Công văn 7311/TCHQ-TXNK năm 2018 về đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá do Tổng cục Hải quan ban hành
Số hiệu | 7311/TCHQ-TXNK |
Ngày ban hành | 11/12/2018 |
Ngày có hiệu lực | 11/12/2018 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Người ký | Trịnh Mạc Linh |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7311/TCHQ-TXNK |
Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2018 |
Kính
gửi: Công ty TNHH điện tử và máy móc Steel Flower Hải
Phòng.
(Lô L3, KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương, thuộc KKT
Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng).
Tổng cục Hải quan nhận được các công văn số 26.04.2018 ngày 26/4/2018 và số 02.07.2018-CV/HQ/GSQL ngày 02/7/2018 của Công ty TNHH điện tử và máy móc Steel Flower Hải Phòng (Công ty) về việc áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016;
Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; tham khảo Chú giải chi tiết HS;
Căn cứ Quyết định số 1105/QĐ-BCT ngày 30/3/2017 của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu;
Căn cứ kết quả giám định số VCN 201-18-M01a và VCN 201-18-M01b của Viện cơ khí năng lượng và mỏ (Vinacomin) ngày 17/3/2018; Thông báo về kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa của Chi cục Kiểm định hải quan 2 số 527/TB-KĐ2 ngày 04/4/2018;
Trên cơ sở ý kiến đề nghị của Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương tại công văn số 556/PVTM-P1 ngày 28/6/2018
1. Về phân loại hàng hóa:
Mặt hàng nêu tại Thông báo số 527/TB-KĐ2 ngày 04/4/2018 có kết quả phân tích là Thép không hợp kim cán phẳng (hàm lượng C < 0,6% tính theo trọng lượng), chiều dày 0,5mm, chiều rộng trên 600mm, bề mặt phủ màng cách điện tổng hợp chứa các hợp chất của Silic, Magie, Crom... (không phải là sơn và plastic), phù hợp phân loại vào mã số 7210.90.10.
2. Liên quan đến khái niệm “phủ kim loại”:
Bộ Công Thương có ý kiến về khái niệm “phủ kim loại”, công nghệ xử lý cơ nhiệt như sau:
2.1 Chống gỉ kim loại:
Bảo vệ kim loại chống gỉ thường có 3 cách: sơn phủ, hợp kim hóa và bảo vệ điện hóa. Trong ba phương pháp trên, sơn phủ là tạo ra lớp màng ngăn cách kim loại và môi trường xung quanh; hiện có phương pháp là: phủ phi kim (lớp phủ là sơn, polyme, men...); phủ mạ kim loại (tạo ra lớp kim loại ở bề mặt chi tiết bằng cách nhúng trong kim loại nóng chảy (mạ nóng), mạ bằng điện, mạ hóa, phun kim loại (kim loại hóa), hàn, cán) và phương pháp hóa học (tạo các lớp nhuộm trên bề mặt với mục đích giảm tốc độ ăn mòn, giảm gỉ). Thép thông thường được phủ kim loại chống gỉ phổ biến theo cách: mạ kẽm (nhúng nóng, điện phân), mạ thiếc, mạ Crôm hoặc Niken. Trường hợp đặc biệt có thể mạ/phủ vàng, bạc, Platinum hoặc các chất phi kim khác.
2.2 Công nghệ xử lý cơ nhiệt
Xử lý cơ - nhiệt là công nghệ xử lý thép bằng phương pháp kết hợp đồng thời “biến dạng” và “nhiệt luyện”, làm thay đổi tổ chức pha và kích thước hạt của thép, dẫn tới cơ tính của thép tốt hơn, các tính chất khác cũng được cải thiện. Phương pháp này không phải là phủ kim loại chống gỉ, nhưng có thể tạo ra lớp bề mặt bền ăn mòn hơn trong môi trường. Hiện nay người ta thường ứng dụng xử lý cơ - nhiệt cho thép tấm mỏng, sau đó có thể là sơn tĩnh điện/hoặc phủ các vật liệu khác với mục đích chính là để cách điện.
3. Liên quan đến mục đích sử dụng của sản phẩm:
Bộ Công Thương có ý kiến về việc xác định sản phẩm bị áp thuế theo Quyết định số 1105/QĐ-BCT:
Thép Silic (hay còn gọi là tôn Silic, thép kỹ thuật điện, thép Silic kỹ thuật điện, thép điện Silic) là loại thép chuyên dụng được dùng để tạo ra các từ tính nhất định, có tính cách điện, được sử dụng trong ngành chế tạo máy điện như các động cơ điện (rotor, stator trong động cơ điện), biến thế điện... Sản phẩm này có quy trình công nghệ xử lý và mục đích sử dụng khác với mặt hàng thép mạ theo Quyết định số 1105/QĐ-BCT.
Như vậy, theo ý kiến của Bộ Công Thương, sản phẩm Thép Silic kỹ thuật điện không thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá theo Quyết định số 1105/QĐ-BCT. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả phân tích của Chi cục Kiểm định hải quan 2 tại Thông báo số 527/TB-KĐ2 ngày 04/4/2018 và quy định tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017, mặt hàng của Công ty được cơ quan hải quan xác định không phải thép Silic kỹ thuật điện.
Đề nghị Công ty nghiên cứu các nội dung hướng dẫn nêu trên, đối chiếu với thực tế hàng hóa để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại bao gồm chống bán phá giá, đề nghị Công ty liên hệ trực tiếp với Bộ Công Thương để được hướng dẫn cụ thể.
Tổng cục Hải quan thông báo để Công ty được biết và thực hiện./.
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG |