Công văn 5905/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 5905/BYT-VPB1
Ngày ban hành 30/09/2024
Ngày có hiệu lực 30/09/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đào Hồng Lan
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5905/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Bộ Y tế nhận được Công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam.

Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:

1. Cử tri, nhân dân tỉnh Hà Nam tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương đưa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân tỉnh Hà Nam nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung.

Để sớm hoàn thành các hạng mục, đưa cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào hoạt động, ngày 21/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 140/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư dự án.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận và hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, trình Chính phủ, nêu rõ các khó khăn, vướng mắc và phương án khắc phục trong việc thực hiện dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ngày 13/9/2023, Thường trực Chính phủ đã tổ chức họp nghe báo cáo của Bộ Y tế về tiến độ và các phương án triển khai.

Đến nay, Tổ công tác, Bộ Y tế đã rà soát, đánh giá toàn diện các vấn đề pháp lý và kỹ thuật liên quan đến dự án, những khó khăn vướng mắc, tồn tại của việc triển khai thực hiện dự án, làm việc với các nhà thầu và đưa ra phương án xử lý, báo cáo Lãnh đạo Chính phủ để có hướng giải quyết những vướng mắc và tiếp tục triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan nghiên cứu các phương án trình Chính phủ từng bước giải quyết các vấn đề nhằm đưa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

2. Trong triển khai thực hiện đấu thầu thuốc, hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế hiện nay có nhiều khó khăn; các kỳ đấu thầu gần đây nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp không tham gia thầu, nhiều gói thầu, nhiều mặt hàng đấu đi, đấu lại nhiều lần nhưng không có nhà thầu tham gia; nguyên nhân do xung đột quân sự giữa một số quốc gia làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả tăng cao, mặt khác, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế có tính đặc thù cao, phức tạp hơn các loại đấu thầu khác. Đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan liên quan có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước, để nâng cao tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước.

Cùng với việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo nguồn cung thuốc và hóa chất phục vụ công tác khám chữa bệnh, căn cứ vào các quy định của Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016 và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã tiến hành rà soát và cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc và hóa chất; triển khai các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Sản xuất thuốc trong nước được ưu tiên phát triển theo quy định tại Điều 8 Luật Dược; ưu tiên trong phát triển công nghiệp dược: (1) Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; (2) Sản xuất thuốc ngay khi hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan, vắc xin, sinh phẩm, dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc hiếm; (3) Phát triển nguồn dược liệu, vùng nuôi trồng dược liệu; bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu. Các chính sách về nhập khẩu thuốc được cụ thể hóa trong Luật Dược và các văn bản hướng dẫn Luật Dược theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phải thực hiện; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc là dược chất đã có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, nguyên liệu làm thuốc là dược chất để sản xuất thuốc theo hồ sơ đăng ký thuốc đã có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam được nhập khẩu mà không phải thực hiện việc cấp phép nhập khẩu, trừ thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Đẩy mạnh công tác quản lý, cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc[1]; ưu tiên giải quyết sớm các các đơn hàng nhập khẩu thuốc hiếm và thuốc, nguyên liệu làm thuốc có nguồn cung hạn chế. Qua đó góp phần đáp ứng nguồn cung thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho nhu cầu điều trị tại các cơ sở y tế; sản xuất, nghiên cứu tại các cơ sở sản xuất thuốc trong nước. Đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thiết bị y tế[2]; đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết bị y tế tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Đáng chú ý, tất cả các hồ sơ thiết bị y tế loại C, D thuộc diện cấp nhanh đã được thẩm định ít nhất một lần, vượt chỉ tiêu cam kết với Chính phủ, đảm bảo không để tồn đọng hồ sơ chưa xử lý đến ngày 31/12/2024. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thiết bị y tế, bao gồm: rà soát và hoàn thiện quy trình thẩm định, đặc biệt đối với các hồ sơ cấp nhanh và cấp khẩn cấp; đẩy nhanh tiến độ thẩm định tại các cơ quan chuyên môn; bổ sung cơ chế hỗ trợ cho chuyên gia thẩm định thông qua việc sửa đổi, hoàn thiện đề án phí; đồng thời, tăng cường tuyển dụng và bổ sung nhân lực cũng như cán bộ biệt phái để nâng cao năng lực xử lý hồ sơ.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam để biết, thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHDP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: QLD, HTTB, KH-TC;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT,VPB1.

BỘ TRƯỞNG




Đào Hồng Lan

 



[1] Từ ngày 01/01/2023 đến nay (ngày 28/8/2024), Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc (thuộc diện cần xin phép nhập khẩu): 1.926 hồ sơ đề nghị nhập khẩu thuốc; 10.216 hồ sơ đề nghị nhập khẩu nguyên liệu thuốc.

[2] Đến ngày 01/8/2024, số lượng giấy phép nhập khẩu và số lưu hành đang còn hiệu lực bao gồm: số lưu hành được gia hạn hiệu lực đến ngày 31/12/2024: trên 12.500 hồ sơ (giấy phép); Số công bố thiết bị y tế loại A: 35.098 hồ sơ; Số lưu hành trang thiết bị y tế loại B: 22.480 hồ sơ; Số lưu hành trang thiết bị y tế loại C, D: 3.928 (trong đó riêng năm 2023, Bộ Y tế đã cấp mới số lưu hành cho 2004 hồ sơ TBYT loại C, D gấp hơn 6 lần so với năm 2022 (353 hồ sơ), 07 tháng đầu năm 2024 đã cấp mới số lưu hành cho 1190 hồ sơ TBYT loại C, D.

Hiện nay, đã có hơn 74.000 hồ sơ thiết bị y tế được cấp số lưu hành còn hiệu lực, với hàng trăm nghìn chủng loại, mã sản phẩm đủ điều kiện nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam. Trong đó, Bộ Y tế đã thẩm định và xử lý 12.049 hồ sơ thiết bị y tế loại C, D, đạt tỉ lệ 84,98% trên tổng số 14.177 hồ sơ tiếp nhận.

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ