Công văn 4179/BTTTT-VP năm 2022 về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thông tin trên mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 4179/BTTTT-VP
Ngày ban hành 11/08/2022
Ngày có hiệu lực 11/08/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4179/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long gửi tới trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Câu 1: Thời gian qua việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội ngày càng nhiều nhưng khi người dân mua sử dụng thì không đạt hiệu quả cao. Cử tri kiến nghị cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, kiểm nghiệm chất lượng cụ thể trước khi cho quảng cáo rộng rãi để tránh làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân trong việc lựa chọn mua sản phẩm.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Hoạt động quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội cần tuân thủ quy định tại Luật Quảng cáo, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP và các quy định pháp luật chuyên ngành. Quảng cáo của các sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người như thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế) xác nhận nội dung quảng cáo.

Gần đây, trên môi trường mạng xuất hiện nhiều quảng cáo sản phẩm thực phẩm “thần y”, “thần dược”, thổi phồng công dụng, tính năng sản phẩm, hoặc quảng cáo sản phẩm tiêu dùng thiếu, kém chất lượng... Bộ TT&TT đã nắm bắt được thực trạng này và triển khai nhiều biện pháp chấn chỉnh trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình:

- Tổ chức họp và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới vào Việt Nam, của mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Google, yêu cầu họ kiểm duyệt chặt chẽ việc quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần có giấy xác nhận nội dung quảng cáo, nội dung quảng cáo phải phù hợp với giấy xác nhận đã được cấp và có giải pháp không để tái diễn tình trạng đăng, phát quảng cáo vi phạm pháp luật trên mạng lưới quảng cáo, nền tảng của mình. Đối với Facebook và Google, yêu cầu phối hợp xử lý các trường hợp quảng cáo vi phạm như khóa quảng cáo trên kênh vi phạm, ngăn chặn nội dung quảng cáo vi phạm.

- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế - cơ quan cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe - trong việc xác minh sự phù hợp của nội dung quảng cáo thực tế so với nội dung được cơ quan nhà nước cho phép, qua đó có thể nhận diện chính xác hành vi vi phạm trong lĩnh vực này; cung cấp cho Thanh tra Bộ Y tế thông tin về chủ thể thực hiện hành vi vi phạm về quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để kịp thời xử lý; chuyển đơn vị chuyên môn ngăn chặn, xử lý website quảng cáo thực phẩm, bảo vệ sức khỏe vi phạm.

- Yêu cầu cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam rà soát toàn bộ hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới; không để tái diễn tình trạng quảng cáo vi phạm; triển khai các biện pháp cần thiết để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung, vị trí quảng cáo, nhất là đường link quảng cáo đăng phát trên nền tảng của mình; có thỏa thuận với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo; cân nhắc dừng hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới không thực hiện.

- Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ đã cung cấp thông tin về chủ thể đăng ký của 10 tên miền (website) đăng thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật cho Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế để làm việc và xử lý; Kiểm tra đột xuất 02 doanh nghiệp quảng cáo có dấu hiệu vi phạm quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Cổng thông tin của Bộ TTTT đã công bố 25 website vi phạm pháp luật không được gắn quảng cáo.

Vi phạm trên mạng internet nói chung và vi phạm trong hoạt động quảng cáo sản phẩm thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có khả năng trị “bách bệnh” nói riêng có diễn biến ngày càng phức tạp do các yếu tố khách quan như sự thay đổi nhanh chóng của phương tiện quảng cáo, thuật toán quảng cáo và tình trạng phụ thuộc vào các mạng lưới quảng cáo, nền tảng mạng xã hội nước ngoài... Nhưng quan trọng hơn là do yếu tố chủ quan khi người quảng cáo cố tình đăng tải nội dung quảng cáo vi phạm trên môi trường mạng mà cơ quan chức năng rất khó có thể xác định chính xác đối tượng quảng cáo. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ TT&TT, Bộ Y tế, cơ quan an ninh điều tra, cơ quan quản lý thị trường tại địa phương để xử lý đồng bộ trong thời gian sớm nhất.

Câu 2: Nhiều cử tri bức xúc trước nhiều vụ, việc thông tin, đăng tải, chia sẻ lên mạng xã hội sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cho nhiều tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội nhưng chưa được xử lý nghiêm. Cử tri kiến nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, góp phần làm trong sạch các thông tin trên mạng

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Hành vi loan truyền tin giả, tin sai sự thật diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên biên giới. Nguyên nhân một phần do người sử dụng vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh” nên tự do phát ngôn và không nghĩ đến hậu quả tiêu cực cho xã hội, cho cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi tin giả xuất hiện trên mạng, nếu không được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định/công bố là tin giả thì người dân vẫn nghĩ đó có thể là tin thật và tiếp tục phát tán theo cấp số nhân, nhất là những vấn đề “nóng” nhiều người quan tâm, gây hoang mang trong xã hội.

Tin giả phát tán nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các mạng xã hội xuyên biên giới thì vẫn chậm so với mạng xã hội trong nước nên tin giả tồn tại lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng ở mạng xã hội xuyên biên giới.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế, xử lý tình trạng phát tán, loan truyền tin giả như:

- Nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật; bổ sung nhiều quy định về chống tin giả, tăng chế tài và mức phạt tin giả tăng như Luật An ninh mạng, Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý nội dung internet; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử...

Hiện nay, Bộ TT&TT đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP nhằm tăng cường quản lý các mạng xã hội xuyên biên giới, trong đó bổ sung quy định định danh tài khoản người dùng, chủ mạng xã hội có trách nhiệm gỡ bỏ thông tin bị người dùng khiếu nại làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hp pháp của tổ chức, cá nhân chậm nhất 48h, chỉ cho phép các tài khoản đã định danh mới được bình luận, viết bài trên mạng xã hội; các mạng xã hội phải gỡ bỏ thông tin vi phạm (3h với mạng xã hội trong nước/24h với mạng xã hội nước ngoài) khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng.

- Thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) để xác minh, công bố tin giả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội.

- Phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương để xác minh và xử lý tin giả. Bộ TT&TT và các bộ, ngành có liên quan đều có trách nhiệm chủ động rà soát, phát hiện và phối hợp để xử lý tin giả theo nguyên tắc: Bộ TT&TT và các bộ ngành chủ động rà soát phát hiện tin giả; các Bộ sẽ xác minh tin giả khi tự phát hiện hoặc khi Bộ TT&TT yêu cầu; chuyển Bộ TT&TT xử lý, ngăn chặn, công bố tin giả trên website tingia.gov.vn/fanpage.

Tuy nhiên, thời gian qua việc xác minh tin giả còn chậm trễ dẫn tới các tin giả vẫn được loan truyền trên mạng, gây bức xúc cho người dân. Nguyên nhân có thể kể như các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động rà quét, việc phối hợp xác minh còn mất nhiều thời gian... Do đó, Bộ TT&TT đã chủ động thực hiện ký kết các biên bản ghi nhớ với các Sở TT&TT về hợp tác xử lý và công bố tin giả trên không gian mạng, tiến tới ký kết với các bộ ngành để tăng cường công tác phối hợp, giảm thiểu thời gian, quy trình xác minh tin giả.

- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet, mạng xã hội và blog cá nhân; chỉ đạo các cơ quan báo chí chính thống chủ động tìm hiểu, xác minh tin đồn được cho là tin giả từ các cơ quan chức năng để kịp thời thông tin chính xác, công bố/phản bác tin giả khi có kết quả xác minh; đẩy mạnh việc lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực trên không gian mạng, các thông tin cảnh báo người dân về tin giả.

- Tăng cường đẩy mạnh việc khuyến khích, phát triển nội dung thông tin phù hợp với người Việt Nam trên không gian mạng, qua đó góp phần phát triển tri thức, đồng thời hạn chế việc lợi dụng mạng Internet để vi phạm pháp luật, hoặc truy cập vào các nội dung thông tin không lành mạnh, thông tin không có ích.

- Tổ chức tập huấn cho các địa phương, bộ, ngành về cách thức nhận biết, phát hiện tin giả, thông tin xấu độc trên môi trường mạng và chủ động xác minh tin giả ở địa phương/phạm vi lĩnh vực phụ trách.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TT&TT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long, trân trọng gửi ti Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên
Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ