Công văn 4437/BTP-PBGDPL năm 2021 hướng dẫn khen thưởng việc thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 4437/BTP-PBGDPL
Ngày ban hành 23/11/2021
Ngày có hiệu lực 23/11/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Thanh Tịnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4437/BTP-PBGDPL
V/v hướng dẫn khen thưởng việc thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội;
- Hội Luật gia Việt Nam;
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 (sau đây gọi là Chương trình), Quyết định số 1140/QĐ-BTP ngày 12/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổng kết thực hiện Chương trình, để biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình, Bộ Tư pháp hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương triển khai thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, THẨM QUYỀN, HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG

1. Khen thưởng theo thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, địa phương

Căn cứ kết quả tổng kết Chương trình và các Đề án thuộc Chương trình, đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương chủ động khen thưởng theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện đối với địa bàn, lĩnh vực quản lý.

2. Đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương được lựa chọn

Trên cơ sở kết quả Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình và các Đề án thuộc Chương trình, kết hợp theo dõi tình hình thực tế, Bộ Tư pháp đã lựa chọn các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương đề nghị phối hợp thực hiện việc khen thưởng (có Danh sách kèm theo). Theo đó, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc nhất trong triển khai các nhiệm vụ của Chương trình và các Đề án thuộc Chương trình tại các địa phương, đơn vị cơ sở, tổ chức thuộc phạm vi quản lý để đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen, cụ thể như sau:

a) Đối với Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp

- Trên cơ sở tiêu chuẩn khen thưởng quy định tại phần II Công văn này, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương thuộc Danh sách khen thưởng lựa chọn 01 tập thể hoặc 01 cá nhân xuất sắc nhất, ưu tiên tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp triển khai Chương trình và các Đề án trong Chương trình để đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xét tặng Bằng khen.

- Căn cứ kết quả đề xuất, Bộ Tư pháp sẽ lựa chọn, xét tặng Bằng khen các tập thể, cá nhân được các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương giới thiệu, đề nghị.

b) Đề nghị xét tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Trên cơ sở đánh giá kết quả công tác hướng dẫn, theo dõi, triển khai Chương trình, các Đề án thuộc Chương trình trên toàn quốc và căn cứ Báo cáo thành tích của các tập thể, cá nhân được các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương đề xuất xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp sẽ lựa chọn các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc nhất để phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen theo quy định tại Thông tư số 12/2019/TT-BNV ngày 04/11/2019 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

II. TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG

Trong quá trình triển khai Chương trình từ năm 2017 đến năm 2021, tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng phải đạt các tiêu chuẩn sau đây:

1. Tiêu chuẩn đối với tập thể

a) Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không có cá nhân vi phạm kỷ luật phải bị xử lý từ hình thức khiển trách trở lên.

b) Được bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương bình xét, suy tôn.

c) Hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền được giao, trong đó có những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

- Chủ động tổ chức triển khai Chương trình đồng bộ với Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), các Chương trình, Đề án khác tại bộ, ngành, địa phương; chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ;

- Xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, có hiệu quả về PBGDPL; đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này.

- Tích cực tham mưu hoặc tham gia xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL;

- Bố trí các điều kiện bảo đảm (nhân lực và kinh phí, cơ sở vật chất) triển khai hiệu quả công tác PBGDPL và thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động PBGDPL;

- Định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ và Đề án thuộc Chương trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện Chương trình.

2. Tiêu chuẩn đối với cá nhân

a) Có phẩm chất đạo đức tốt, đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

b) Được bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương bình xét, suy tôn.

c) Tham gia tích cực, đạt thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ PBGDPL.

d) Nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết trong triển khai thực Chương trình và các Đề án trong Chương trình theo nhiệm vụ được giao.

[...]