Công văn 4991/UBND-CNN triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu | 4991/UBND-CNN |
Ngày ban hành | 01/10/2012 |
Ngày có hiệu lực | 01/10/2012 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Lê Minh Trí |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4991/UBND-CNN |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 10 năm 2012 |
Kính gửi: |
- Sở Thông tin – Truyền thông; |
Từ đầu năm 2012 đến nay, dịch cúm gia cầm đã phát sinh tại 115 xã của 55 huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố làm hơn 95 ngàn con gia cầm mắc bệnh, số chết và tiêu hủy hơn 214 ngàn con. Trên người, cả nước ghi nhận 04 ca nhiễm vi rút cúm A (H5N1), trong đó có 02 trường hợp tử vong. Theo kết quả giám sát vi rút cúm trên gia cầm năm 2012 của Cục Thú y, từ tháng 7 năm 2012 đã xuất hiện một nhóm vi rút mới thuộc nhánh 2.3.2.1 (nhóm C) và đã có những biến đổi nhất định, gây gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và chết trên đàn vịt, ngan. Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phù hợp để phòng bệnh cúm cho gia cầm do nhóm vi rút mới này gây ra. Ngày 18 tháng 9 năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện số 11/CĐ-BNN, yêu cầu ngưng vận chuyển gia cầm sống từ các tỉnh phía Bắc qua địa bàn Quảng Ngãi, Kon Tum vào các tỉnh phía Nam. Điều này cho thấy nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trong thời gian tới, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, là rất cao.
Thực hiện Công điện số 1108/CĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; Công điện số 1344/CĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, tay chân miệng và sốt xuất huyết; Công văn số 3137/BNN-TY ngày 14 tháng 9 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng tại thành phố Hồ Chí Minh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan khẩn trương thực hiện một số biện pháp như sau:
1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/2012/CT-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Công văn số 4228/UBND-CNN ngày 21 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi” trên địa bàn trong thời gian từ ngày 01 tháng 10 đến ngày 30 tháng 10 năm 2012.
- Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; yêu cầu người dân chấm dứt chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ (kể cả nuôi gà đá) không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, phát quang xung quanh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu chăn nuôi, khu phụ cận mỗi tuần 1 lần; vệ sinh tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển gia cầm, thức ăn... trước khi ra vào các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung. Khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, có bao gói, dán nhãn của cơ sở sản xuất, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y.
- Tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát trên địa bàn, chốt chặn tại các điểm nóng và kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, tập trung vào các khu vực giáp ranh, các điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép.
- Chỉ đạo Ban Quản lý các chợ chủ động tiêu độc, khử trùng thường xuyên theo sự hướng dẫn của cơ quan thú y; tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc; tuyên truyền vận động người kinh doanh, chủ buôn bán thịt gia cầm, phụ phẩm gia cầm có nguồn gốc xuất xứ đã qua kiểm dịch.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các địa phương, cơ quan y tế và truyền thông thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi từ ngày 01 tháng 10 năm 2012 đến ngày 30 tháng 10 năm 2012; Tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm các địa bàn và theo dõi, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện tháng tiêu độc khử trùng cho Ủy ban nhân dân thành phố.
- Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
- Kiểm soát chặt chẽ nguồn gia cầm sống, sản phẩm gia cầm tại các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, đảm bảo có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật hợp lệ. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguồn gia cầm sống từ các tỉnh khác, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc vào Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, để ngăn chặn nhóm vi rút mới xâm nhập vào thành phố.
- Thực hiện nghiêm công tác tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm tại các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông. Giám sát việc thực hiện tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ gia cầm; cơ sở chế biến sản phẩm động vật.
3. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về nội dung triển khai công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia cầm trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Thủ trưởng các Sở, ngành nghiêm túc thực hiện các biện pháp nêu trên; kịp thời báo cáo đề xuất giải quyết các phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện, góp phần ổn định tình hình kinh tế chính trị xã hội của thành phố./.
Nơi nhận: |
KT.
CHỦ TỊCH |