Quyết định 1977/QĐ-BGDĐT năm 2023 phê duyệt Dự án "Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 1977/QĐ-BGDĐT
Ngày ban hành 07/07/2023
Ngày có hiệu lực 07/07/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Kim Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1977/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM VÀ PHÒNG, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT CHO HỌC SINH, SINH VIÊN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính và Công tác học sinh, sinh viên.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng BCĐ 138/CP (để b/c);
- Bộ Công an, Bộ LĐTBXH (để ph/h);
- TƯ Đoàn TNCSHCM, Hội SV Việt Nam (để ph/h);
- UBND các tỉnh, thành phố (để ph/h);
- Các Thứ trưởng (để ph/h);
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GDĐT (để th/h);
- Các sở GDĐT, đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng sư phạm (để th/h);
- Đăng Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDCTHSSV.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Kim Sơn

 

DỰ ÁN

“PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM VÀ PHÒNG, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT CHO HỌC SINH, SINH VIÊN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1977/QĐ-BGDĐT ngày 07 tháng 7 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA DỰ ÁN

1. Căn cứ pháp lý

a) Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT);

b) Căn cứ Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

2. Căn cứ thực tiễn

Theo báo cáo tổng kết chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, bất ổn chính trị, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, dịch bệnh... xảy ra ở nhiều nơi và gia tăng mức độ nguy hiểm, đe dọa hòa bình hợp tác và phát triển của nhiều quốc gia. Thế giới cũng đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức lớn về an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, an ninh năng lượng, khủng hoảng di cư, tội phạm xuyên quốc gia... Sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra những thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều thách thức về an ninh, lợi ích của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong nước, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh chống phá, lợi dụng dịch Covid-19 và một số vụ việc tiêu cực liên quan đến cán bộ, đảng viên để tuyên truyền, xuyên tạc, tung tin giả nhằm gây mất an ninh, trật tự, tác động đến ổn định chính trị, xã hội. Hoạt động của các loại tội phạm có sự cấu kết, móc nối chặt chẽ, đan xen, chuyển hóa giữa các lĩnh vực kinh tế - xã hội với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, đáng chú ý là:

- Tội phạm xâm phạm, vi phạm về trật tự xã hội có một số vụ việc liên quan đến trẻ em, học sinh, sinh viên và học viên (gọi chung là người học), cán bộ, nhà giáo như: vi phạm luật giao thông vẫn chiếm đa số, vẫn còn tình trạng người học tham gia chơi “lô đề”, hay người học sử dụng đồ uống có cồn quá mức gây mất trật tự xã hội...

- Tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, sử dụng các trang mạng xã hội để lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc, bắt cóc, ép buộc trẻ em và thực hiện các hành vi xâm hại. Tình trạng học sinh phổ thông bị các đối tượng quen biết xâm hại tình dục, có những vụ việc đã dẫn đến tử vong. Đối tượng là người nước ngoài dụ dỗ học sinh, trẻ em tham gia quay phim nhạy cảm để trục lợi.

- Tội phạm mua bán người với thủ đoạn nổi lên với chiêu trò quảng cáo “việc nhẹ lương cao” các đối tượng đã lừa bán nạn nhân; lừa bán phụ nữ để lao động thời vụ, cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm; mua bán thai nhi; mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người; bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em và nhiều hình thức phức tạp khác.

- Tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực trên không gian mạng sử dụng công nghệ cao có diễn biến phức tạp, nổi lên là: Tình trạng lừa lấy thông tin thẻ tín dụng; giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tổ chức tín dụng, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông; kinh doanh đa cấp; mua bán tiền ảo; tạo ứng dụng cho vay và kinh doanh tiền trên thiết bị thông minh nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong lĩnh vực Giáo dục có giáo viên, người học lập tài khoản để cho thuê, chiếm nick mạng xã hội của người khác, chiếm quyền kiểm soát trang tin điện tử của cơ quan, tổ chức...

Trước tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có diễn biến phức tạp, để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng và bảo đảm cho người học được sinh sống, học tập và rèn luyện trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm chỉ đạo, quy định những nội dung về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật nói chung và cho người học nói riêng. Từ đó, mỗi cá nhân, tập thể kiên quyết phòng, chống và ngăn chặn không để tội phạm và vi phạm pháp luật xâm nhập vào trường học.

Ngành Giáo dục có khoảng gần 25 triệu người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên, chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Đây là lực lượng quan trọng đối với tương lai của quốc gia, dân tộc. Nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học, Bộ GDĐT cũng như toàn ngành Giáo dục đã luôn chú trọng, quan tâm chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, có chiều hướng đang tấn công, len lỏi vào các trường học. Do đó, công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học cần phải được tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện.

Việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục hiệu quả về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học trong nhà trường góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong trường học, Bộ GDĐT phê duyệt Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

[...]