Công văn 4313/LĐTBXH-TTr năm 2018 hướng dẫn công tác thanh tra năm 2019 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 4313/LĐTBXH-TTr |
Ngày ban hành | 15/10/2018 |
Ngày có hiệu lực | 15/10/2018 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Đào Ngọc Dung |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
4313/LĐTBXH-TTr |
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2018 |
Kính gửi: |
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; |
Căn cứ Kế hoạch thanh tra năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các yêu cầu, nhiệm vụ của Ngành trong năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn công tác thanh tra năm 2019 của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội như sau:
1. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức thanh tra nhằm tăng hiệu quả công tác thanh tra; tập trung thanh tra chuyên đề, thanh tra các nội dung có nhiều phản ánh tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận, đời sống xã hội; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
2. Thụ lý, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế khiếu nại, tố cáo kéo dài; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư.
3. Chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là việc nhận diện các vị trí, nguy cơ tham nhũng; xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2019.
4. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm các đối tượng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ quyết định thanh tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định thu hồi, kết luận thanh tra.
5. Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật còn bất cập, vướng mắc; kiến nghị xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn.
Căn cứ Kế hoạch thanh tra năm 2019 của Bộ và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố (sau đây gọi là Sở), xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở theo các nội dung cụ thể như sau:
1.1. Thanh tra hành chính
Thực hiện công tác thanh tra hành chính đối với cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Sở nhằm tăng cường kỷ cương hành chính; trong đó tập trung thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức, viên chức trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và xây dựng cơ bản.
1.2. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành
a) Lĩnh vực chính sách lao động, an toàn, vệ sinh lao động
- Căn cứ tình hình và điều kiện thực tế của từng địa phương để triển khai chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực chế biến gỗ, đây là một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của nước ta, thu hút số lượng lớn lao động và có nhiều nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động. Trong quá trình thực hiện chiến dịch thanh tra, có sự tham gia và phối hợp của đối tác xã hội, các cơ quan, ban, ngành có liên quan tại địa phương.
- Trong năm 2019, tập trung thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong khu vực phi chính thức (các làng nghề, hộ gia đình,...). Đây là khu vực có các hoạt động kinh doanh mang tính gia đình, nhỏ lẻ và tự phát, cần được chú trọng thanh tra, kiểm tra về lao động, an toàn, vệ sinh lao động.
- Tiếp tục thực hiện phương thức thanh tra theo vùng; thực hiện phát phiếu tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp thông qua tự kiểm tra việc tuân thủ pháp luật lao động của doanh nghiệp.
- Thực hiện điều tra, báo cáo các vụ tai nạn lao động theo quy định.
b) Lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Tập trung thanh tra, kiểm tra, theo dõi và quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là tại các chi nhánh.
c) Lĩnh vực người nước ngoài làm việc tại địa phương: Theo dõi, thống kê và quản lý kịp thời số lượng, tình hình hoạt động của người nước ngoài làm việc tại địa phương.
d) Lĩnh vực bảo hiểm xã hội: Đối với các địa phương, tiếp tục thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, xây dựng kế hoạch thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị có nhiều vi phạm quy định của pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp với Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra tại một số địa phương.
đ) Lĩnh vực chính sách người có công: Tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học trong phạm vi toàn quốc; phấn đấu đến hết năm 2020, hoàn thành việc thanh tra toàn bộ hồ sơ đối tượng người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ đang hưởng chế độ chất độc hóa học tại địa phương và việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí ưu đãi người có công.
e) Lĩnh vực trẻ em: Thanh tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trẻ em nhằm nâng cao việc quản lý, thực hiện các chế độ đối với trẻ em tại địa phương.
g) Lĩnh vực bình đẳng giới: Tăng cường triển khai thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới tại cộng đồng.
h) Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong đó tập trung thanh tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương.
i) Các lĩnh vực khác: Đối với lĩnh vực giảm nghèo, tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đối với các lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo trợ xã hội, lựa chọn những vấn đề đang được dư luận quan tâm tại địa phương để xây dựng kế hoạch thanh tra.
2. Công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân