Công văn 715/TNMT-ĐĐ năm 2008 về quy định mới trong quản lý và hoạt động đo đạc bản đồ do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 715/TNMT-ĐĐ
Ngày ban hành 24/11/2008
Ngày có hiệu lực 24/11/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Viễn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
SỞ TÀI NGUYÊN &
MÔI TRƯỜNG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 715/TNMT-ĐĐ
"V/v một số quy định mới về quản lý và hoạt động đo đạc và bản đồ"

Tam Kỳ, ngày 24 tháng 11 năm 2008

 

Kính gửi:

- Phòng Tài nguyên & Môi trường các huyện, thành phố;
- Văn phòng Đăng ký QSD đất các huyện, thành phố;
- Văn phòng Đăng ký QSD tỉnh Quảng Nam;
- Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên & Môi trường Quảng Nam;
- Các đơn vị hoạt động đo đạc và bản đồ.

 

Ngày 10/11/2008, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 08/2008/QĐ-BTNMT v/v Ban hành quy phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200, 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 và 1:10000 thay thế cho quy phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000, 1:10000 và 1:25000 ban hành kèm theo Quyết định số 720/1999/QĐ-ĐC ngày 30/12/1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính.

So với các quy định trước đây, nội dung quy phạm được ban hành lần này ngoài việc quy định những chỉ tiêu kỹ thuật thành lập bản đồ thì đã chú trọng hơn về công tác quản lý các hoạt động đo đạc bản đồ địa chính. Do đó để công tác đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện theo đúng qui định, Sở Tài nguyên và Môi trường lưu ý một số nội dung quy định mới có liên quan đến hoạt động đo đạc bản đồ địa chính ở các địa phương như sau :

1/ Chọn tỷ lệ đo vẽ bản đồ địa chính, bản trích đo địa chính: (sau đây gọi chung là bản đồ địa chính)

Không nhất thiết trong mỗi đơn vị hành chính xã phải lập bản đồ địa chính ở cùng một tỷ lệ nhưng phải xác định tỷ lệ cơ bản cho đo vẽ bản đồ địa chính ở mỗi đơn vị hành chính xã. Tỷ lệ cơ bản đo vẽ bản đồ địa chính quy định như sau:

- Khu vực đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác tỷ lệ đo vẽ cơ bản là 1:2000 và 1:5000.

- Khu vực đất phi nông nghiệp mà chủ yếu là đất ở và đất chuyên dùng:

+ Các thành phố, thị trấn, các khu dân cư có ý nghĩa kinh tế, văn hoá quan trọng tỷ lệ đo vẽ cơ bản là 1:500 hoặc 1:1000.

+ Các khu dân cư nông thôn tỷ lệ đo vẽ cơ bản là 1:1000 hoặc 1:2000.

- Khu vực đất lâm nghiệp, đất trồng cây công nghiệp tỷ lệ đo vẽ cơ bản là 1:5000 hoặc 1:10000.

- Khu vực đất chưa sử dụng: thường nằm xen kẽ giữa các loại đất trên nên được đo vẽ và biểu thị trên bản đồ địa chính đo vẽ cùng tỷ lệ. Khu vực đất đồi, núi, khu duyên hải có diện tích đất chưa sử dụng lớn tỷ lệ đo vẽ cơ bản là 1:10000.

- Khu vực đất chuyên dùng, đất tôn giáo, tín ngưỡng, đất nghĩa trang, nghĩa địa, đất sông, suối, đất có mặt nước chuyên dùng, đất phi nông nghiệp: thường nằm xen kẽ giữa các loại đất trên nên được đo vẽ và biểu thị trên bản đồ địa chính đo vẽ cùng tỷ lệ cho toàn khu vực.

Trường hợp thành lập bản đồ địa chính ở tỷ lệ lớn hơn hoặc nhỏ hơn tỷ lệ cơ bản được quy định tương ứng với từng khu vực nêu trên, cần phải tính toán cụ thể các chỉ tiêu kỹ thuật nhằm đảm bảo yêu cầu về quản lý đất đai và đảm bảo độ chính xác của các yếu tố nội dung bản đồ ở tỷ lệ cần lựa chọn đưa vào trong thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình của khu vực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2/ Cơ sở toán học của hệ thống bản đồ địa chính:

Bản đồ địa chính các tỷ lệ 1:200, 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 và 1:10000 là hệ thống bản đồ địa chính quốc gia thuộc phân cấp quản lý của tỉnh. Khi đo đạc thành lập bản đồ phải sử dụng thống nhất một hệ thống toạ độ phẳng VN-2000, múi chiếu 30 với kinh tuyến trục 107045và hệ thống độ cao chung của cả nước.

Trong trường hợp cá biệt được phép sử dụng tọa độ tự do nhưng phải được sự chấp thuận của Sở Tài nguyên & Môi trường. Bản đồ địa chính phải được thực hiện bằng công nghệ số.

3/ Một số yếu tố về nội dung bản đồ địa chính :

a/ Yếu tố quy hoạch :

Khi đo vẽ thành lập bản đồ địa chính những yếu tố quy hoạch được duyệt đã công bố công khai và đã thể hiện tính quy hoạch trên thực địa bằng mốc, chỉ giới quy hoạch hoặc quy định phân vạch quy hoạch mới xác định và biểu thị trên bản đồ.

Trường hợp chuyển các nội dung quy hoạch lên bản đồ địa chính từ bản đồ quy hoạch mà các yếu tố này chưa được thể hiện ở thực địa thì phải nêu rõ trong báo cáo tổng kết kỹ thuật của khu đo về độ chính xác của bản đồ quy hoạch, độ chính xác chuyển vẽ và độ tin cậy thể hiện các yếu tố quy hoạch này trên bản đồ địa chính. Tài liệu này được đính kèm với bản đồ địa chính và là một thành phần không tách rời của bản đồ địa chính có liên quan đến yếu tố quy hoạch được chuyển vẽ.

b/ Yếu tố thửa đất :

Trước khi đo vẽ chi tiết thửa đất phải yêu cầu người sử dụng đất cung cấp bản sao (không cần công chứng) các giấy tờ liên quan đến thửa đất và cùng người sử dụng đất xác định ranh giới sử dụng đất và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới sử dụng đất giữa chủ sử dụng đất của thửa đất với các chủ sử dụng đất liền kề, có liên quan. Bản mô tả ranh giới, mốc giới sử dụng đất phải được trao cho các chủ sử dụng đất có liên quan ký xác nhận.

Trường hợp người sử dụng thửa đất liền kề vắng mặt dài ngày thì đơn vị đo đạc có trách nhiệm chuyển bản mô tả ranh giới thửa đất đó cho Ủy ban nhân dân cấp xã để gửi cho người sử dụng đất liền kề.

Trường hợp đang có tranh chấp về ranh giới thửa đất thì đơn vị đo đạc có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết theo quy định của pháp luật đất đai và ranh giới thửa đất được đo đạc theo kết quả giải quyết tranh chấp đó.

Trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong trong thời gian đo đạc ở địa phương thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng và đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng phần đất đang tranh chấp sử dụng đất thành hai (02) bản, một bản lưu hồ sơ đo đạc, một bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết.

Trường hợp khi đo vẽ bản đồ địa chính khu vực đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản mà các thửa đất có bờ thửa phân định rõ ràng, cho phép không cần lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới sử dụng đất cho từng thửa nhưng sau khi có bản vẽ hiện trạng sử dụng đất phải công bố (treo) ở trụ sở Ủy ban nhân dân xã nơi có đất trong thời gian 10 ngày, thông báo rộng rãi cho người sử dụng đất biết và phải lập Biên bản về việc công bố công khai có đại diện chính quyền địa phương, đại diện thôn, bản, làng, xóm và đơn vị sản xuất phải cùng ký vào Biên bản. Trường hợp có phản ánh về ranh giới sử dụng đất trên bản đồ địa chính thì phải xác minh nguyên nhân và chỉnh sửa theo chứng cứ pháp lý. Biên bản về việc công bố công khai hiện trạng sử dụng đất là một phần của bản đồ địa chính và có giá trị pháp lý như bản mô tả ranh giới, mốc giới sử dụng đất giữa các chủ sử dụng đất liền kề. Trường hợp đã lập biên bản xác định ranh giới sử dụng đất cho từng thửa đất thì không cần công bố công khai bản vẽ.

c/ Yếu tố địa giới hành chính các cấp :

[...]