Công văn 4274/NHPT-PC hướng dẫn Quy chế bảo đảm tiền vay do Ngân hàng phát triển Việt Nam ban hành

Số hiệu 4274/NHPT-PC
Ngày ban hành 22/12/2007
Ngày có hiệu lực 22/12/2007
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Ngân hàng phát triển Việt Nam
Người ký Nguyễn Quang Dũng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4274/NHPT-PC
V/v hướng dẫn thực hiện Quy chế bảo đảm tiền vay của NHPT

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2007

Triển khai thực hiện Quy chế bảo đảm tiền vay ban hành kèm theo Quyết định số 42/QĐ-HĐQL ngày 17/9/2007 của Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau đây gọi là Quy chế bảo đảm tiền vay), Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) hướng dẫn các đơn vị tại Hội sở chính và các Sở giao dịch, Chi nhánh NHPT tại các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chi nhánh) thực hiện bảo đảm tiền vay trong các hoạt động tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tại NHPT và các hình thức tín dụng khác của NHPT có yêu cầu về bảo đảm tiền vay như sau:

A. CÁC NỘI DUNG CHUNG

I. Quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc Chi nhánh

1. Được quyền và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm tiền vay tại Chi nhánh theo phân cấp, uỷ quyền của Tổng giám đốc: lựa chọn biện pháp bảo đảm, tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến tài sản bảo đảm; Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

2. Tổ chức quản lý, theo dõi tài sản hình thành từ vốn vay nhưng không đủ điều kiện nhận làm tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định về quản lý tín dụng đối với tài sản hình thành từ vốn vay.

3. Được quyền ấn định thời hạn để khách hàng và bên bảo lãnh tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp sau khi xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, nếu khách hàng hoặc bên bảo lãnh vẫn chưa thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đối với NHPT.

Hết thời hạn ấn định mà khách hàng và bên bảo lãnh không thực hiện trả hết số nợ còn thiếu, Chi nhánh báo cáo Tổng giám đốc xem xét việc khởi kiện đòi nợ khách hàng và bên bảo lãnh tại Toà án hoặc nộp đơn yêu cầu Toà án tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật (đối với khách hàng, bên bảo lãnh là tổ chức kinh tế).

II. Áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay

1. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay thực hiện theo nguyên tắc:

a) Chi nhánh xem xét, tạo điều kiện để khách hàng được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp.

b) Trường hợp tài sản hình thành từ vốn vay không đủ điều kiện để thế chấp, Chi nhánh áp dụng một hoặc kết hợp các biện pháp bảo đảm tiền vay quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 Quy chế Bảo đảm tiền vay đối với tín dụng đầu tưKhoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 4 Quy chế Bảo đảm tiền vay đối với tín dụng xuất khẩu.

2. Điều kiện áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay:

a) Đối với tín dụng đầu tư:

- Khách hàng có đủ các điều kiện quy định tại Quy chế cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 41/QĐ-HĐQL ngày 14/9/2007 của Hội đồng quản lý NHPT (sau đây gọi là Quy chế cho vay vốn tín dụng đầu tư);

- Tài sản hình thành từ vốn vay có đủ các điều kiện về tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 6 Quy chế Bảo đảm tiền vay;

- Chi nhánh lưu ý: Trường hợp tài sản hình thành từ vốn vay là bất động sản gắn liền với đất, thì khách hàng phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ khác chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với khu đất mà trên đó tài sản sẽ hình thành và phải hoàn thành các thủ tục về đầu tư và xây dựng theo quy định của pháp luật.

b) Đối với tín dụng xuất khẩu:

- Khách hàng có đủ các điều kiện quy định tại Quy chế quản lý vốn tín dụng xuất khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ-HĐQL ngày 31/8/2007 của Hội đồng quản lý NHPT (sau đây gọi là Quy chế quản lý vốn tín dụng xuất khẩu).

- Đối với tài sản hình thành từ vốn vay là vật tư, hàng hoá thì Chi nhánh chỉ nhận bảo đảm tiền vay khi:

+ Tài sản có đủ các điều kiện về tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 6 Quy chế Bảo đảm tiền vay; đặc biệt tài sản hình thành từ vốn vay phải xác định được danh mục, số lượng, giá trị, đặc điểm của tài sản;

+ Chi nhánh phải có khả năng quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm tra tài sản bảo đảm;

+ Các bên phải thoả thuận về việc bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và người thứ ba giữ tài sản (nếu có) cùng tham gia quản lý vật tư, hàng hoá.

3. Điều kiện áp dụng biện pháp cầm cố, thế chấp bằng tài sản của khách hàng, của người thứ ba:

3.1 Khách hàng có đủ các điều kiện quy định tại Quy chế cho vay vốn tín dụng đầu tư; Quy chế cho vay vốn tín dụng xuất khẩu.

3.2 Người thứ ba cầm cố, thế chấp tài sản có đủ điều kiện sau đây:

a) Về năng lực chủ thể:

- Đối với người thứ ba là cá nhân Việt Nam thì phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Đối với người thứ ba là pháp nhân Việt Nam thì phải có năng lực pháp luật dân sự theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

- Trường hợp người thứ ba là hộ gia đình, tổ hợp tác thì đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 107, 113);

[...]