Công văn 6021/BNN-TCTS năm 2014 tổ chức thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP phát triển thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 6021/BNN-TCTS
Ngày ban hành 29/07/2014
Ngày có hiệu lực 29/07/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Vũ Văn Tám
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6021/BNN-TCTS
V/v tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2014

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển

Ngày 07/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Để triển khai thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tại địa phương, tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đến các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị có liên quan và tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ khai thác hải sản xa bờ tại địa phương.

2. Về xác định các dự án ưu tiên đầu tư trong năm kế hoạch

2.1. Đối với cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão

- Dự án nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định;

- Dự án đang đầu tư dở dang để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão có thể kết hợp với nhau;

- Dự án tại các đảo Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Cồn Cỏ;

- Dự án mở mới tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận (kể cả nạo vét luồng ra vào cho các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão).

2.2. Đối với các trung tâm nghề cá lớn (tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang): Các tỉnh chủ động xây dựng quy hoạch chi tiết và thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết được phê duyệt lập dự án đầu tư theo quy định.

2.3. Đối với hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung

- Các dự án thuộc danh mục các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt, có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định;

- Các dự án đang đầu tư dở dang để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng;

- Các dự án đầu tư phát triển các đối tượng nuôi chủ lực: Tôm, cá Tra, cá Rô Phi, nhuyễn thể;

- Các dự án nuôi tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung Bộ;

2.4. Đối với hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển

- Dự án nằm trong vùng quy hoạch được duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Các dự án đầu tư phát triển các đối tượng nuôi biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: Tôm Hùm, cá biển (song, giò, nhụ), nhuyễn thể, rong biển;

2.5. Hàng năm, căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, khung hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương xây dựng và gửi báo cáo kế hoạch đầu tư phát triển về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

Đối với các dự án ưu tiên thực hiện theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trong kế hoạch năm 2015, các địa phương gửi bổ sung về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/8/2014.

3. Về đóng mới và nâng cấp tàu cá:

3.1. Các căn cứ để xác định số lượng tàu cá đóng mới:

- Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

- Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 01/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản, trong đó giai đoạn 2013 - 2015;

- Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt "Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững".

3.2. Về định hướng sản lượng, nhóm nghề và số lượng tàu cá đóng mới:

- Sản lượng được phép khai thác trên các vùng biển Việt Nam đến năm 2020 ổn định là 2,2 triệu tấn; trong đó: vịnh Bắc Bộ; 380.000 tấn (17,27%); Trung bộ: 700.000 tấn (31,82%), Đông Nam Bộ: 635.000 tấn (28,86%), Tây Nam Bộ: 485.000 tấn (22,05%); Theo vùng biển: vùng bờ và vùng lộng: 800.000 tấn, vùng khơi: 1.400.000 tấn;

- Các nhóm nghề khai thác khuyến khích phát triển: Nghề lưới vây, nghề câu, nghề chụp, nghề lưới rê (trừ nghề lưới rê khai thác cá ngừ); Giảm mạnh nghề lưới kéo;

[...]