Công văn 4654/BGDĐT-GDCTHSSV năm 2024 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 4654/BGDĐT-GDCTHSSV
Ngày ban hành 23/08/2024
Ngày có hiệu lực 23/08/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Thị Kim Chi
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4654/BGDĐT-GDCTHSSV
V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm.

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (GDCTr & CTHSSV) năm học 2024 - 2025 như sau:

I. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhiệm vụ GDCTr & CTHSSV; quán triệt, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng; văn bản quy phạm pháp luật, Đề án, Chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GDĐT về GDCTr & CTHSSV bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị.

2. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống gắn với việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam; tăng cường công tác tư vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên.

3. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo của phòng/ban/bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ GDCTr & CTHSSV tại các sở GDĐT và các cơ sở giáo dục đại học.

4. Tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ GDCTr & CTHSSV; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và xã hội xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ; tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, đặc biệt đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

5. Tổ chức tổng kết, đánh giá các Đề án, Dự án, Chương trình về nhiệm vụ GDCTr & CTHSSV giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục đề xuất, tham mưu phương hướng thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

6. Tăng cường và đổi mới công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền, xác định GDCTr & CTHSSV là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội của từng địa phương, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về nhiệm vụ GDCTr & CTHSSV.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

1.1. Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kinh tế - pháp luật..., quan tâm giáo dục HSSV về lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

1.2. Tổ chức các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quán triệt, tuyên truyền nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, HSSV tích cực tham gia Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức tuyên dương các tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo lời Bác trang trọng, ý nghĩa; khuyến khích tổ chức lễ tuyên dương tại các di tích lịch sử văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên dương, vinh danh các tấm gương tiêu biểu trong rèn luyện và học tập, hành động cao đẹp, gương người tốt việc tốt trong HSSV.

1.3. Tổ chức nghi thức chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca đầu tuần tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm; thực hiện học tập 5 điều Bác Hồ dạy đối với thiếu niên, nhi đồng.

1.4. Theo dõi, nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng của HSSV; tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với HSSV để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời xử lý những vấn đề khó khăn, bức xúc trong HSSV; chủ động phát hiện và phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan xử lý các vấn đề phức tạp về chính trị, tư tưởng liên quan HSSV; không để HSSV bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hội, nhóm, tổ chức tôn giáo hoạt động trái pháp luật và các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, gây rối an ninh, trật tự an toàn xã hội.

1.5. Tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng thông qua các môn học và hoạt động giáo dục nhằm bồi dưỡng nhận thức về Đảng trong HSSV; thực hiện tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng trong trường học theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị về "Tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các các cơ sở giáo dục”; phấn đấu đạt chỉ tiêu đến hết năm 2025 có 20.000 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng.

1.6. Tiếp tục xây dựng mạng lưới và tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho báo cáo viên, cộng tác viên về công tác chính trị, tư tưởng và công tác HSSV; tuyển chọn, cử báo cáo viên cốt cán tham gia giao ban, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch và triệu tập của Bộ GDĐT; tổ chức hoặc tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống và công tác HSSV, giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý, công tác xã hội, giám thị tham gia các đợt tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

1.7. Tăng cường chỉ đạo, quản lý công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho HSSV vùng đặc thù, các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, các trường tư thục, các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài....

2. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, xây dựng văn hóa học đường

2.1. Đẩy mạnh triển khai xây dựng văn hóa học đường; xây dựng văn hóa trường học gắn với uy tín và thương hiệu của nhà trường; xây dựng các hệ giá trị văn hóa, đạo đức cốt lõi là chuẩn mực để nhà giáo, cán bộ quản lý, HSSV làm mục tiêu phấn đấu, chú trọng xây dựng môi trường tự nhiên xanh, sạch, đẹp, an toàn; môi trường xã hội nhân văn gắn với các mối quan hệ thân thiện.

- Tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các trường học; khuyến khích HSSV tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn hóa quần chúng; chú trọng nâng cao chất lượng hội thi, liên hoan văn nghệ cho HSSV[1], góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và định hướng thị hiếu âm nhạc giúp HSSV hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ; đẩy mạnh văn hóa đọc trong trường học: hỗ trợ, đầu tư phát triển mạng lưới hoạt động thư viện tại các các cơ sở giáo dục; tăng cường tổ chức các phòng đọc, tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp học... để định hướng, tạo điều kiện cho HSSV đọc sách, say mê và yêu quý sách.

- Tổ chức tổng kết Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” và sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.

- Tiếp tục triển khai và sơ kết Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”; đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

2.2. Tăng cường công tác tư vấn học đường, đặc biệt chú trọng công tác tư vấn tâm lý; xây dựng quy trình rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh; có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả đối với các vấn đề phức tạp của học sinh, hạn chế việc học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; hoàn thiện quy trình kết nối chuyển gửi các vụ việc của học sinh đối với các nguồn lực ngoài nhà trường hỗ trợ học sinh yếu thế; tư vấn hướng nghiệp, quan tâm việc định hướng, lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, điều kiện bản thân và nhu cầu xã hội; thực hiện hiệu quả công tác xã hội trong trường học; tổng kết Kế hoạch phát triển công tác xã hội trong ngành giáo dục giai đoạn 2021 - 2025[2].

2.3. Đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ theo sở thích, phát huy tài năng, phát hiện năng khiếu; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm khuyến khích HSSV tham gia nhằm phát triển năng lực, phẩm chất và kỹ năng sống; phát động phong trào học tiếng Anh cho HSSV ở các nhà trường; xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

2.4. Tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp giữa ngành Giáo dục với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025; sơ kết 03 năm thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam trong ngành Giáo dục; rà soát, đánh giá, đổi mới công tác Đoàn - Đội - Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng và điều kiện của cơ quan, đơn vị.

2.5. Phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý các hoạt động liên kết dạy học kỹ năng sống, giá trị sống cho HSSV trong các cơ sở giáo dục; xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giáo dục kỹ năng sống trong các cấp học trên địa bàn tạo môi trường tốt cho HSSV nâng cao khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng trong các hoạt động cụ thể tại nhà trường, gia đình và ngoài xã hội góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

2.6. Triển khai hiệu quả Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên"; xây dựng, ban hành Kế hoạch phối hợp công tác, trong đó nêu cụ thể nội dung, nhiệm vụ phối hợp với từng cơ quan, đơn vị hữu quan để tăng cường hiệu quả công tác phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục HSSV.

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ