BỘ
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ
HỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4644/LĐTBXH-QLLĐNN
V/v chấn chỉnh
việc đưa lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả-rập
Xê-út
|
Hà Nội, ngày 12 tháng
11 năm 2015
|
Kính
gửi: Các doanh nghiệp đưa lao động đi làm giúp việc
gia đình tại Ả-rập Xê-út
Ngày 18/6/2014, Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội có văn bản số 2082/LĐTBXH-QLLĐNN hướng dẫn việc đưa lao động
sang làm việc tại Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thực hiện không đầy
đủ hoặc thực hiện một cách hình thức, dẫn đến phát sinh nhiều vụ việc, đặc biệt
là đối với lao động giúp việc gia đình.
Để chấn chỉnh
hoạt động đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út, Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các
nội dung như sau:
I. Về điều kiện đối với doanh
nghiệp đưa lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út
1. Có cơ sở đào tạo lao động giúp
việc gia đình bao gồm phòng học lý thuyết, phòng thực hành với đủ trang thiết
bị dạy ngoại ngữ và kỹ năng nghề; chỗ ăn, ở và sinh hoạt nội trú cho tối thiểu
20 lao động trở lên; có tối thiểu 01 giáo viên chuyên trách dạy tiếng Ả-rập và 01 giáo viên đào tạo kỹ năng nghề giúp việc gia đình.
2. Có đủ cán bộ quản lý lao động
thường trực tại Ả-rập Xê-út để phối hợp với đối tác tiếp nhận, quản lý và giải
quyết vấn đề phát sinh của người lao động:
a) Mỗi doanh nghiệp có tối thiểu 01
cán bộ quản lý tại Ả-rập Xê-út;
b) Doanh nghiệp có từ 300 lao động giúp
việc gia đình trở lên đang làm việc tại Ả-rập Xê-út thì với mỗi Công ty môi giới
Ả-rập Xê-út phải có tối thiểu 01 cán bộ để quản lý số lao động đi theo hợp đồng
ký với đối tác đó.
c) Cán bộ quản lý phải đáp ứng các
yêu cầu sau:
- Từ 23 tuổi trở
lên, có sức khỏe tốt, chưa vi phạm pháp luật;
- Thông thạo tiếng Anh hoặc tiếng Ả-rập;
- Có kinh nghiệm quản lý lao động ở
nước ngoài;
- Ký hợp đồng lao động có thời hạn từ
01 năm trở lên với doanh nghiệp.
II. Về điều kiện hợp đồng cung
ứng lao động giúp việc gia đình
1. Mỗi doanh nghiệp chỉ được ký Hợp
đồng cung ứng lao động giúp việc gia đình với tối đa 03 công ty môi giới Ả-rập
Xê-út.
2. Một công ty môi giới Ả-rập Xê-út
chỉ được ký Hợp đồng cung ứng lao động giúp việc gia đình với tối đa 03 doanh
nghiệp Việt Nam.
3. Doanh nghiệp ký Hợp đồng cung ứng
lao động giúp việc gia đình (bao gồm lao động giúp việc nhà, trông trẻ, làm
vườn, lái xe gia đình) với đối tác Ả-rập Xê-út theo quy định tại Thông tư số
22/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
trong đó phải đảm bảo các điều kiện như sau:
a) Độ tuổi người lao động: Từ đủ 21
đến 47 tuổi.
b) Thời hạn hợp đồng lao động: 2 năm
và có thể gia hạn.
c) Mức lương tối thiểu: 1.300
SR/tháng.
d) Thời gian làm việc và nghỉ ngơi:
Người lao động được nghỉ tối thiểu 9h liên tục/ngày và 01 ngày/tuần. Nếu người lao động đồng ý làm việc vào ngày nghỉ theo yêu cầu của chủ sử
dụng thì được nhận thêm tối thiểu 50 SR/ngày.
e) Người lao động chỉ làm việc tại hộ
gia đình trực tiếp của chủ sử dụng theo địa chỉ đã đăng ký với cơ quan chức
năng.
f) Các chế độ khác
- Người lao động được chủ sử dụng đài
thọ chi phí đào tạo và xuất cảnh (bao gồm phí visa, vé máy bay lượt đi và lượt
về khi kết thúc hợp đồng, tiền dịch vụ trả cho doanh nghiệp Việt Nam và không phải
trả tiền môi giới);
- Người lao động được chủ sử dụng
cung cấp miễn phí chỗ ở đảm bảo vệ sinh, riêng tư và ba bữa ăn đủ dưỡng chất
mỗi ngày; được mua bảo hiểm y tế và được chữa trị y tế miễn phí trong thời gian
làm việc tại Ả-rập Xê-út;
- Người lao động được phép liên lạc
với gia đình của mình và Đại sứ quán/Lãnh sự quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út.
g) Chấm dứt Hợp đồng lao động trước
thời hạn
Hợp đồng cung ứng lao động phải quy
định về điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, trách nhiệm bồi thường
thiệt hại và chi phí đưa lao động về nước phù hợp với mẫu Hợp đồng lao động, cụ
thể:
- Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao
động trước hạn mà lý do không phải từ phía người giúp việc gia đình thì người
sử dụng lao động sẽ chịu chi phí đưa người lao động về Việt Nam;
- Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước
hạn mà lý do từ phía người giúp việc gia đình thì người lao động phải trả cho
người sử dụng lao động một khoản tiền tương đương với 02 tháng lương trước khi
về nước trừ phi người lao động có lý do chính đáng (bị tai
nạn, bệnh tật có bệnh án,...) và chịu chi phí vé máy bay về nước.
Người lao động không phải đóng thêm
bất cứ khoản chi phí nào khác để về nước. Trường hợp người lao động chưa thể
bồi thường hợp đồng cho chủ sử dụng thì doanh nghiệp có trách nhiệm ứng trước
chi phí bồi thường để đưa người lao động về nước.
III. Về tuyển chọn, đào tạo và chế
độ báo cáo
1. Doanh nghiệp phải tuyển chọn lao
động đúng đối tượng, trong độ tuổi quy định, có trình độ học vấn từ tiểu học
trở lên, có nhu cầu và khả năng làm việc phù hợp với đặc thù công việc giúp
việc gia đình tại Ả-rập Xê-út, có đủ sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài theo quy
định, không tuyển chọn những người có tiền sử bệnh tim mạch, thần kinh, thấp
khớp,...
2. Doanh nghiệp chỉ đào tạo người lao
động tại Cơ sở đào tạo mà doanh nghiệp báo cáo và được Cục Quản lý lao động
ngoài nước kiểm tra, chấp thuận.
3. Doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo
người lao động trước khi đi tối thiểu là 1,5 tháng, cụ thể như sau:
- Bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo
quy định (74 giờ), đảm bảo người lao động nắm vững quy định luật pháp liên quan
của Ả-rập Xê-út, các điều kiện hợp đồng lao động, phong tục tập quán và đặc
điểm khí hậu tại Ả-rập Xê-út;
- Đào tạo kỹ năng nghề giúp việc gia
đình (tối thiểu là 100 giờ);
- Dạy tiếng Ả-rập cơ bản (tối thiểu
là 100 giờ).
Doanh nghiệp chỉ được đưa những lao
động đã hoàn thành Chương trình đào tạo sang làm việc tại Ả-rập Xê-út. Đối với
lao động đã có kinh nghiệm làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út không bắt
buộc phải tham gia đầy đủ khóa đào tạo kỹ năng nghề và tiếng Ả rập.
4. Trong vòng 05 ngày kể từ ngày
doanh nghiệp tổ chức đào tạo, doanh nghiệp lập Danh sách lao động tham gia
chương trình đào tạo giúp việc gia đình gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước
(theo Phụ lục số 1 gửi kèm, đồng thời gửi bản mềm vào địa chỉ email:
arapxeut.dolab@gmail.com) để theo dõi, kiểm tra.
5. Trước khi nộp hồ sơ xin visa ở Đại
sứ quán Ả-rập Xê-út tại Hà Nội, doanh nghiệp lập Danh sách lao động xin visa
gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước để theo dõi (theo Phụ lục số 2 gửi kèm,
đồng thời gửi bản mềm vào địa chỉ email: arapxeut.dolab@gmail.com).
6. Sau khi người lao động xuất cảnh,
doanh nghiệp báo cáo danh sách lao động làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út
theo Phụ lục số 9 và số 10 của Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08/10/2007
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trong đó báo cáo cụ thể về thông tin
chủ sử dụng như hướng dẫn tại Phụ lục số 2 nêu trên) gửi Cục Quản lý lao động
ngoài nước và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, đồng thời gửi bản mềm vào
địa chỉ email: hqtacp.dolab@gmail.com và vnemb.sa@mofa.gov.vn.
IV. Về quản lý lao động và giải
quyết vấn đề phát sinh
1. Cán bộ quản lý phải thường xuyên
theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến người
lao động; báo cáo định kỳ và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Ban quản lý lao
động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út.
Khi cử mới hoặc thay thế cán bộ quản
lý, doanh nghiệp phải báo cáo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út
(kèm theo địa chỉ, số điện thoại liên lạc tại Ả-rập Xê-út) để Ban xác nhận và
gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước.
2. Khi người lao động hoặc thân nhân
có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng về quyền và lợi ích theo hợp đồng mà
người lao động đã ký với doanh nghiệp và với chủ sử dụng lao động tại Ả-rập
Xê-út thì doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu cán bộ quản lý tại Ả-rập Xê-út
kiểm tra, xác minh và báo cáo phương án giải quyết trong thời gian 05 ngày kể
từ ngày nhận được văn bản thông báo của các cơ quan chức năng và giải quyết
khiếu nại trong thời gian 45 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của
các cơ quan chức năng.
Trường hợp khiếu nại/vụ việc vượt quá
thẩm quyền giải quyết của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải báo cáo Cục Quản lý
lao động ngoài nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út
và các cơ quan chức năng liên quan khác để được hỗ trợ giải quyết.
V. Tổ chức thực
hiện
1. Các doanh nghiệp đã đưa lao động
giúp việc gia đình sang Ả-rập Xê-út, trong vòng 10 ngày kể từ ngày ban hành văn
bản này, phải báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước về cơ sở đào tạo lao động
giúp việc gia đình, danh sách lao động giúp việc gia đình đang làm việc tại
Ả-rập Xê-út (theo Phụ lục số 3 gửi kèm và gửi bản mềm vào địa chỉ email:
arapxeut.dolab@gmail.com) và cán bộ quản lý tại Ả-rập Xê-út (có xác nhận của
Ban Quản lý lao động).
Cục Quản lý lao động ngoài nước có
trách nhiệm kiểm tra, trường hợp doanh nghiệp không báo cáo hoặc không đáp ứng
được các điều kiện nêu tại mục I thì không cho phép tiếp tục đưa lao động giúp
việc gia đình sang Ả-rập Xê-út.
2. Doanh nghiệp mới đề nghị đưa lao
động giúp việc gia đình sang Ả-rập Xê-út khi đăng ký hợp đồng phải gửi kèm
phương án thực hiện hợp đồng bao gồm kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, thông tin về
cơ sở đào tạo và phương án cử cán bộ quản lý lao động tại Ả-rập Xê-út. Sau khi
được chấp thuận hợp đồng, doanh nghiệp phải cử cán bộ quản lý tại Ả-rập Xê-út
trước khi đưa lao động đi.
3. Doanh nghiệp không giải quyết
khiếu nại/vụ việc đúng thời hạn quy định tại điểm 2, mục IV nêu trên thì sẽ bị
đình chỉ thực hiện các Hợp đồng cung ứng lao động ký với đối tác Ả-rập Xê-út
tiếp nhận người lao động đang có khiếu nại cho đến khi vụ việc được giải quyết.
Doanh nghiệp có tỷ lệ người lao động
khiếu nại đến các cơ quan chức năng từ 10% trở lên (so với số lao động giúp
việc gia đình đang làm việc tại Ả-rập Xê-út) mà trong đó
có trên 50% người lao động phải về nước trước hạn thì sẽ bị tạm dừng đưa lao
động sang làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út từ 01 - 03 tháng để chấn chỉnh.
4. Doanh nghiệp không tuyển chọn, đào
tạo và báo cáo theo quy định tại mục III hoặc không giải quyết dứt điểm vụ việc
trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày bị đình chỉ Hợp đồng cung ứng lao động theo
quy định tại điểm 3 nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số
95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
5. Đối với lao động các ngành nghề
khác, doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 2082/LĐTBXH-QLLĐNN
ngày 18/6/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Đại sứ quán VN tại Ả-rập Xê-út;
- Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Hà Nội;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Hiệp hội XKLĐ Việt Nam;
- Ban QLLĐ VN tại Ả-rập Xê-út;
- Lưu VP, QLLĐNN (12b)
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Doãn Mậu Diệp
|