Công văn 4258/BHXH-TCKT năm 2023 quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 4258/BHXH-TCKT
Ngày ban hành 15/12/2023
Ngày có hiệu lực 15/12/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Lê Hùng Sơn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4258/BHXH-TCKT
V/v quản lý, tính hao mòn, khấu hao TSCĐ

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2023

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội.
(Sau đây gọi chung là các đơn vị)

Căn cứ Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và TSCĐ do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nội dung về quản lý và tính hao mòn, khấu hao TSCĐ như sau:

I. Về quản lý tài sản cố định

1. Tiêu chuẩn TSCĐ: Thực hiện theo Điều 3 Thông tư số 23/2023/TT-BTC, trong đó:

1.1. Xác định tài sản

a) Tài sản sử dụng độc lập được xác định là một tài sản

b) Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được thì hệ thống đó được xác định là một tài sản.

c) Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ, liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và có chức năng hoạt động độc lập, đồng thời đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản riêng lẻ đó được xác định là một tài sản.

Ví dụ: Các loại máy móc, thiết bị riêng lẻ, có thời gian sử dụng khác nhau, có chức năng hoạt động độc lập với nhà làm việc (thang máy, máy điều hòa, ...) thì được xác định là một tài sản để quản lý, tính hao mòn (độc lập với tài sản là nhà làm việc).

d) Quyền sử dụng đất đối với từng thửa đất hoặc phần diện tích được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng thửa đất được xác định là một tài sản.

đ) Mỗi phần mềm ứng dụng được xác định là một tài sản.

1.2. Tài sản cố định là tài sản thỏa mãn đồng thời cả 02 tiêu chuẩn: Có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản; có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên.

2. Các đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSCĐ có trách nhiệm:

a) Lập thẻ TSCĐ, kế toán đối với toàn bộ TSCĐ hiện có của đơn vị theo đúng quy định của chế độ kế toán hiện hành; mỗi TSCĐ được xác định là một đối tượng ghi sổ kế toán. Các chỉ tiêu về nguyên giá, hao mòn, khấu hao, giá trị còn lại của TSCĐ là số nguyên; trường hợp kết quả xác định các chỉ tiêu này là số thập phân thì được làm tròn theo nguyên tắc cộng thêm 01 vào phần số nguyên.

b) Thực hiện kiểm kê tài sản định kỳ hàng năm; thực hiện điều chỉnh số liệu kế toán nếu có chênh lệch phát sinh khi thực hiện kiểm kê.

c) Thực hiện báo cáo kê khai, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

II. Xác định nguyên giá tài sản cố định

1. Nguyên giá tài sản cố định hữu hình (hình thành từ mua sắm; từ đầu tư xây dựng; từ dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; được giao, nhận điều chuyển; được tặng cho, khuyến mại; phát hiện thừa khi kiểm kê, chưa được theo dõi trên sổ kế toán;...): Thực hiện theo Điều 6 Thông tư số 23/2023/TT-BTC, trong đó lưu ý:

1.1. Nguyên giá TSCĐ hình thành từ mua sắm tập trung (theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp hoặc mua sắm thường xuyên trong phạm vi toàn Ngành)

a) Đối với đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung

- Tại thời điểm bàn giao TSCĐ cho đơn vị sử dụng: Giá trị TSCĐ tại Biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản là giá trị từng loại TSCĐ ghi trên hóa đơn.

- Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc bàn giao tài sản cho tất cả các đơn vị sử dụng theo kế hoạch mua sắm, đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung thực hiện: Tổng hợp toàn bộ các chi phí liên quan đến mua sắm tập trung theo quy định tại Điều 26 Quy chế mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung trong ngành BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-BHXH ngày 12/11/2018 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam (bao gồm cả chi phí cho đấu thầu được bù đắp từ nguồn kinh phí không phải từ khoản thu từ hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật); phân bổ chi phí liên quan đến mua sắm tập trung cho từng TSCĐ theo tiêu chí phù hợp (số lượng, giá trị ghi trên hóa đơn của TSCĐ phát sinh chi phí chung, …); thông báo bằng văn bản về chi phí liên quan đến mua sắm tập trung của từng TSCĐ cho các đơn vị sử dụng.

b) Đối với đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản

- Khi nhận được TSCĐ do đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung bàn giao, căn cứ Biên bản giao nhận tài sản kèm theo các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến TSCĐ để xác định nguyên giá tạm tính TSCĐ.

- Sau khi nhận được thông báo bằng văn bản về chi phí liên quan đến mua sắm tập trung của đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung thì thực hiện điều chỉnh lại nguyên giá tạm tính và xác định nguyên giá TSCĐ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 23/2023/TT-BTC (bao gồm các chi phí hợp lý liên quan trực tiếp đến việc đưa TSCĐ vào sử dụng phát sinh tại đơn vị như chi phí lắp đặt, chạy thử, nộp lệ phí trước bạ và các khoản chi phí khác có liên quan).

1.2. Nguyên giá TSCĐ được hình thành từ dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện theo khoản 2 Điều 6 Thông tư số 23/2023/TT-BTC.

2. Nguyên giá tài sản cố định vô hình (quyền sử dụng đất; hình thành từ đầu tư, mua sắm; được giao, nhận điều chuyển; được tặng cho, khuyến mại; phát hiện thừa khi kiểm kê, chưa được theo dõi trên sổ kế toán;...): Thực hiện theo Điều 7 Thông tư số 23/2023/TT-BTC.

3. Thay đổi nguyên giá tài sản cố định: Thực hiện theo Điều 9 Thông tư số 23/2023/TT-BTC, trong đó lưu ý:

[...]