Công văn 73952/CT-TTHT năm 2020 về chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu tài trợ và thu dịch vụ khoa học và công nghệ do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 73952/CT-TTHT
Ngày ban hành 10/08/2020
Ngày có hiệu lực 10/08/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục thuế thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Tiến Trường
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 73952/CT-TTHT
V/v CST GTGT, TNDN đối với khoản thu tài trợ và thu dịch vụ KH&CN

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2020

 

Kính gửi: Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia
(Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, P.Hàng Bài, Q.Hoàn Kiếm, TP Hà Nội
MST: 0105604305-001)

Trả lời công văn số 32/TTKN-HCTH ngày 27/7/2020 của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Sau đây gọi tắt là Trung tâm) hỏi về chính sách thuế GTGT, thuế TNDN đối với khoản thu tài trợ và thu dịch vụ KH&CN, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19/6/2017 của Quốc hội.

+ Tại Điều 2 về việc giải thích từ ngữ:

“…

7. Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.

21. Tư vấn chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ lựa chọn, ứng dụng công nghệ; khai thác thông tin công nghệ, thông tin sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đàm phán, ký kết và thực hiện chuyển giao công nghệ.

…”

- Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội.

+ Tại Điều 3 về việc giải thích từ ngữ:

“3. Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.

10. Dịch vụ khoa học và công nghệ là hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.”

+ Tại Khoản 4 Điều 11 quy định về điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ:

“4. Tổ chức khoa học và công nghệ phải đăng ký hoạt động tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.”

+ Tại Khoản 1 Điều 13 quy định về quyền của tổ chức khoa học và công nghệ:

“1. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập được Nhà nước giao biên chế.”

+ Tại Khoản 1 Điều 14 quy định về nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ:

“1. Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ theo đúng lĩnh vực đã được quy định trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.”

- Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT.

+ Tại Khoản 21 Điều 4 quy định đối tượng không chịu thuế GTGT:

“21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.

Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.”

+ Tại Khoản 1 Điều 5 quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:

“1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.

[...]