kiện tham gia tuyển dụng.

Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và bảo đảm quyền lợi cho giáo viên hiện đang hợp đồng lao động, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 336/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 27/01/2022 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị các địa phương xem xét tiếp tục hợp đồng, thỉnh giảng đối với những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục 2005 đã ký hợp đồng trước ngày 01/7/2020. Những giáo viên này (đã ký hợp đồng trước ngày 01/7/2020) được tham gia lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Thứ trưởng;
- Văn phòng (để tổng hợp);
- Lưu: VT, NGCBQLGD.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Kim Sơn