Công văn 5244/SGDĐT-CTTT năm 2023 tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 5244/SGDĐT-CTTT
Ngày ban hành 15/09/2023
Ngày có hiệu lực 15/09/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Dương Trí Dũng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5244/SGDĐT-CTTT
V/v tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 9 năm 2023

 

Kính gửi:

- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện và thành phố trực thuộc;
- Hiệu trưởng trường THPT, các cơ sở giáo dục NCL (trường THPT tư thục, trường PT có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT; trường PT có vốn đầu tư nước ngoài);
- Giám đốc TT GDTX, TT GDNN-GDTX;
- Thủ trưởng đơn vị trực thuộc.

Căn cứ Quyết định số 1977/QĐ-BGDĐT ngày 07 tháng 7 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Phê duyệt Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

Căn cứ văn bản số 4567/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 24 tháng 8 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2023 - 2024;

Căn cứ văn bản số 1369/BGDĐT-GDTC ngày 31 tháng 3 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường bảo đảm an toàn trường học;

Căn cứ Công văn số 4403/UBND-VX ngày 12 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về kiểm tra, đảm bảo an toàn trong trường học;

Căn cứ Kế hoạch số 3853/KH-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học tại các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Công tác an ninh trật tự trường học

- Các cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát việc tổ chức ký kết liên tịch với địa phương theo Quy chế phối hợp số 156/QCPH-GDĐT-CATP ngày 10 tháng 11 năm 2021 giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Công an thành phố Hồ Chí Minh về việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

- Các cơ sở giáo dục phối hợp tốt với lực lượng công an tại địa phương thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự tại đơn vị.

- Tạo kênh thông tin hiệu quả thông qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giám thị và tổ chức đoàn thể tại đơn vị kịp thời nắm bắt các mâu thuẫn, xung đột trong học sinh để có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự tại đơn vị, đặc biệt là khu vực cổng trường, xung quanh khuôn viên trường.

- Chú trọng tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trên môi trường mạng; xây dựng mạng lưới thông tin chính trị tư tưởng trên môi trường mạng trong các cơ sở giáo dục.

- Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, chú trọng xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

- Thực hiện tuyên truyền về công tác an ninh trật tự trước cổng trường và tuyên truyền phòng chống tác hại của game online, thuốc lá điện tử, trong HSSV với nhiều hình thức phong phú thu hút đông đảo HSSV viên tham gia.

2. Công tác phòng, chống bạo lực học đường

Tiếp tục thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ về quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Kế hoạch 2757/KH-GDDT-CTTT ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Sở GD&ĐT về triển khai kế hoạch Phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT ngày 12 tháng 4 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục, chú trọng một số nội dung sau:

- Triển khai kế hoạch, phòng, chống bạo lực học đường tại đơn vị; phân công rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân tại đơn vị để thực hiện có hiệu quả; lựa chọn, bồi dưỡng giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh; quan tâm học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý theo thẩm quyền.

- Thiết lập kênh thông tin về bạo lực học đường tại đơn vị để kịp thời xử lý các thông tin về bạo lực học đường; cử cán bộ tư vấn tâm lý tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm, nhằm thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong nhà trường.

- Tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường. Xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, sinh hoạt Đoàn - Đội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, HSSV, gia đình học sinh về phòng, chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp đối với hành vi bạo lực học đường.

- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống bạo lực học đường cho cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, học sinh và cha mẹ học sinh tại đơn vị.

- Lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường vào một số môn học có liên quan và hoạt động ngoại khóa.

- Tổ chức ký cam kết giữa cha mẹ học sinh với nhà trường trong việc phối hợp quản lý, giáo dục toàn diện học sinh; cam kết giữa học sinh với nhà trường trong việc phòng, chống bạo lực học đường. Thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều giữa cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh, hỗ trợ và cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ học sinh trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.

- Tổ chức quán triệt các văn bản quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trong phòng, chống bạo lực học đường đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, học sinh và cha mẹ học sinh.

3. Công tác tác phòng, chống tai nạn thương tích

- Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn, căn cứ theo Thông tư số 45/2021/TT-BGDĐT ngày 31/12/2021 quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non; Quyết định số 4458/QĐ-BGDĐT ngày 22/8/2007 quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các trường phổ thông; hoàn tất kết quả công nhận trường học an toàn và báo cáo về Sở GD&ĐT ngày 29/4/2024.

- Thực hiện công tác tự kiểm tra và phối hợp cơ quan chuyên môn tại địa phương rà soát, kiểm tra, thống kê toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị phục vụ việc dạy, học; cây xanh, hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy trong khuôn viên nhà trường; thiết bị phục vụ các hoạt động vui chơi, sinh hoạt của HSSV (phòng học, đồ dùng thí nghiệm, tường, rào, lan can,… trong khuôn viên nhà trường), kịp thời sửa chữa hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án sửa chữa, thay thế, khắc phục tình trạng cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học đã cũ, quá hạn có nguy cơ xảy ra tai nạn, nhằm đảm bảo an toàn đối với HSSV.

- Tăng cường giáo dục HSSV kỹ năng phòng, tránh các loại tai nạn thương tích trong nhà trường và ngoài cộng đồng; nhắc nhở học sinh không chơi các trò chơi nguy hiểm như: chạy nhảy ở hành lang các tầng cao, leo trèo tường rào, lan can, cầm vật nhọn đùa giỡn...

4. Công tác an toàn giao thông

[...]