Kính
gửi: Các Công ty Chứng khoán
Theo Quy định của Luật kế toán, Bộ
Tài chính đã ban hành Thông tư số 210/2014/TT-BTC ngày 30/12/2014 của Bộ Tài
chính về Hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Công ty chứng khoán, Thông tư số
334/2016/TT-BTC ngày 27/12/2016 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Thông tư số
210 để hướng dẫn kế toán cho các Công ty chứng khoán thực hiện.
Trong thời gian vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/5/2015
về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số
11/2016/TT-BTC, ngày 19/01/2016 Hướng dẫn một số điều của Nghị định số
42/2015/NĐ-CP ngày 05/5/2015 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường
chứng khoán phái sinh và Thông tư số 23/2017/TT-BTC ngày 16/3/2017 Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 11.
Để triển khai
công tác kế toán về chứng khoán phái sinh, Bộ Tài chính ban hành công văn hướng
dẫn các Công ty chứng khoán có hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh một số nghiệp vụ về kế toán chứng khoán phái sinh của hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán và hợp đồng tương
lai trái phiếu Chính phủ (sau đây gọi tắt là hợp đồng tương lai) như sau:
1. Công ty chứng
khoán mở thêm các Tài khoản (TK) sau:
- TK 142- Tiền gửi ký quỹ;
- TK 119- Tiền gửi ký quỹ của nhà đầu
tư tại VSD;
- TK 246 - Quỹ bù trừ;
- Mở TK chi tiết của các TK 121, 122,
124: (TK 121111, 122111, 124111) để theo dõi Chứng khoán đem đi ký quỹ.
- Mở TK chi tiết của TK 112- Tiền gửi ngân hàng để
hạch toán lãi, lỗ vị thế và lãi tiền gửi ngân hàng từ TK tiền gửi ký quỹ của
Công ty chứng khoán.
- Mở TK chi tiết của TK 114, 324, 119, TK ngoài bảng
để theo dõi và hạch toán giao dịch chứng khoán phái sinh của Nhà đầu tư, của
thành viên không bù trừ.
2. Tài khoản 142
- Tiền gửi ký quỹ
Tài khoản này phản ánh số tiền gửi ký
quỹ tự doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán bao gồm: Tiền gửi ký
quỹ ban đầu, ký quỹ bổ sung và ký quỹ đảm bảo thực hiện hợp
đồng (số tiền chuyển thêm ngoài tiền ký quỹ để mua tài sản cơ sở trong trường hợp
có chuyển giao tài sản cơ sở) của Công ty chứng khoán.
3. Phương pháp kế
toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi Công ty chứng khoán nộp tiền
vào tài khoản ký quỹ để thực hiện nghiệp vụ giao dịch chứng khoán phái sinh của
hợp đồng tương lai, ghi:
Nợ TK 142- Tiền gửi ký quỹ
Có các TK 111, 112
3.2. Khi Công ty chứng khoán thực hiện
ký quỹ bằng tài sản:
3.2.1. Khi Công ty chứng khoán đem chứng
khoán thuộc loại tài sản tài chính (TSTC) ghi nhận thông qua lãi lỗ
(FVTPL) đi ký quỹ ban đầu và ký quỹ bổ sung, Công ty chứng khoán sẽ chuyển TK
chi tiết của TK 121 về các chứng khoán cần đem đi ký quỹ (các chứng khoán được
chấp nhận ký quỹ) sang TK chi tiết mở thêm của TK 121 về chứng khoán ký quỹ,
ghi:
Nợ TK 121111- Chứng khoán ký quỹ
Có TK 121- Tài sản tài chính ghi nhận
thông qua lãi/lỗ (Chi tiết TK được chấp nhận đem đi ký quỹ - TK 121101, 121103)
3.2.2. Khi Công ty chứng khoán đem chứng
khoán thuộc loại các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đi ký quỹ ban đầu và
ký quỹ bổ sung, Công ty chứng khoán sẽ chuyển TK chi tiết của TK 122 về các chứng
khoán cần đem đi ký quỹ (các chứng khoán được chấp nhận ký quỹ) sang TK chi tiết
mở thêm của TK 122 về chứng khoán ký quỹ, ghi:
Nợ TK 122111 - Chứng khoán ký quỹ
Có TK 122- Các khoản đầu tư nắm giữ đến
ngày đáo hạn (Chi tiết TK được chấp nhận đem đi ký quỹ)
3.2.3. Khi Công ty chứng khoán đem chứng khoán thuộc
loại tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đi ký quỹ ban đầu và ký quỹ bổ
sung, Công ty chứng khoán sẽ chuyển TK chi tiết của TK 124 về các chứng khoán cần
đem đi ký quỹ (các chứng khoán được chấp nhận ký quỹ) sang TK chi tiết mở thêm
của TK 124 về chứng khoán ký quỹ, ghi:
Nợ TK 124111- Chứng khoán ký quỹ
Có TK 124- Tài sản tài chính sẵn sàng
để bán (AFS) (Chi tiết TK được
chấp nhận đem đi ký quỹ - TK 124101, 124103)
3.2.4. Khi Công ty chứng khoán nhận
các tài sản đem đi ký quỹ về, ghi:
Nợ các TK 121, 122, 124 (Chi tiết các
TK đem đi ký quỹ)
Có các TK 121111, 122111, 124111
3.2.5. Khi Công ty chứng khoán ký quỹ
bằng tài sản để thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh của hợp đồng tương lai, ngoài việc chuyển tài sản trong bảng như các
bút toán ở điểm 3.2.1, 3.2.2, 3.2.3 nêu trên, Công ty chứng khoán phải đồng thời
hạch toán theo dõi TK ngoài bảng, mở thêm 1 TK cấp 2 của TK 012: TK 0128- Tài sản
ký quỹ của Công ty chứng khoán để theo dõi tài sản đem đi ký quỹ:
Khi Công ty chứng khoán đem tài sản
đi ký quỹ, ghi:
Nợ TK 0128 - Tài sản ký quỹ của Công
ty chứng khoán
Có TK 0121- Tài sản tài chính giao dịch
tự do chuyển nhượng.
Khi nhận tài sản ký quỹ của Công ty
chứng khoán về, ghi:
Nợ TK 0121- Tài sản tài chính giao dịch
tự do chuyển nhượng
Có TK 0128 - Tài sản ký quỹ của Công
ty chứng khoán
3.3. Hàng ngày, khi Công ty chứng
khoán nhận tiền lãi từ giao dịch chứng khoán phái sinh (lãi vị thế) của hợp đồng
tương lai, ghi:
Nợ TK 112- Tiền gửi ngân hàng (chi tiết
lãi vị thế)
Có TK 511101 - Lãi bán tài sản tài
chính FVTPL (TK 5111016)
3.4. Khi phát sinh lỗ từ giao dịch chứng
khoán phái sinh (lỗ vị thế) của hợp đồng tương lai, ghi:
Nợ TK 632110- Lỗ bán các tài sản tài
chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) (TK 6321106)
Có TK 112- Tiền gửi ngân hàng (chi tiết
lỗ vị thế)
3.5. Khi nhận tiền lãi không kỳ hạn phát
sinh từ tài khoản tiền gửi ký quỹ, ghi:
Nợ TK 112- Tiền gửi ngân hàng (chi tiết
tiền lãi phát sinh từ tài khoản tiền gửi ký quỹ)
Có TK 515- Doanh thu hoạt động tài
chính (TK 5152)
3.6. Khi công ty chứng khoán rút tiền
gửi tài khoản ký quỹ về, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 142- Tiền gửi ký quỹ
3.7. Khi đóng vị thế hoặc đáo hạn hợp
đồng chứng khoán phái sinh của hợp đồng
tương lai, trường hợp Công ty chứng khoán thực hiện giao dịch chứng khoán phái
sinh của hợp đồng tương lai có nhận chuyển giao tài sản cơ
sở, ghi:
- Chuyển số tiền còn lại ngoài số ký
quỹ để mua tài sản cơ sở, ghi:
Nợ TK 142- Tiền gửi ký quỹ
Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng
- Khi nhận tài sản cơ sở về, ghi:
Nợ các TK 121, 122, 124
Có TK 142- Tiền gửi ký quỹ
3.8. Trường hợp Công ty chứng khoán
phải chuyển giao tài sản cơ sở, Công ty chứng khoán hạch
toán như trường hợp bán chứng khoán cơ sở.
4. Khi Công ty chứng
khoán thực hiện nghiệp vụ giao dịch chứng khoán phái sinh của hợp đồng tương
lai cho nhà đầu tư:
Công ty chứng khoán mở TK chi tiết của
TK 114: TK 1143- Tiền gửi ký quỹ của nhà đầu tư để theo dõi tiền gửi ký quỹ của
nhà đầu tư. (Công ty chứng khoán tự mở chi tiết các tài khoản tiếp theo để theo
dõi tiền ký quỹ của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, thành viên
không bù trừ, tiền lãi từ hợp đồng chứng khoán phái sinh,
lãi tiền gửi ngân hàng của nhà đầu tư hoặc các chi tiết khác để đáp ứng yêu cầu
quản lý).
Công ty chứng khoán mở TK chi tiết của
TK 324: TK 3243- Phải trả tiền gửi ký quỹ của nhà đầu tư để theo dõi phải trả
tiền gửi ký quỹ của nhà đầu tư. (Công ty chứng khoán tự mở chi tiết các tài khoản
tiếp theo để theo dõi phải trả tiền ký quỹ của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu
tư nước ngoài, thành viên không bù trừ, phải trả tiền gửi ký quỹ của Nhà đầu tư
tại VSD, phải trả tiền lãi từ hợp đồng chứng khoán phái sinh, lãi tiền gửi ngân
hàng của nhà đầu tư hoặc các chi tiết khác để đáp ứng yêu cầu quản lý).
4.1. Khi Công ty chứng khoán nhận tiền
gửi ký quỹ ban đầu và ký quỹ bổ sung của nhà đầu tư để thực hiện nghiệp vụ giao
dịch chứng khoán phái sinh của hợp đồng tương lai cho nhà đầu tư, ghi:
Nợ TK 1143- Tiền gửi ký quỹ của nhà đầu
tư
Có TK 3243- Phải trả tiền gửi ký quỹ
của nhà đầu tư
4.2. Khi Công ty chứng khoán chuyển
tiền gửi ký quỹ ban đầu và ký quỹ bổ sung của nhà đầu tư sang tài khoản ký quỹ
do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) quản lý để
thực hiện nghiệp vụ giao dịch phái sinh cho nhà đầu tư, ghi:
Nợ TK 119- Tiền gửi ký quỹ của nhà đầu
tư tại VSD
Có TK 1143- Tiền gửi ký quỹ của nhà đầu
tư
4.3. Khi nhận tiền ký quỹ của nhà đầu
tư từ VSD, ghi:
Nợ TK 1143- Tiền
gửi ký quỹ của nhà đầu tư
Có TK 119- Tiền
gửi ký quỹ của nhà đầu tư tại VSD
4.4. Khi Nhà đầu tư rút tiền ký quỹ,
ghi:
Nợ TK 3243- Phải trả tiền gửi ký quỹ
của nhà đầu tư
Có TK 1143- Tiền gửi ký quỹ của nhà đầu
tư
4.5. Khi Công ty chứng khoán nhận lãi
từ giao dịch chứng khoán phái sinh (lãi vị thế) của nhà đầu tư, ghi:
Nợ TK 1143- Tiền gửi ký quỹ của nhà đầu
tư (chi tiết lãi từ giao dịch chứng khoán phái sinh)
Có TK 3243- Phải trả tiền gửi ký quỹ
của nhà đầu tư (chi tiết phải trả lãi từ giao dịch chứng khoán phái sinh)
4.6. Khi Công ty chứng khoán nhận lãi
phát sinh từ tài khoản tiền gửi ký quỹ của nhà đầu tư, ghi:
Nợ TK 1143- Tiền gửi ký quỹ của nhà đầu
tư (chi tiết tiền lãi phát sinh từ tài khoản tiền gửi ký quỹ của nhà đầu tư)
Có TK 3243 - Phải trả tiền gửi ký quỹ
của nhà đầu tư (chi tiết phải trả tiền lãi phát sinh từ tài khoản tiền gửi ký
quỹ của nhà đầu tư)
4.7. Khi Công ty chứng khoán trả tiền
ký quỹ, trả lãi từ giao dịch chứng khoán phái sinh (lãi vị thế) của hợp đồng
tương lai, trả lãi tiền gửi ngân hàng phát sinh từ tài khoản tiền gửi ký quỹ của
nhà đầu tư cho nhà đầu tư, ghi:
Nợ TK 3243- Phải trả tiền gửi ký quỹ
của nhà đầu tư (chi tiết phải trả tiền ký quỹ, trả lãi từ hợp đồng chứng khoán
phái sinh (lãi vị thế), trả lãi phát sinh từ tài khoản tiền gửi ký quỹ của nhà
đầu tư)
Có TK 1143- Tiền gửi ký quỹ của nhà đầu
tư (chi tiết tiền lãi phát sinh từ tài khoản tiền gửi ký quỹ, lãi từ hợp đồng
chứng khoán phái sinh (lãi vị thế), lãi tiền gửi ngân hàng phát sinh từ tài khoản
tiền gửi ký quỹ của nhà đầu tư).
4.8. Khi Nhà đầu tư ký quỹ bằng tài sản
để thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh của hợp đồng tương lai: Công ty chứng
khoán mở thêm 1 TK cấp 2 của TK 022: TK 0228- Tài sản ký quỹ của Nhà đầu tư
Khi Nhà đầu tư đem tài sản đi ký quỹ,
Công ty chứng khoán ghi:
Nợ TK 0228 - Tài sản ký quỹ của Nhà đầu
tư
Có TK 0221- Tài sản tài chính giao dịch
tự do chuyển nhượng của Nhà đầu tư.
Khi kết thúc hợp đồng chứng khoán
phái sinh, rút tài sản ký quỹ của Nhà đầu tư về, ghi:
Nợ TK 0221- Tài sản tài chính giao dịch
tự do chuyển nhượng của Nhà đầu tư.
Có TK 0228 - Tài sản ký quỹ của Nhà đầu
tư
4.9. Khi Công ty chứng khoán thu phí
của Nhà đầu tư từ giao dịch chứng khoán phái sinh của hợp đồng tương lai thực
hiện cho Nhà đầu tư, ghi:
Nợ các TK 112, 135, 324
Có TK 5115 - Doanh thu nghiệp vụ môi
giới chứng khoán
5. Trường hợp
Công ty chứng khoán là thành viên bù trừ chung:
Khi Công ty chứng khoán là thành viên
bù trừ chung, Công ty chứng khoán thực hiện hạch toán kế toán đối với thành
viên không bù trừ như nhà đầu tư. (Công ty chứng khoán mở chi
tiết TK 114, 324, 119, TK ngoài bảng để theo dõi và hạch toán tương tự như nhà
đầu tư tại điểm 4).
6. Chi phí phát
sinh liên quan đến giao dịch chứng khoán phái sinh của hợp đồng tương lai của
Công ty chứng khoán:
Khi phát sinh
chi phí liên quan đến giao dịch chứng khoán phái sinh
của hợp đồng tương lai của Công ty chứng khoán, ghi:
Nợ các TK chi phí liên quan
Có các TK 111, 112, 331
7. Hạch toán Quỹ
bù trừ:
7.1. Khi nộp tiền, tài sản đóng góp
vào Quỹ bù trừ, ghi:
Nợ TK 246 - Quỹ bù trừ
Có 112- Tiền gửi Ngân hàng
Có các TK 121, 122, 124 (Chi tiết tài
sản đóng góp vào quỹ bù trừ)
7.2. Khi Công ty chứng khoán sử dụng
quỹ bù trừ:
7.2.1. Sử dụng quỹ bù trừ trong trường
hợp Công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán theo quy định
của VSD, ghi:
Nợ các TK liên quan
Có TK 246 - Quỹ bù trừ
7.2.2. Sử dụng quỹ bù trừ để bù đắp
thiếu hụt cho Nhà đầu tư, ghi:
Nợ TK 135 - Phải thu các dịch vụ CTCK
cung cấp (TK 1351)
Có TK 246 - Quỹ bù trừ
7.3. Khi nhận lại quỹ bù trừ do đề
nghị rút hoặc khi chấm dứt thành viên bù trừ, ghi:
Nợ 112 - Tiền gửi Ngân hàng
Nợ các TK 121, 122, 124 (Chi tiết tài
sản đóng góp vào quỹ bù trừ)
Có TK 246 - Quỹ bù trừ
8. Trình bày báo
cáo tài chính:
8.1. Báo cáo tình hình tài chính:
- Số dư Nợ TK 142- "Tiền gửi ký quỹ" được
trình bày trong chỉ tiêu 7. Tài sản ngắn hạn khác - Mã số 137 của Báo cáo tình
hình tài chính.
- Số dư Nợ TK 246- “Quỹ bù trừ” được
trình bày trong chỉ tiêu 5. Tài sản dài hạn khác - Mã số 255 của Báo cáo tình
hình tài chính.
* Các chỉ tiêu ngoài báo cáo tình
hình tài chính:
Phần B. Tài sản và các khoản phải trả
về tài sản quản lý cam kết với khách hàng:
- Trình bày bổ sung chỉ tiêu “Tài sản
ký quỹ của Nhà đầu tư” (Số dư Nợ TK 0228) -Mã số 021.7
- Trình bày bổ sung chỉ tiêu “Tiền gửi
ký quỹ của Nhà đầu tư tại VSD (Số dư Nợ TK 119) - Mã số 027.1
8.2. Báo cáo kết quả hoạt động:
- Doanh thu từ lãi vị thế (lãi từ
giao dịch chứng khoán phái sinh của hợp đồng tương lai) trình bày ở chỉ tiêu a. “Lãi bán các tài sản tài chính FVTPL - Mã số 01.1” của Báo
cáo kết quả hoạt động.
- Doanh thu từ lãi tiền gửi ngân hàng
phát sinh từ TK ký quỹ trình bày ở chỉ tiêu 3.2. Doanh
thu, dự thu cổ tức, lãi tiền gửi ngân hàng không cố định - Mã số 42.
- Doanh thu từ phí giao dịch phát
sinh từ giao dịch chứng khoán phái sinh cho Nhà đầu tư trình bày ở chỉ tiêu
1.6. Doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán - Mã số 06.
- Lỗ vị thế (lỗ từ giao dịch chứng
khoán phái sinh của hợp đồng tương lai) trình bày ở chỉ tiêu a. “Lỗ bán các tài
sản tài chính FVTPL - Mã số 21.1” của Báo cáo kết quả hoạt động.
8.3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
Phần lưu chuyển tiền tệ hoạt động môi
giới, ủy thác của khách hàng:
Trình bày bổ sung chỉ tiêu “Tiền gửi
ký quỹ của Nhà đầu tư tại VSD” mã số 07.1
8.4. Thuyết minh báo cáo tài
chính:
Công ty chứng khoán phải thuyết minh
bổ sung các nội dung sau:
- Lãi, lỗ vị thế của nghiệp vụ chứng
khoán phái sinh hợp đồng tương lai của Công ty chứng khoán (kỳ này, kỳ trước).
- Các loại tài sản đem đi ký quỹ phục
vụ cho giao dịch chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai của Công ty chứng khoán (số đầu kỳ, số cuối kỳ).
- Tiền gửi ký quỹ của nhà đầu tư phục
vụ cho nghiệp vụ chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai
(số đầu kỳ, số cuối kỳ).
- Tài sản ký quỹ của Nhà đầu tư phục
vụ cho nghiệp vụ chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai (số đầu kỳ, số cuối kỳ).
Trên đây là công văn hướng dẫn hạch
toán giao dịch chứng khoán phái sinh của hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán
và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, đề nghị Quý Công ty nghiên cứu thực
hiện, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc tiếp tục phản ánh về Bộ Tài
chính để nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- UBCKNN;
- Lưu: VT, Vụ CĐKT.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Lưu Đức Tuyên
|