Công văn 467/LĐTBXH-LĐTL năm 2014 phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, đình công do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 467/LĐTBXH-LĐTL
Ngày ban hành 26/02/2014
Ngày có hiệu lực 26/02/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Phạm Minh Huân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------------

Số: 467/LĐTBXH-LĐTL
V/v phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, đình công

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2014

 

Kính gửi:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Trong 02 tháng đầu năm 2014, tình hình tranh chấp lao động, đình công trên địa bàn cả nước biến động mạnh (tăng xấp xỉ 70% số vụ so với 2 tháng cuối năm 2013), một số địa phương có số vụ đình công tăng đột biến như Bắc Ninh, Hải Dương, Cần Thơ, Long An…, đáng chú ý là chưa có cuộc đình công nào tuân thủ theo trình tự quy định của pháp luật. Trước tình hình trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và các cơ quan hữu quan thực hiện một số biện pháp sau:

- Tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện các quy định mới của pháp luật lao động, trong đó đặc biệt chú ý đến các quy định về: xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện; xây dựng quy chế dân chủ cơ sở và thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; chấp hành quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012;

- Tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, thường xảy ra tranh chấp lao động; những nội dung dễ phát sinh tranh chấp lao động, như: điều chỉnh tiền lương, chế độ làm đêm, làm thêm giờ, đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm điều kiện làm việc của người lao động; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm;

- Bổ nhiệm hòa giải viên lao động và kiện toàn Hội đồng trọng tài lao động theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012; nắm bắt tình hình biến động về lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời và phù hợp; tập trung triển khai các dự án hạ tầng xã hội: nhà ở công nhân, công trình văn hóa, thể thao, trường học, nhà mẫu giáo ở các khu công nghiệp tập trung;

- Tổ chức các cuộc đối thoại giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp, người lao động nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; duy trì hoạt động thường xuyên của Ban chỉ đạo, Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ các bên thương lượng, giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động, đình công xảy ra.

2. Đề nghị Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng và yêu cầu của người lao động để đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện việc đối thoại, thương lượng để giải quyết kịp thời. Trước mắt tập trung kiện toàn tổ chức công đoàn cơ sở ở những doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động giản đơn, mức tiền lương thấp, thường xảy ra tranh chấp lao động; tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ công đoàn cơ sở về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của pháp luật.

3. Đề nghị Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chỉ đạo các tổ chức thành viên của mình và vận động các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp hành tốt các quy định của pháp luật; chủ động đối thoại, thương lượng với người lao động và đại diện tập thể người lao động để giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp; nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kiến nghị với cơ quan nhà nước tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để triển khai thực hiện);
- Ban Quản lý các KCN, KCX, KTT(để triển khai thực hiện);
- Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố;
- Lưu: VP, Vụ LĐ-TL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Minh Huân

 

13
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ