Công văn 5385/BTC-TCT năm 2014 giải đáp kiến nghị về thuế và hải quan của cộng đồng doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 5385/BTC-TCT
Ngày ban hành 24/04/2014
Ngày có hiệu lực 24/04/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5385/BTC-TCT
V/v giải đáp kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2014

 

Kính gửi:

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngày 21/4/2014, Bộ Tài chính đã có công văn số 5164/BTC-TCT gửi Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc giải đáp các kiến nghị về thuế và hải quan của cộng đồng doanh nghiệp, phục vụ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014.

Ngày 23/4/2014, Bộ Tài chính tiếp tục nhận được kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp (do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam chuyển đến theo công văn số 0821/PTM-VP ngày 17/4/2014, công văn số 0881/PTM-VP và công văn số 0877/PTM-VP ngày 23/4/2014). Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính hoàn thiện, bổ sung thêm nội dung giải đáp các kiến nghị về chính sách thuế, phí và hải quan theo các văn bản do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam gửi đến (chi tiết báo cáo trả lời kiến nghị của doanh nghiệp đính kèm).

Bộ Tài chính đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp phục vụ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014.

Bộ Tài chính trân trọng cảm ơn!

(Công văn này thay thế công văn số 5164/BTC-TCT ngày 21/4/2014)

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Vụ Chính sách thuế;
- Tổng cục Thuế;
- Tổng cục Hải quan;
- Lưu: VT, TCT(VT, VP-2b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

BÁO CÁO

(Kèm theo công văn số 5385/BTC-TCT ngày 24/4/2014 của Bộ Tài chính)

1. VỀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH THUẾ, PHÍ VÀ HẢI QUAN

Kiến nghị 1: Đề nghị sớm đưa thuế TNDN về mức thống nhất 20%, bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị của doanh nghiệp hoặc tối thiểu cần nâng mức trần lên 15 - 20% của doanh thu chứ không phải của chi phí. Đề nghị tiếp tục có các biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích thị trường.

Trả lời

Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/06/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 đã quy định giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% (theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008) xuống còn 22%. Theo lộ trình giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, từ ngày 01/01/2016, áp dụng mức thuế suất phổ thông 20%. tại Điểm 5 Điều 1 Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/06/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã sửa đổi, bổ sung như sau: "m) Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 15% tổng số chi được trừ. Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hóa bán ra;"

Như vậy, mức trần khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được nâng từ 10% tổng số chi phí được trừ (theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008) lên thành 15% tổng số chi phí được trừ.

Kiến nghị 2: Về thuế GTGT đề nghị thu hẹp, giảm đối tượng không chịu thuế, dần dần và có lộ trình áp dụng thống nhất một mức thuế suất để đảm bảo tính đơn giản, rõ ràng, minh bạch và tính liên hoàn của thuế GTGT. Trước mắt cần xem xét lại quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 31/12/2013, theo đó quy định doanh nghiệp phải đầu tư mua sắm TSCĐ có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên (trừ ô tô dưới 9 chỗ) mới được đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT, điều này gây khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập từ năm 2014 vì buộc phải thu hồi các hóa đơn giá trị gia tăng đã phát hành từ tháng 3 trở về trước để hủy, đồng thời phải sử dụng hóa đơn bán hàng mua từ cơ quan thuế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải hạch toán thuế GTGT đầu vào thành chi phí dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Hơn nữa giá bán ra của sản phẩm còn phải chịu thêm 3% thuế GTGT đầu ra (đối với lĩnh vực sản xuất), điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa của doanh nghiệp mới thành lập mất khả năng cạnh tranh về giá so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT. Điều khiến DN bức xúc là thông tư đến tay DN quá chậm, trong khi cơ quan thuế lại hồi tố cho khoảng thời gian trước đó. Cụ thể, thông tư ban hành ngày 31-12-2013, có hiệu lực từ 1-1-2014 nhưng đến ngày 17-2-2014 mới công bố trên trang web của Tổng cục Thuế và đầu tháng 3 các DN mới được thông báo...

Trả lời

Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 thì nội dung cải cách thuế GTGT là sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu). Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế xã hội trong nước và trên thế giới được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, do đó cần thiết tiếp tục duy trì nhóm thuế suất 5% đối với hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân bởi các lý do sau:

Một là sản phẩm nông nghiệp vẫn áp dụng không chịu thuế GTGT nên hàng hóa, dịch vụ là đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cần tiếp tục duy trì ở mức thuế suất 5% trong một thời gian nữa để giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường;

Hai là nước ta hiện nay vẫn đang trong giai đoạn đầu hội nhập kinh tế quốc tế nên nếu áp dụng ngay một mức thuế suất 10% sẽ khiến nông nghiệp, nông thôn bị tác động mạnh, đặc biệt trong điều kiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở nước ta chưa cao, thu nhập và mức sống của người dân nhất là nông dân còn thấp;

Ba là hiện nay mặt bằng giá thế giới một số vật tư nguyên liệu đầu vào của sản xuất tăng mạnh, nhất là đầu vào của sản xuất nông nghiệp, từ đó ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm sản xuất trong nước, đời sống của người dân.

Theo thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% nên mức thuế suất 10% hiện nay của Việt Nam là thấp hơn so với các nước; việc giữ mức thuế suất 10% và chưa thu hẹp nhóm thuế suất 5% là nhằm tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Về việc giảm đối tượng không chịu thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 đã chuyển nhóm "dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư ở quy định" từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 10%. Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến để nghiên cứu khi sửa đổi Luật thuế GTGT.

Về vướng mắc khi thực hiện Thông tư 219/2013/TT-BTC, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 3795/BTC-TCT ngày 26/3/2014 hướng dẫn các Cục thuế với nội dung: "Đối với các doanh nghiệp thành lập từ ngày 01/1/2014 đến ngày 28/2/2014, đối với các trường hợp Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thuế các tỉnh, thành phố đã hướng dẫn doanh nghiệp bằng văn bản, hoặc doanh nghiệp, đơn vị có văn bản đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế đối với cơ quan thuế và được cơ quan thuế chấp nhận áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, doanh nghiệp đã đặt in, thông báo phát hành và sử dụng hóa đơn GTGT thì các doanh nghiệp này áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

Kiến nghị 3: Đưa đối tượng "Hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trả về" (hay gọi là "tái nhập hàng trả lại" vào đúng danh mục đối tượng không chịu thuế GTGT và thuộc trong nhóm "Hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập" của Điều 4 Thông tư 219.

Trả lời

Bộ Tài chính nhất trí với kiến nghị này và sẽ có văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất đối với các doanh nghiệp.

[...]