Công văn 4869/UBND-SYT năm 2020 về khẩn trương triển khai biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 do thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 4869/UBND-SYT
Ngày ban hành 25/07/2020
Ngày có hiệu lực 25/07/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Lê Trung Chinh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4869/UBND-SYT
V/v Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Đà Nẵng, ngày 25 tháng 7 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể;
- Các cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố
- UBND các quận, huyện;
- Các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc hợp thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng tại công văn số 4502-CV/TU ngày 25/7/2020 về chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19; để kịp thời triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng, chống lây nhiễm dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và đề nghị các hội, đoàn thể, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục và nghề nghiệp trên địa bàn thành phố khẩn trương triển khai một số nội dung sau:

1. Yêu cầu các sở ban ngành, UBND thành phố, UBND các quận, huyện và đề nghị các hội, đoàn thể, các cơ quan trung ương, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục và nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; thời hạn thực hiện từ 13 giờ ngày 26/7/2020 cho đến khi có thông báo mới, tập trung một số nội dung sau:

a) Yêu cầu người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc.

b) Tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết;

c) Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường…).

d) Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn...), trừ các cơ sở nêu tại điểm c trên đây, khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.

đ) Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định của các cơ quan chức năng.

e) Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.

g) Nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.

h) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan, đơn vị một cách phù hợp bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời gian, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.

2. Giao sở Y tế

a) Khẩn trương tổ chức điều tra yếu tố dịch tễ, điều tra, truy vết tất cả các khu vực, trường hợp có liên quan đến bệnh nhân mắc COVID-19 để áp dụng các biện pháp khoanh vùng, cách ly;

b) Khẩn trương xây dựng phương án giám sát và theo dõi chặt chẽ các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở... tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng bằng phương pháp phù hợp để xác định nguồn lây, không để bỏ sót trường hợp có nguy cơ cao, phát hiện sớm các trường mắc bệnh để có biện pháp can thiệp y tế phù hợp.

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ công tác cách ly tại các khu vực có liên quan đến bệnh nhân; xây dựng phương án, đề xuất áp dụng biện pháp cách ly vùng có dịch trong trường hợp cần thiết;

d) Huy động mọi nguồn lực để phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương tích cực điều trị, chữa khỏi bệnh nhân với tinh thần quyết tâm cao nhất không để bệnh nhân tử vong;

đ) Tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

e) Cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông các thông tin liên quan đến yếu tố dịch tễ, kết quả xét nghiệm, tình trạng của bệnh nhân và các thông tin liên quan khác để thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh;

g) Chịu trách nhiệm đảm bảo đủ cơ sở vật chất trang thiết bị y tế cần thiết cho công tác phòng, chống dịch.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan thông tin về tiền sử dịch tễ, quá trình tiếp xúc của bệnh nhân để người dân chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chủ động cung cấp thông tin và đến cơ sở y tế để được tư vấn các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tiếp tục phổ biến, hướng dẫn người dân những kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình và gia đình mình, nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch bệnh;

b) Triển khai áp dụng ngay các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19 như: BlueZone, Ncovi;

c) Phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị chức năng liên quan kịp thời xử lý theo quy định đối với những trường hợp tung tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

4. Sở Du lịch

a) Làm việc với các đơn vị, kinh doanh dịch vụ du lịch, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, khu, điểm tham quan, tàu thuyền, xe vận chuyển du lịch và các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch thực hiện tạm dừng tổ chức đón khách du lịch đến Đà Nẵng trong vòng 14 ngày kể từ ngày 26/7/2020 để đảm bảo an toàn cho khách và cộng đồng cho đến khi có thông báo mới. Riêng đối với các cơ sở lưu trú trong thời gian tạm dừng nêu trên nếu có trường hợp đặc biệt thì yêu cầu đơn vị báo cáo Sở Du lịch và UBND các quận, huyện để xin ý kiến cấp thẩm quyền;

b) Đối với các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ đang thực hiện chương trình du lịch hoặc phục vụ dịch vụ thì tiếp tục phục vụ chu đáo khách cho đến khi kết thúc hành trình và áp dụng các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, trang bị khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng và thường xuyên nhắc nhở du khách sử dụng.

c) Chủ động rà soát, đàm phán với các cơ sở lưu trú, đề xuất thiết lập cơ sở lưu trú là cơ sở cách ly tập trung đối với người nước ngoài nhập cảnh (nếu có) tại thành phố Đà Nẵng.

[...]