Công văn 3076/BNN-TCTS năm 2021 thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3076/BNN-TCTS
Ngày ban hành 25/05/2021
Ngày có hiệu lực 25/05/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Phùng Đức Tiến
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3076/BNN-TCTS
Vv Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ- TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để triển khai đồng bộ các nội dung Chiến lược đảm bảo đạt được mục tiêu đã đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung sau:

I. XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

1. Giao một đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược của địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố phê duyệt làm căn cứ triển khai. Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược thủy sản của địa phương trên cơ sở các quy định của Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, mục tiêu và định hướng của Chiến lược phát triển thủy sản, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng phát triển thủy sản tại địa phương.

2. Tổ chức tuyên truyền về triển khai thực hiện Chiến lược đến những cán bộ, nông ngư dân và những đối tượng có liên quan để nắm bắt được định hướng chung của ngành Thủy sản.

3. Chỉ đạo thực hiện, tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược trên địa bàn; thực hiện chế độ báo cáo, đánh giá Chiến lược theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

II. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

Trên cơ sở hiện trạng, tiềm năng phát triển thủy sản tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh/thành phố chỉ đạo các các cơ quan, ban ngành trực thuộc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế thủy sản được nêu trong Chiến lược, như sau:

1. Củng cố, hoàn thiện bộ máy tổ chức

Rà soát, củng cố bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Nhà nước chuyên ngành thủy sản tại địa phương.

2. Tập trung nguồn lực phát triển ngành thủy sản

- Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư do Tỉnh quản lý, chủ động huy động các nguồn lực hợp pháp thực hiện các chương trình, đề án, dự án... nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu Chiến lược đề ra.

- Nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách huy động nguồn lực của địa phương và vốn ngoài ngân sách phù hợp điều kiện của địa phương để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Chiến lược; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ với Chiến lược.

3. Tổ chức hoạt động phát triển thủy sản

a) Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

- Tăng cường thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với các vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa. Phục hồi các hệ sinh thái, các loài thủy sản bản địa, đặc hữu.

- Nghiên cứu thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn biển. Quan tâm bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của loài thủy sản. Phát triển bảo tồn biển gắn với du lịch sinh thái và nông thôn mới.

- Triển khai Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa phương, huy động các nguồn lực tài chính cho bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

- Tổ chức bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực nước tự nhiên nội địa, hồ chứa, đầm phá vùng ven biển và vùng biển. Hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản được coi trọng, thực hiện thường xuyên và được xã hội hóa sâu rộng.

b) Khai thác thủy sản

- Đổi mới cơ cấu nghề khai thác hải sản, phát triển hiệu quả các nghề khai thác hải sản vùng khơi gắn với các ngư trường. Giảm số tàu cá khai thác vùng lộng và vùng ven bờ, chuyển một bộ phận lao động khai thác vùng lộng, vùng ven bờ sang hoạt động vùng khơi, dịch vụ nuôi trồng hải sản trên biển, du lịch sinh thái biển và các ngành kinh tế khác.

- Xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, cơ cấu lao động chuyên ngành, kiêm nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Phân bổ hạn ngạch khai thác thủy sản phù hợp cho các đội tàu khai thác.

- Tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

- Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi, sử dụng nhiều nhiên liệu sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản.

- Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khai thác thủy sản; hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn để hợp tác khai thác viễn dương. Củng cố, đổi mới các tổ, đội, hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Đầu tư khoa học công nghệ, nâng cấp đội tàu khai thác, phát triển khai thác vùng khơi hiệu quả.

c) Nuôi trồng thủy sản

- Tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tận dụng các khu vực đất nông nghiệp bị hoang hóa, nhiễm mặn, các khu vực mặt nước lớn (hồ chứa, hồ tự nhiên, sông, ven bờ, ven các đảo…) tổ chức nghiên cứu nuôi trồng các loài thủy sản phù hợp, có giá trị về thực phẩm, kinh tế nhằm tạo công ăn, việc làm tăng thu nhập của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

- Chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng.

[...]