Công văn 4687/BCT-XNK về điều chỉnh tăng thuế hàng không khuyến khích nhập khẩu do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 4687/BCT-XNK
Ngày ban hành 04/06/2008
Ngày có hiệu lực 04/06/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Nguyễn Thành Biên
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4687/BCT-XNK
V/v điều chỉnh thuế nhập khẩu

Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 2008

 

Kính gửi: Bộ Tài chính

Trực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về một số nội dung liên quan đến ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu, cung cầu các mặt hàng thiết yếu và phòng chống buôn lậu (Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ), sau khi rà soát khả năng điều chỉnh thuế phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh tăng thuế đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu sau đây:

1. Ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe 2 bánh gắn máy phân khối lớn:

Sau khi Bộ Tài chính công bố quyết định tăng thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 12 chỗ ngồi, lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu có xu hướng giảm. Tuy nhiên, nhập khẩu linh kiện để lắp ráp có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do thuế nhập khẩu linh kiện dù đã được điều chỉnh tăng nhưng vẫn ở mức thấp (do bị vướng trần cam kết) so với mức tăng của thuế xe nguyên chiếc. Để đạt mục tiêu hạn chế nhập siêu, hạn chế ách tắc giao thông, tiết kiệm tiêu dùng, ngoài biện pháp nâng lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Quốc Hội về việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh lớn, không tiết kiệm nhiên liệu, như sau:

- Dung tích từ 2.000 cc trở xuống: 50% (không thay đổi so với mức hiện hành).

- Dung tích trên 2.000 cc - 3.000 cc: 60% (tăng 10%)

- Dung tích trên 3.000 cc: 70% (tăng 20%)

Bổ sung xe hai bánh gắn máy có dung tích xi lanh từ 150 cc trở lên vào danh mục hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và áp thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 15% - 20%, nhằm hạn chế sử dụng phương tiện tiêu hao nhiên liệu cao.

2. Mỹ phẩm:

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này không lớn (khoảng 27 triệu USD trong quí I năm 2008, tăng trên 17% so với cùng kỳ năm 2007). Tuy nhiên, đây là nhóm hàng đã có sản xuất trong nước không phải là hàng tiêu dùng thiết yếu, không khuyến khích nhập khẩu. Vì vậy, đề nghị xem xét điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng sau:

- Mỹ phẩm (mã HS nhóm 3304): điều chỉnh từ mức hiệu hành 15 - 30% lên 20 - 40%

- Chế phẩm dùng cho tóc (mã HS nhóm 3305): điều chỉnh từ mức hiện hành 15 - 32% lên 30 - 35%.

- Chế phẩm dùng cho răng, miệng (mã HS nhóm 3306 - 3307): điều chỉnh từ mức hiện hành 30% lên 40%.

3. Điện thoại di động:

Quý I năm 2008, kim ngạch nhập khẩu điện thoạt di động khoảng 273 triệu USD, trong đó trên 50% nhập khẩu từ Trung Quốc (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%), khoảng 17% nhập khẩu từ các nước ASEAN và Hàn Quốc (thuế suất thuế nhập khấu ưu đãi đặc biệt 5%), trên 31% còn lại được nhập khẩu từ các nước khác với thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện hành 5%. Với tốc độ nhập khẩu hiện nay, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này cả năm 2008 có thể lên đến 1,2 - 1,3 triệu USD. Việc hạn chế nhập khẩu mặt hàng này gặp khó khăn do đã cam kết dành ưu đãi thuế quá mạnh (0% và 5%) cho một số thị trường hết sức cạnh tranh là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Để hạn chế nhập khẩu từ các thị trường còn lại (thị phần khoảng 30%), đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu MFN từ mức 5% hiện hành lên 8% (mức trần cam kết theo lộ trình trong WTO).

4. Rượu:

Rượu là mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu. Tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu không lớn (nhập khẩu rượu và đồ uống quí I năm 2008 chỉ khoảng 17 triệu USD), chủ yếu được nhập khẩu từ các nước không được hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt (chiếm khoảng 90% tổng lượng nhập khẩu). Thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện hành là 60% và 62%. Đây là mức thuế theo đúng lộ trình cắt giảm thuế trong WTO. Việc điều chỉnh tăng thuế MFN sẽ vi phạm cam kết WTO.

Trên đây là một số ý kiến của Bộ Công Thương, xin gửi để Bộ Tài chính xem xét, quyết định./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thành Biên