Công văn 4516/BNN-TY năm 2022 về tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 4516/BNN-TY
Ngày ban hành 15/07/2022
Ngày có hiệu lực 15/07/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Phùng Đức Tiến
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4516/BNN-TY
V/v tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các địa phương, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra trên đàn vật nuôi, ở phạm vi rộng, cụ thể: Bệnh Cúm gia cầm (CGC) xảy ra tại 14 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 62.000 con gia cầm; bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 47 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 38.000 con lợn; bệnh Lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại 04 tỉnh, thành phố với 77 con gia súc mắc bệnh; bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) xảy ra tại 13 tỉnh, thành phố với trên 2.100 con trâu, bò mắc bệnh; bệnh Dại được tổ chức giám sát tại 11 tỉnh, thành phố, phát hiện 50/115 (43%) số mẫu của động vật nghi ngờ mắc bệnh cho kết quả dương tính với vi rút Dại. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến dịch bệnh xảy ra là do các địa phương, chủ vật nuôi chưa chú trọng đến công tác phòng bệnh bằng vắc xin, nhiều nơi tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn, điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Để khẩn trương kiểm soát các ổ dịch bệnh động vật đang xảy ra, phòng ngừa các ổ dịch mới phát sinh và lây lan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và UBND các cấp tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; trong đó chú trọng những biện pháp sau:

1. Khẩn trương triển khai công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi

a) Rà soát, thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi của địa phương;

b) Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh, đặc biệt các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: CGC, LMLM, Tai xanh, VDNC, DTLCP, Dại,... bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin;

c) Bố trí nguồn lực và kinh phí để tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi thuộc diện tiêm phòng; đặc biệt lưu ý đàn vật nuôi tại các khu vực có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch;

d) Tổ chức giám sát, đánh giá sau tiêm phòng đối với một số bệnh như: CGC, DTLCP và LMLM; giám sát lưu hành các loại mầm bệnh nguy hiểm (CGC, LMLM, Tai xanh, VDNC, DTLCP, Dại,…) để có cơ sở cảnh báo, khuyến cáo sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả.

đ) Thường xuyên báo cáo và đánh giá kết quả tiêm phòng cho Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để tổng hợp gửi Cục Thú y.

2. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các cấp thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn vật nuôi; khẩn trương tập trung nguồn lực để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch đang xảy ra, không để lây lan diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng;

3. Quán triệt, yêu cầu thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật (qua Hệ thống VAHIS).

4. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

5. Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng cho vật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khác, nâng cao trách nhiệm của người chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

6. Bố trí các nguồn lực, kinh phí để triển khai kịp thời, có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng hợp số liệu, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình, Kế hoạch quốc gia trong các tháng đầu năm 2022; các nội dung chưa làm được, những tồn tại, bất cập, khó khăn, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới theo mẫu tại Phụ lục đính kèm. Đề nghị các địa phương hoàn thiện và gửi báo cáo, số liệu về Cục Thú y (Email: dichte.dah@gmail.com) trước ngày 30/7/2022.

7. Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2021); văn bản số 409-BC/ĐĐQH15 ngày 07/12/2021 của Đảng đoàn Quốc hội gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư về duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật; đặc biệt mới đây nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, có chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc thú y; phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, kiểm dịch động vật; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y, đáp ứng yêu cầu phòng, chốn g dịch bệnh.

8. Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục Thú y: (i) Thành lập các đoàn công tác đi hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nội dung của các Chương trình, Kế hoạch quốc gia; (ii) Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phòng, chống dịch bệnh động vật, quản lý tiêm phòng trên đàn vật nuôi; rà soát, nâng cấp và tổ chức hướng dẫn sử dụng Hệ thống báo cáo trực tuyến (VAHIS) số liệu về dịch bệnh, tổng đàn, tiêm phòng, giám sát, vùng, cơ sở an toàn bệnh. (iii) Tổ chức giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh, giám sát lưu hành vi rút, giám sát sau tiêm phòng; (iv) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đánh giá, kiểm nghiệm, khảo nghiệm vắc xin phòng bệnh trên động vật; tăng cường năng lực xét nghiệm; (v) Thông tin, tuyên truyền các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; (vi) Hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực triển khai các Chương trình, Kế hoạch quốc gia; (vii) Phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp để tổ chức nghiên cứu, sản xuất, cung ứng vắc xin phòng bệnh trên động vật, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên và thường xuyên thông báo về Bộ Nông nghiệp và PTNT để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Lê Văn Thành (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục (để t/h);
- Sở NN&PTNT, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để t/h);
- Lưu: VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Phùng Đức Tiến

 

PHỤ LỤC

MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT CÁC THÁNG ĐẦU NĂM 2022 VÀ KẾ HOẠCH CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2022
(Kèm theo Công văn số           /BNN-TY ngày         tháng 7 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)

I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, QUẢN LÝ ĐÀN VẬT NUÔI VÀ DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN CÁC THÁNG ĐẦU NĂM 2022

1.1. Tình hình chăn nuôi

1.1.1. Đặc điểm và tình hình chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi, kèm theo Bảng số liệu (Bảng 2)

1.1.2. Nhận định về xu hướng tình hình chăn nuôi của địa phương

1.2. Kết quả xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh

1.2.1. Tình hình xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; kèm theo bảng số liệu danh sách các vùng đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh

[...]