Công văn 4190/BGDĐT-TTr năm 2015 hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra năm học 2015-2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 4190/BGDĐT-TTr |
Ngày ban hành | 17/08/2015 |
Ngày có hiệu lực | 17/08/2015 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Nguyễn Huy Bằng |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4190/BGDĐT-TTr |
Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2015 |
Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo
Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; căn cứ nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học năm học 2015 - 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra năm học 2015 - 2016 đối với sở GD&ĐT như sau:
I. NHIỆM VỤ CHUNG
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động thanh tra giáo dục theo Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục (Nghị định số 42/2013/NĐ-CP), Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT ngày 05/12/2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục (Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT), Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự thủ tục tiến hành cuộc thanh tra (Thông tư số 05/2014/TT-TTCP). Tăng cường thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, các vấn đề dễ gây bức xúc trong dư luận như dạy thêm, học thêm, thu chi kinh phí, sử dụng sổ sách, tuyển sinh đầu cấp... Kết hợp thanh tra với kiểm tra. Triển khai hoạt động xử lý sau thanh tra bảo đảm hiệu quả thanh tra trong thực tế. Xử lý nghiêm minh, kịp thời, công khai trước công luận các vi phạm (nếu có).
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt văn bản quy phạm pháp luật
1.1. Tập trung tuyên truyền, quán triệt Nghị định số 42/2013/NĐ-CP, Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT, Thông tư số 05/2014/TT-TTCP và các văn bản quy phạm pháp luật khác về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiếp công dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống thanh tra giáo dục.
1.2. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục (CTVTT); Tăng cường công tác bồi dưỡng cộng tác viên theo yêu cầu tại Thông tư số 32/2014/TT-BGDĐT ngày 25/9/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về chương trình bồi dưỡng cộng tác viên thanh tra giáo dục.
1.3. Tổ chức tập huấn, trao đổi về nghiệp vụ thanh tra giữa các sở GD&ĐT trong vùng thi đua.
2. Công tác kiện toàn tổ chức thanh tra
2.1. Rà soát, tham mưu và kiến nghị bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Sở GD&ĐT theo Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật tiếp công dân, Nghị định số 42/2013/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.
2.2. Phối hợp với Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) trình Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phê duyệt biên chế công chức Thanh tra sở đảm bảo số lượng, chất lượng để hoàn thành nhiệm vụ được giao; bổ nhiệm, nâng ngạch các chức danh thanh tra theo quy định, tăng cường tính chuyên nghiệp cho đội ngũ thanh tra.
2.3. Xây dựng mạng lưới CTVTT đủ tiêu chuẩn theo quy định, đảm bảo chất lượng, cơ cấu theo cấp học.
3. Hoạt động thanh tra
Thực hiện thanh tra theo kế hoạch hoặc thanh tra đột xuất theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 37 Luật Thanh tra.
3.1. Thanh tra hành chính
Thanh tra hành chính đối với các đơn vị trực thuộc sở theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 42/2013/NĐ-CP và hướng dẫn của thanh tra tỉnh. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như sau:
- Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về giáo dục, pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, tiếp công dân, phòng chống tham nhũng.
- Việc thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, người học.
- Việc thực hiện thu chi kinh phí giáo dục.
- Việc thực hiện đổi mới giáo dục đối với từng cấp học, trình độ đào tạo.
3.2. Thanh tra chuyên ngành
Đối tượng thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 42/2013/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT.
Nội dung thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 42/2013/NĐ-CP và Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT. Trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:
- Việc thực hiện quy chế chuyên môn theo hướng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá (chú ý nội dung đánh giá đối với học sinh tiểu học), quy chế đào tạo, quy chế tuyển sinh, quy chế thi.
- Công tác tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
- Sử dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; công tác mua sắm, sử dụng, bảo quản thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục.
- Công tác quản lý dạy thêm học thêm; các khoản thu, chi phục vụ người học trong năm học.