Công văn 5902/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 5902/BYT-VPB1
Ngày ban hành 30/09/2024
Ngày có hiệu lực 30/09/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đào Hồng Lan
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5902/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Bộ Y tế nhận được Công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định.

Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:

1. Kiến nghị sớm giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2024 để làm cơ sở cho công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Theo quy định tại khoản 9, Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, hằng năm Bảo hiểm xã hội Việt Nam lập dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho năm tiếp theo và gửi Bộ Tài chính trước ngày 30/8 để tổng hợp. Sau đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dựa trên số dự toán thu và quỹ dự phòng cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trên cơ sở dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phân bổ dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cơ sở khám chữa bệnh trên cơ sở đề nghị của cơ sở khám chữa bệnh.

Đối với dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2024, ngày 05/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2024 cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giao dự toán chi này cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai và thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh.

2. Từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 2.340.000 đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm y tế của người dân cũng được điều chỉnh tăng phù hợp với quy định mới. Tuy nhiên, đối với người lao động không hưởng lương, việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đặc biệt đối với người nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách xã hội. Cử tri kiến nghị quan tâm, tăng cường hơn nữa các chính sách, giải pháp hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng này.

3. Cử tri phản ánh: Đối với gia đình đông người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình thì những người sau sẽ được mua với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, thành viên gia đình là học sinh - sinh viên không được mua bảo hiểm y tế hộ gia đình. Mức đóng của nhóm học sinh - sinh viên sau khi được nhà nước hỗ trợ 30% bằng với mức đóng của thành viên thứ 2 trong nhóm hộ gia đình. Tuy nhiên, mức đóng hỗ trợ dành cho học sinh - sinh viên lại cao hơn mức đóng của thành viên thứ 3, thứ 4... Do vậy, cử tri kiến nghị cho phép người dân được lựa chọn hình thức đóng phù hợp nhằm giảm bớt chi phí.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Trên cơ sở quy định của Luật, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5%.

Dựa trên phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân. Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Đối với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; điểm e, khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm y tế như sau: (1) Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; (2) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; (3) Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Điều 12, Luật Bảo hiểm y tế đã quy định các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Về trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế tại Khoản 2, Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế. Theo quy định này, nội dung kiến nghị của cử tri về việc điều chỉnh cho nhóm đối tượng học sinh được tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, hiện nay là chưa thể thực hiện được vì học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (theo thứ tự đối tượng đầu tiên được xác định). Bộ Y tế sẽ tổng hợp và tham mưu báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế đảm bảo sự công bằng, phù hợp giữa các nhóm đối tượng và quy định của pháp luật.

Để chia sẻ với ngân sách Trung ương và hỗ trợ các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có điều kiện kinh tế khó khăn; điểm b, khoản 3 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã quy định: Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành[1].

Với phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.

4. Qua 13 năm, các quy định về mức phụ cấp tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch đã không còn phù hợp với mức lương cơ sở, thu nhập, điều kiện làm việc hiện nay, cử tri kiến nghị sớm sửa đổi Quyết định số 73/2011/QĐ-TTG theo hướng tăng mức phụ cấp.

Hiện nay, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch và tổ chức xin ý kiến các đối tượng chịu sự tác động để hoàn chỉnh Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành theo quy định.

5. Cử tri phản ánh, việc thanh toán bảo hiểm y tế còn quá cứng nhắc, tại các đơn vị khám chữa bệnh các xã, phòng khám đa khoa khu vực tại địa phương thiếu chuyên khoa ngoại, khi bệnh nhân cấp cứu ngoại, có những bệnh lý rất đơn giản, bác sĩ đa khoa đều thực hiện được, tuy nhiên, khi thanh toán bảo hiểm y tế lại hết sức khó khăn vì không có chứng chỉ ngoại. Cử tri kiến nghị cần linh hoạt trong việc thanh toán bảo hiểm y tế đối với các trường hợp này.

Điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế của dịch vụ kỹ thuật được quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Theo quy định tại Điều 7 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trong trường hợp cấp cứu thì được phép khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi hành nghề hoặc phạm vi hoạt động được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Như vậy, khi bệnh nhân cấp cứu ngoại thì bác sĩ đa khoa được phép thực hiện cấp cứu cho người bệnh. Ngoài ra, Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì phạm vi hành nghề tại Phụ lục số V quy định bác sĩ y khoa được phép thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật thuộc hệ hô hấp, tuần hoàn, cơ xương, trong đó có một số dịch vụ kỹ thuật cấp cứu.

Bộ Y tế cho rằng các quy định pháp luật hiện hành đã đầy đủ, tạo điều kiện cho việc thanh toán bảo hiểm y tế đối với các trạm y tế xã, Phòng khám đa khoa khu vực tại địa phương thiếu chuyên khoa ngoại khi bác sĩ đa khoa thực hiện cấp cứu cho những bệnh lý đơn giản. Trường hợp có phản ánh cụ thể từ cử tri, Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát và phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để giải quyết kịp thời.

6. Cử tri đề nghị Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn về “phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng” (theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 135 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 của Chính phủ) nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các cơ sở y tế trong việc tổ chức thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân.

Để có cơ sở xây dựng hướng dẫn phân nhóm thiết bị y tế tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng phục vụ công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, căn cứ thực tiễn triển khai tại đơn vị và các quy định hiện hành; ngày 27/5/2024, Bộ Y tế đã có công văn số 2862/BYT-HTTB gửi: (1) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (2) Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; (3) Y tế các Bộ, ngành về việc đề nghị đề xuất nguyên tắc, tiêu chí phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng trong đấu thầu.

Hiện nay, Bộ Y tế đang thực hiện tổng hợp[2], rà soát các ý kiến đề xuất và nghiên cứu để có phương án báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Bộ thực hiện ban hành văn bản hướng dẫn việc phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng đảm bảo phù hợp với thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành.

7. Theo kế hoạch thực hiện theo chỉ thị 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư TW Đảng tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, có 1 nội dung “Giao TTYT quản lý nhà nước về y tế”. Như vậy có sự chồng chéo giữa Phòng Y tế và TTYT. Để tránh chồng chéo, cử tri kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế sửa đổi, thay thế NĐ 37/NĐ-CP ngày 05/5/2014 và NĐ 108/2020/NĐ-CP của CP quy định các cơ quan chuyên môn thuộc huyện và Thông tư 37/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của BYT quy định chức năng, nhiệm vụ của SYT, PYT; Thông tư 07/2021/TT-BYT ngày 27/5/2021 của BYT về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của TTYT cấp huyện.

Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, theo đó thống nhất Trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 18/12/2023 về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 99/2023/QH15. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hiện nay Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương (thay thế Thông tư số 07/2021/TT-BYT ngày 27/5/2021 của Bộ Y tế) theo hướng “Trung tâm y tế cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý toàn diện”.

Về đề nghị sửa đổi Nghị định số 37/2014/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP quy định các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện: Bộ Nội vụ được giao làm đầu mối tham mưu, trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định trên; Bộ Y tế sẽ tham gia ý kiến trong quá trình sửa đổi, bổ sung.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để biết, thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

[...]