Công văn 6183/VKSTC-V14 năm 2019 giải đáp vướng mắc về pháp luật về dân sự, hành chính do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 6183/VKSTC-V14
Ngày ban hành 25/12/2019
Ngày có hiệu lực 25/12/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Hoàng Thị Quỳnh Chi
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6183/VKSTC-V14
V/v Giải đáp vướng mắc về pháp luật dân sự, hành chính

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2019

 

Kính gửi:

- Các đơn vị: Văn phòng, Vụ 9, Vụ 10, T2, T3 VKSNDTC;
- Các VKSND cấp cao 1, 2, 3;
- Các VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Để chuẩn bị cho Hội nghị sơ kết, tập huấn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật (tháng 10/2019), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã nhận được nhiều ý kiến của VKSND cấp cao, cấp tỉnh nêu khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác và đề nghị giải đáp một số vấn đề chưa rõ trong quy định của pháp luật. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo VKSNDTC, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) đã rà soát và nhận thấy:

- Có nhiều vấn đề đã được VKSNDTC giải đáp trong các năm 2017, 2018, được tổng hợp tại Phần III - Giải đáp vướng mắc về pháp luật trong một số lĩnh vực khác của cuốn sách "Giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết các vụ án, vụ việc về tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy” do Văn phòng và Vụ 14 VKSNDTC phối hợp biên soạn, in tại Nhà xuất bản Tư pháp, năm 2019; đề nghị các VKSND tìm đọc, nghiên cứu, tham khảo để áp dụng.

- Đối với ý kiến phản ánh quy định của các bộ luật, luật, quy định của các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, chưa phù hợp với thực tiễn hoặc còn mâu thuẫn với nhau... Vụ 14 ghi nhận, tổng hợp để tham mưu cho Lãnh đạo VKSNDTC kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

- Đối với những vấn đề chưa được giải đáp hoặc cần trả lời đầy đủ, rõ ràng hơn so với nội dung giải đáp trước đây, Vụ 14 đã chủ trì, phối hợp với Vụ 9, Vụ 10 VKSNDTC nghiên cứu và có ý kiến như sau:

A. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC LIÊN QUAN ĐẾN CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ (BLTTDS), LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH (Luật TTHC)

I. Khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của VKSND

1. Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của VKSND trong BLTTDS

1.1. Theo khoản 3 Điều 58 BLTTĐSĐiều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016[1] (TTLT số 02), Kiểm sát viên (KSV) có quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự; tuy nhiên, thời hạn VKS nghiên cứu hồ sơ tham gia phiên tòa chỉ có 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ nên rất khó thực hiện quyền yêu cầu này trong thực tiễn, nhất là trong những vụ việc phức tạp (các VKSND: Ninh Bình Hà Nội, TP Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Theo Điều 22 TTLT số 02 thì VKS có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trước khi mở phiên tòa, phiên họp và tại phiên tòa, phiên họp, không phải chỉ được yêu cầu trong 15 ngày nghiên cứu hồ sơ. Nếu đến thời hạn phải trả hồ sơ cho Tòa mà VKS chưa nghiên cứu xong thì có thể phô tô những tài liệu chưa nghiên cứu để nghiên cứu tiếp hoặc nghiên cứu tại hồ sơ kiểm sát mà cán bộ nghiên cứu đã xây dựng. Sau khi đã trả hồ sơ cho Tòa án, trong thời gian chờ mở phiên tòa, VKS vẫn có thể yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.

Thời hạn mở phiên tòa sơ thẩm là 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng (khoản 4 Điều 203 BLTTDS).

1.2. BLTTDS 2015 không quy định VKS tham gia việc xem xét thẩm định tại chỗ. Đây là khó khăn của VKS bởi lẽ khi xem xét thẩm định tại chỗ sẽ nắm được những nội dung mà các đương sự tranh chấp, giúp rút ngắn được thời gian thu thập chứng cứ để thực hiện quyền kháng nghị[2] (VKSND tỉnh Hà Nam).

Trả lời:

Theo quy định của BLTTDS thì VKS không tham gia trực tiếp vào việc xem xét, thẩm định tại chỗ để kiểm sát. Trên thực tế, nếu được cơ quan có thẩm quyền mời tham dự thì KSV nên tham gia và ký vào biên bản với tư cách người được mời tham gia việc xem xét, thẩm định tại chỗ; nếu không được mời tham dự thì kiểm sát qua các biên bản, tài liệu có liên quan trong hồ sơ theo hướng dẫn tại Điều 17 Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 của Viện trưởng VKSNDTC ban hành quy định hướng dẫn hoạt động của KSV tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm (Quyết định số 458/2019).

1.3. Điều 106 BLTTĐS 2015 quy định về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ khi Tòa án, Viện kiểm sát có yêu cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ quan lưu giữ tài liệu, chứng cứ không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu mà không thể xử lý được, nhiều vụ án có liên quan đến đất đai phải tạm đình chỉ vì lý do này[3] (VKSND tỉnh Hà Nam).

Trả lời:

Theo khoản 3 và khoản 4 Điều 106 BLTTDS thì cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của Tòa án, VKS mà không có lý do chính đáng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khoản 1 Điều 495 BLTTDS quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang quản lý, lưu giữ thì có thể bị Tòa án xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án trong trường hợp trên chỉ có thể bị xử phạt hành chính nếu có đầy đủ các điều kiện sau: (1) cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ; (2) không cung cấp mà không có lý do chính đáng.

Tuy nhiên, cơ sở pháp lý đề xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp trên còn chưa đầy đủ. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chỉ quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tòa án nhân dân (Điều 48), không quy định thẩm quyền của VKSND và cũng chưa quy định cụ thể hình thức xử phạt đối với hành vi không cung cấp tài liệu, chứng cứ mà không có lý do chính đáng. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng chỉ quy định trách nhiệm đối với người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng (Điều 383).

Trường hợp đã hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu không trả lời thì VKS tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu cung cấp và đề nghị trả lời. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn không trả lời hoặc trả lời không cung cấp mà không có lý do chính đáng thì VKS có thể kiến nghị cơ quan, tổ chức cấp trên của cơ quan, tổ chức được yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền quản lý cá nhân được yêu cầu để xem xét, chỉ đạo giải quyết.

1.4. Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, VKS có được kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng xét xử (HĐXX) không? Nếu VKS kiến nghị thì ai có thẩm quyền giải quyết kiến nghị? (VKSND tỉnh Long An).

Trả lời:

Khoản 3 Điều 141 BLTTDS quy định việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thuộc thẩm quyền của HĐXX. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của HĐXX là quyết định cuối cùng.

Như vậy, nếu tại phiên tòa HĐXX quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời mà có vi phạm thì KSV phải kiến nghị ngay, nếu HĐXX đã giải quyết kiến nghị thì không được kiến nghị nữa. Nếu tại phiên tòa, HĐXX không giải quyết kiến nghị hoặc KSV chưa phát hiện được vi phạm để kiến nghị thì sau phiên tòa, KSV thông qua kiểm sát bản án sơ thẩm để thực hiện quyền kháng nghị đối với phần của bản án về vấn đề này. Điểm c khoản 2 Điều 266 BLTTDS quy định trong phần quyết định của bản án sơ thẩm phải ghi rõ “về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Lúc này, VKS không thực hiện quyền kiến nghị vì Luật không quy định thủ tục giải quyết kiến nghị đối với vấn đề này sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm.

Trường hợp cần thiết, VKS cấp sơ thẩm báo cáo, đề nghị VKS cấp trên thực hiện quyền kiến nghị ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

2.5. Theo khoản 1 và khoản 3 Điều 171 BLTTDS thì thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời và quyết định kháng nghị của VKS là văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt cho đương sự. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 172 BLTTDS quy định Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi người tham gia tố tụng dân sự cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng dân sự làm việc thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng chỉ khi Tòa án có yêu cầu nên VKS gặp khó khăn trong việc này do không nhận được sự phối hợp của UBND và cơ quan, tổ chức nêu trên (các VKSND: Lâm Đồng, Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh).

Trả lời:

[...]