Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn 7143/BTC-CST năm 2021 về báo cáo nghiên cứu các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế đối với hoạt động kinh tế ban đêm do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 7143/BTC-CST
Ngày ban hành 30/06/2021
Ngày có hiệu lực 30/06/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Thị Mai
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7143/BTC-CST
V/v báo cáo nghiên cứu các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế đối với hoạt động KTBĐ

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2021

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) ở Việt Nam, trong đó tại điểm 4a Điều 2 Quyết định số 1129/QĐ-TTg và số thứ tự 4 tại Kế hoạch triển khai thực hiện có giao Bộ Tài chính “Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế đối với hoạt động KTBĐ”.

Ngày 24/5/2021, Bộ Tài chính đã có công văn số 5355/BTC-CST gửi xin ý kiến bộ ngành, một số địa phương có hoạt động KTBĐ.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ ngành, địa phương và nghiên cứu kinh nghiệm phát triển KTBĐ của một số quốc gia, đồng thời xem xét thực trạng phát triển KTBĐ tại việt Nam, Bộ Tài chính đã có Báo cáo nghiên cứu các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế đối với hoạt động KTBĐ (báo cáo trình kèm).

Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đơn vị: TCT, Viện CL&CSTC, Vụ PC;
- Lưu: VT, Vụ CSX (TN).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

 

BÁO CÁO

NGHIÊN CỨU CÁC CHÍNH SÁCH, BIỆN PHÁP ƯU ĐÃI THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH TẾ BAN ĐÊM
(Kèm theo công văn số 7143/BTC-CST ngày 30/6/2021 của Bộ Tài chính)

Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) ở Việt Nam,trong đó tại điểm 4a Điều 2 Quyết định số 1129/QĐ-TTg và số thứ tự 4 tại Kế hoạch triển khai thực hiện có giao Bộ Tài chính “Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế đối với hoạt động KTBĐ”, Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

Hiện hành, chính sách thuế nói chung, chính sách ưu đãi thuế nói riêng được áp dụng chung, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế cũng như giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các ưu đãi thuế được quy định cho các đối tượng dựa trên 02 tiêu chí, đó là: ưu đãi theo địa bàn (khó khăn và đặc biệt khó khăn) và theo ngành, lĩnh vực.

Như vậy, các chính sách về thuế hiện hành không có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong nền kinh tế ban ngày và KTBĐ.

Để có cơ sở tổng hợp thực trạng phát triển KTBĐ tại một số địa phương và xem xét kiến nghị của các địa phương có hoạt động KTBĐ, Bộ Tài chính đã gửi xin ý kiến tất cả các Bộ ngành và 13 tỉnh, thành phố (Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Đà Nẵng, Tp. Hải Phòng, Tp. Cần Thơ, Quảng Ninh, Lào Cai, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Lâm Đồng).

Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến của 13 Bộ ngành (Tư pháp, Nội vụ, Quốc phòng, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban dân tộc, Công thương, Xây dựng Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công An) và 06 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lào Cai, Cần Thơ, Kiên Giang). Trong đó, hầu hết ý kiến của Bộ ngành đều cho rằng công tác quản lý của bộ ngành không liên quan đến phát triển KTBĐ nên không đề xuất các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế, phí và lệ phí đối với hoạt động KTBĐ. Một số bộ ngành (Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) theo chức năng, nhiệm vụ đã ban hành một số cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KTBĐ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị thực hiện chính sách ưu đãi về thuế, phí và lệ phí đối với hoạt động KTBĐ theo quy định của pháp luật thuế, phí và lệ phí hiện hành.

Về thực trạng phát triển KTBĐ tại một số địa phương, Bộ Tài chính mới nhận được ý kiến của 06 địa phương. Vì vậy, Bộ Tài chính tổng hợp thực trạng phát triển KTBĐ trên cơ sở 06 địa phương này.

I. Thực trạng phát triển KTBĐ tại một số địa phương

Qua báo cáo thực trạng phát triển KTBĐ của một số địa phương nêu trên, có thể thấy rằng, bên cạnh những kết quả đạt được như đóng góp đáng kể nguồn thu vào ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế các địa phương; một số hoạt động KTBĐ trở thành nét văn hóa đặc trưng, quen thuộc của một bộ phận người dân địa phương và là địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch thì các địa phương có hoạt động KTBĐ cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc sau:

- Từ thời điểm ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg, tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, việc nhiều lần phải hạn chế tập trung đông người và giãn cách xã hội trong cả nước cũng như tại một số địa phương, làm ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động chính của KTBĐ như: giải trí ban đêm (hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, giải trí, lễ hội, sự kiện), du lịch ban đêm, ẩm thực ban đêm (nhà hàng, quán bar,..) và các hoạt động mua sắm (các chợ đêm, khu mua sắm, thương mại).

- Sản phẩm, dịch vụ ban đêm tại hầu hết địa phương vẫn còn chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là ăn uống, các hoạt động văn hoá nghệ thuật còn chưa nhiều; các chợ đêm hay các khu phố đêm của một số địa phương chưa thực sự ấn tượng, Nhiều dịch vụ văn hóa nghệ thuật, giải trí chưa tạo được nhiều cơ hội để khách trải nghiệm vào các hoạt động cũng như chưa tạo điều kiện để du khách có thể trở thành một trong những chủ thể đóng góp và tạo ra sự phong phú, hấp dẫn cho dịch vụ, Dịch vụ lưu trú, các dịch vụ ban đêm hầu hết có quy mô trung bình và nhỏ; chưa có sự kết nối các dịch vụ để tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, thời gian mở cửa dịch vụ về đêm còn quá ngắn; đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ ban đêm đóng cửa lúc 23-24h00,

- Về nguồn cung nhân lực phục vụ cho hoạt động KTBĐ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Tỷ lệ lao động được đào tạo thấp, thiếu lực lượng lao động lành nghề, lao động quản lý.

- Về quản lý nhà nước: các địa phương đều chưa có một cơ quan hay bộ phận nào chuyên trách quản lý hoạt động KTBĐ trong khi đây là một mô hình phát triển mới, có nhiều tác động đến kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường.

- Về quy hoạch không gian: hầu hết các địa phương báo cáo đều chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho phát triển KTBĐ, một số dịch vụ còn xen lẫn với khu dân cư, sử dụng không gian công cộng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

- Về cơ sở hạ tầng, giao thông: Một số địa phương chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch xuống cấp; một số công trình giao thông tiến độ triển khai chậm; công tác phối hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời. Còn thiếu các bãi đỗ xe quy mô lớn, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn, các điểm dừng chân, ngắm cảnh, bãi đỗ xe tại các khu, điểm du lịch chưa được đầu tư kịp thời; chưa đầu tư hệ thống các biển chỉ dẫn, cảnh báo, các ki ốt tra cứu thông tin điện tử tại các điểm tham quan du lịch. Hạ tầng cơ sở điện, nước tại các khu du lịch lớn chưa đảm bảo, còn xảy ra tình trạng thiếu nước, điện cục bộ trong các dịp cao điểm.

- Về các cơ sở lưu trú: Một số địa phương còn thiếu các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, sinh thái chất lượng cao; ít có những cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp ở các vùng du lịch cộng đồng hoặc xa trung tâm đô thị.

- Tại các địa phương xa trung tâm thì hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại còn đơn điệu, chủ yếu là chợ truyền thống, các loại hình mới phát triển nhưng chưa đồng bộ, Cơ sở vật chất kỹ thuật của phần lớn các chợ trên địa bàn còn lạc hậu. Chủng loại hàng hóa trên chợ còn nghèo nàn, chủ yếu là hàng hóa tươi sống phục vụ đời sống tiêu dùng hàng ngày...

- Về nhận thức: Hoạt động KTBĐ là một lĩnh vực mới tại Việt Nam. Nhận thức và tư duy về phát triển KTBĐ của một bộ phận cán bộ và người dân còn chưa đồng bộ. Người dân một số địa phương chưa quen các sinh hoạt về đêm nên khó vận động được cộng đồng dân cư cùng chung tay phát triển KTBĐ; ý thức tự giác, văn minh đô thị của một bộ phận người dân chưa cao. Bên cạnh đó, tư duy văn hóa và cách quản lý truyền thống với lo ngại về những vấn đề tiêu cực phát sinh từ hoạt động KTBĐ dẫn đến những rào cản, quy định hạn chế sự phát triển các loại hình kinh doanh ban đêm.

- Về công tác quảng bá: Thông tin các hoạt động, dịch vụ ban đêm của một số địa phương đến người dân và du khách còn chưa nhiều.

[...]