Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Công văn 4548/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn xác định các mặt hàng chịu thuế trong danh mục thuế suất hàng hoá nhập khẩu chịu thuế giá trị gia tăng

Số hiệu 4548/TCHQ-KTTT
Ngày ban hành 05/12/1998
Ngày có hiệu lực 05/12/1998
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Hoả Ngọc Tâm
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4548/TCHQ-KTTT

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 1998

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 4548-TCHQ/KTTT NGÀY 05 THÁNG 12 NĂM 1998 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH CÁC MẶT HÀNG CHỊU THUẾ TRONG DANH MỤC THUẾ SUẤT HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU CHỊU THUẾ GTGT

Kính gửi: Cục hải quan các tỉnh, thành phố

Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 02/1997/QH9 ngày 10/5/1997; Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ; Thông tư số 89-1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính và Thông tư số 09-1998/TT-TCHQ ngày 18/11/1998 của Tổng cục Hải quan;
Tổng cục Hải quan hướng dẫn xác định các mặt hàng chịu thuế trong danh mục thuế suất hàng hoá nhập khẩu chịu thuế GTGT như sau:
I. Về nguyên tắc tra cứu: Biểu danh mục thuế suất hàng hoá nhập khẩu chịu thuế giá trị gia tăng được kết cấu xây dựng dựa trên nguyên tắc xếp mã số hàng hoá của danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam do Tổng cục Thống kê ban hành và hệ thống điều hoà HS của tổ chức Hải quan thế giới. Vì vậy việc tra cứu danh mục thuế suất hàng hoá nhập khẩu chịu thuế giá trị gia tăng phải tuân thủ theo nguyên tắc xếp mã số của danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam hiện hành. Theo đó, nếu một mặt hàng, chủng loại hàng đã được ghi rõ tên hoặc mô tả rõ đặc điểm, cấu tạo, mức độ chế biến, công dụng ở một chương, một nhóm hàng, một phân nhóm hàng nào đó của danh mục thuế suất hàng hoá, nhập khẩu chịu thuế giá trị gia tăng thì nhất thiết phải xếp mặt hàng đó vào chương, nhóm, phân nhóm hàng cụ thể đó.

Theo quy định tại Thông tư số 89-1998/TT-BTC của Bộ Tài chính về thuế suất thuế giá trị gia tăng và áp dụng nguyên tắc này, các nhóm mặt hàng được định danh cụ thể tại danh mục thuế suất hàng hoá nhập khẩu chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm:

1. Mức thuế suất 5% được áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu là cây giống, con giống, thực phẩm tươi sống, nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế, những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được, những mặt hàng nhập khẩu phục vụ giáo dục, y tế, sản xuất nông nghiệp...

a. Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt do các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước, khai thác từ nguồn nước tự nhiên cung cấp cho các đối tượng sử dụng nước trừ các loại nước thuộc nhóm thuế suất 10% thuộc chương 22 nhóm 2201.

b. Phân bón bao gồm phân hữu cơ và phân vô cơ được phân loại tại Chương 31 từ nhóm 3101 đến 3105.

Các loại thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt gián, diệt chuột, diệt mối, mọt, côn trùng, thuốc trừ nấm, trừ cỏ, thuốc hạn chế kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng, điều hoà sự phát triển của thực vật... phân loại tại chương 38 nhóm 3808.

c. Thiết bị, máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế phân loại tại chương 90, các nhóm 9018, 9019, 9020, 9021, 9022, ô tô cứu thương phân loại tại Chương 87 nhóm 8703.

Bông, băng vệ sinh y tế phân loại tại Chương 30 nhóm 3005.

d. Thuốc chữa bệnh, phòng bệnh bao gồm các loại thuốc dùng cho người và vật nuôi phân loại tại Chương 29 nhóm 2936, 2937, 2941 và Chương 30.

e. Đồ chơi cho trẻ em phân loại tại Chương 95 nhóm 9501, 9502, 9503, sách khoa học, kỹ thuật, sách văn học nghệ thuật, sách phục vụ thiếu nhi, sách pháp luật phân loại tại chương 49 nhóm 4901, mã số 4901.99.10.

g. Sản phẩm trồng trọt, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm nuôi trồng thủy sản bao gồm:

- Cây giống, các loại rau, củ, quả, hạt, rễ, các loại hoa thuộc các nhóm mặt hàng tại chương 06, 07, 08, 09, 12.

- Động vật sống, con giống, phân loại tại chương 01 và chương 03 nhóm 0301, 0302, 0306, 0307.

h. Thực phẩm tươi sống và lương thực

- Thực phẩm tươi sống là các loại thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chỉ sơ chế như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, vịt, ngan, ngỗng, tôm cá tươi sống hoặc ướp đá, phơi khô để bảo quản phân loại tại Chương 02, 03.

- Lương thực bao gồm thóc, gạo, ngô, sắn, lúa mì, bột mì (không bao gồm các sản phẩm đã qua chế biến như mì, cháo, phở ăn liền...) phân loại tại Chương 10 và Chương 11, nhóm 1101.

i. Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá là các loại sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguyên liệu chính là đay, cói, tre, nứa, lá như: thảm đay, sợi đay, bao đay, thảm sơ dừa, chiếu sản xuất bằng đay, cói, dây thừng, dây buộc làm bằng tre nứa, sơ dừa, rèm, mành bằng tre, trúc, nứa, chổi tre, nón lá.... phân loại tại Chương 14, 53.

l. Thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác bao gồm loại thức ăn đã hoặc chưa được chế biến tổng hợp như cám, bã, khô lạc, bột cá, bột xương... phân loại cụ thể tại Chương 23.

2. Mức thuế suất 10% được áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu bình thường không mang tính chất ưu tiên cũng không mang tính chất hạn chế.

a. Sản phẩm khai khoáng: dầu mỏ, khí đốt (gas), quặng kim loại, phi kim loại, than đá, cát, sỏi, đất sét, cao lanh và sản phẩm khai khoáng khác phân loại tại chương 25, 26, 27.

b. Sản phẩm điện tử, cơ khí, đồ điện phân loại tại chương 84, 85.

c. Sản phẩm hoá chất, mỹ phẩm phân loại tại Chương 28, 29, 33, 38.

d. Sợi vải, sản phẩm may mặc, thêu ren phân loại tại Chương 50, 51, 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59, 60, 61, 62, 63, 65.

e. Giấy và sản phẩm bằng giấy phân loại tại Chương 48, 49.

g. Đường, sữa, bánh kẹo, nước giải khát và các loại thực phẩm chế biến khác phân loại tại các chương 04, 16, 17, 19, 21, 22.

[...]