Thông tư 35/2022/TT-BTC quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản cố định do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 35/2022/TT-BTC
Ngày ban hành 16/06/2022
Ngày có hiệu lực 30/07/2022
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Đức Chi
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giao thông - Vận tải

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/2022/TT-BTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2022

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, TÍNH HAO MÒN TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ LÀ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý công sản;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản cố định.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản cố định (sau đây gọi là tài sản hạ tầng giao thông đường bộ) do Nhà nước đầu tư, quản lý để thực hiện kế toán tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán; thực hiện báo cáo tình hình tăng, giảm, tính hao mòn tài sản hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định pháp luật.

2. Chế độ quản lý, tính hao mòn quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp:

a) Xác định tuổi thọ tài sản hạ tầng giao thông đường bộ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo, bảo trì tài sản hạ tầng giao thông đường bộ;

b) Xác định giá trị tài sản hạ tầng giao thông đường bộ để tham gia trong dự án đối tác công tư;

c) Tài sản hạ tầng giao thông đường bộ tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ gồm: Bộ Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

2. Cơ quan được giao quản lý tài sản hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi là cơ quan được giao quản lý tài sản), gồm:

a) Cơ quan được giao quản lý tài sản ở trung ương là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường bộ;

b) Cơ quan được giao quản lý tài sản ở địa phương là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường bộ; Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

3. Các đối tượng khác liên quan đến quản lý, tính hao mòn tài sản hạ tầng giao thông đường bộ.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Tiêu chuẩn nhận biết tài sản hạ tầng giao thông đường bộ

1. Tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, o và p khoản 1 Điều 4 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi là Nghị định số 33/2019/NĐ-CP) có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thỏa mãn đồng thời cả 02 tiêu chuẩn dưới đây là tài sản cố định:

a) Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên;

b) Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên.

2. Trường hợp một hệ thống tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được giao cho nhiều cơ quan quản lý thì phần tài sản được giao cho từng cơ quan thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này là một tài sản cố định.

[...]