Công văn 4572/LĐTBXH-PCTNXH về kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 4572/LĐTBXH-PCTNXH
Ngày ban hành 23/12/2010
Ngày có hiệu lực 23/12/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Trọng Đàm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------

Số: 4572/LĐTBXH-PCTNXH
V/v kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai giai đoạn 2011 - 2015

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2010

 

Kính gửi:

- Bộ Công an,
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
- Bộ Tài chính.

 

Để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện cho người nghiện ma túy, giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự thảo Kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai cho người nghiện ma túy, giai đoạn 2011 – 2015; dự thảo đã được đã lấy ý kiến góp ý của các Bộ liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kính gửi Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, đưa vào Chương trình phòng, chống ma túy chung của giai đoạn 2011 – 2015.

Kế hoạch kèm theo công văn./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (Vụ Khoa giáo – Văn xã);
- Các Bộ: Tài chính; Kế hoạch – Đầu tư;
- UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ LĐTBXH);
- Lưu: Văn thư, Cục PCTNXH (05b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trọng Đàm

 

KẾ HOẠCH

CAI NGHIỆN VÀ QUẢN LÝ SAU CAI CHO NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Để tiếp tục và tăng cường công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy và quản lý sau cai, thực hiện Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh; Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý về quản lý sau cai nghiện ma tuý; Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/09/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Xây dựng Kế hoạch tăng cường công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện giai đoạn 2011 – 2015.

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC CAI NGHIỆN, PHỤC HỒI CHO NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

1. Kết quả

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu đề xuất với Quốc hội, Chính phủ ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy - Chương cai nghiện ma tuý và 5 Nghị định của Chính phủ, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể về phòng chống ma túy đến năm 2010, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành theo thẩm quyền 17 văn bản hướng dẫn thi hành các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn thực hiện công tác cai nghiện tại cộng đồng, tại trung tâm và quản lý người sau cai nghiện, xã hội hóa công tác cai nghiện, hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy đối với Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội (gọi tắt là trung tâm), trung tâm quản lý sau cai và chế độ, chính sách cho cán bộ, người cai nghiện ma túy và người sau cai nghiện.

Cả nước đã cai nghiện cho 250.001 lượt người, bằng 170,4% so với người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 43.090 người so với giai đoạn 2001 - 2005, trong đó các trung tâm đã cai nghiện cho 169.007 lượt người, vượt 70,4% so với chỉ tiêu đề ra về số người được cai nghiện so với Quyết định số 49/2005/QĐ-TTg, chiếm 67,6% tổng số người nghiện được cai, tăng 28.142 người so với giai đoạn 2001-2005. Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 80.994 lượt người chiếm 32,4% tổng số người được cai nghiện. Các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho 15.382 người.

Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng, củng cố các mô hình cai nghiện hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương như mô hình của thành phố Hồ Chí Minh về thí điểm quản lý sau cai tại trung tâm; mô hình của tỉnh Tuyên Quang về cai nghiện 3 giai đoạn; mô hình đồng bộ, đồng loạt cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng của tỉnh Sơn La; mô hình trung tâm cai nghiện cấp huyện ở một số tỉnh, thành phố; mô hình cai nghiện tại cụm xã và quản lý sau cai tại câu lạc bộ xã, hỗ trợ hộ gia đình người cai nghiện vay vốn, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc vùng cao ở Lào Cai; mô hình hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai tại nơi cư trú, do Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội phối hợp thực hiện ở gần 600 xã, phường, thị trấn trong cả nước; mô hình (thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Kết quả thực hiện các mô hình đã được tổng kết, nhân rộng và từng buớc đưa vào các quy định pháp luật về cai nghiện.

Toàn quốc đã đầu tư xây dựng mới 40 trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, nâng cấp 46 trung tâm, nâng tổng số 83 trung tâm từ năm 2005 lên 123 trung tâm vào năm 2010, tăng khả năng tiếp nhận từ 30.000- 40.000 người lên 55.000-60.000 người. Nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, dạy nghề, lao động sản xuất trong giai đoạn 2006 - 2010 là 1.529,822 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 766 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 763,822 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trong các năm 2006: 60 tỷ đồng, năm 2007: 70 tỷ đồng, năm 2008: 70 tỷ đồng, năm 2009: 386 tỷ đồng, năm 2010: 180 tỷ đồng). Việc đầu tư nâng cấp các trung tâm đã góp phần tích cực vào tăng cường số lượng và chất lượng cai nghiện phục hồi tại (trung tâm, nhiều trung tâm đã có được môi trường thân thiện, thuận lợi trong sinh hoạt, hoạt động của đối tượng.

Các địa phương đã tăng cường công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, tính đến năm 2010, cả nước có 37 Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, tăng 16 Chi cục so với năm 2005; 13 Phòng, phòng chống tệ nạn xã hội và 13 đơn vị lồng ghép vào Phòng bảo trợ xã hội; tại mỗi quận, huyện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đều do phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn và quản lý.

2. Tồn tại, khó khăn

2.1. Về hệ thống văn bản pháp luật: Mặc dù công tác cai nghiện phục hồi có nhiều điểm mới, tiến bộ, nhưng ban hành muộn hoặc đã quy định nhưng khó thực hiện như thiếu chế tài như quy định về khai báo tình trạng nghiện, xác định người nghiện, đăng ký hình thức cai nghiện, trường hợp không nơi cư trú nhất định, cơ quan có trách nhiệm xác định người nghiện, tiêu chuẩn đánh giá tái nghiện, xử lý với đối tượng cai nghiện ở trung tâm có các hành vi vi phạm về an ninh, trật tự, biện pháp xử lý, đối tượng tái nghiện trong thời gian 2 năm sau cai, đối tượng vừa thuộc diện đưa vào cơ sở chữa bệnh, vừa thuộc diện đưa vào cơ sở giáo dục hoặc giáo dưỡng...

2.2. Chất lượng cai nghiện chưa đáp ứng yêu cầu:

Mặc dù công tác cai nghiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về số người được cai nghiện dưới các hình thức khác nhau nhưng chất lượng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều tỉnh, thành phố tăng thời gian chữa trị cho người cai nghiện tại trung tâm lại chưa thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện đủ quy trình cai nghiện nhưng nội dung, chất lượng còn đơn giản.

Đối với cai nghiện lại gia đình và cộng đồng, nhiều địa phương chưa thực hiện, hoặc nếu có thì chỉ thực hiện giai đoạn cắt cơn như một thủ tục để đưa đối tượng vào cai bắt buộc tại trung tâm; rất ít địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, tỷ lệ tái nghiện 85-95% đối với các địa phương chỉ thực hiện giai đoạn cắt cơn.

2.3. Hạn chế trong việc nhân rộng các mô hình hiệu quả:

Mặc dù công tác nhân rộng các mô hình hiệu quả được các bộ ngành, địa phương quan tâm nhưng thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu, do hạn chế về nhận thức, thiếu quyết tâm, khó khăn về cơ chế chính sách trong đầu tư nguồn lực. Vì vậy nhiều mô hình đã xuất hiện tương đối lâu năm nhưng vẫn chỉ được duy trì ở địa phương có sáng kiến ban đầu.

2.4. Công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều bất cập:

Kinh phí đầu tư, nâng cấp các trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- lao động xã hội, trung tâm quản lý sau cai là nhiệm vụ của địa phương song việc huy động ngân sách địa phương cho công tác này còn rất hạn chế (ngoại trừ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội). Trung ương đã hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương đầu tư, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho các trung tâm, tuy nhiên tổng mức kinh phí hàng năm bố trí được còn thấp so với nhu cầu, dẫn đến một số công trình chậm đưa vào sử dụng. Nhìn chung cơ sở vật chất tại các trung tâm nói chung, đặc biệt là trang thiết bị y tế, trang thiết bị dạy nghề còn thiếu và lạc hậu, nhiều trung tâm chưa có phòng sinh hoạt văn hóa, phòng tư vấn, hầu hết các trung tâm chưa có hệ thống xử lý chất thải, đặc biệt chất thải y tế theo quy định của Bộ Y tế; thiếu khu cách ly giành cho những người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc khu cách ly không đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

Cai nghiện cộng đồng chưa được đầu tư phù hợp về cơ sở vật chất cần thiết do vậy nhiều địa phương khó khăn trong tổ chức các hoạt động cai nghiện tại cộng đồng.

[...]