Công văn 4014/BTP-BTNN năm 2015 hướng dẫn triển khai áp dụng Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 4014/BTP-BTNN
Ngày ban hành 30/10/2015
Ngày có hiệu lực 30/10/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Văn Bốn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4014/BTP-BTNN
V/v hướng dẫn triển khai áp dụng Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2015

 

Kính gửi: Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc Hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010. Nhằm đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN), ngày 22/3/2013 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Quyết định số 634/QĐ-BTP về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Bộ tiêu chí). Qua hai năm thực hiện thí điểm tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ tiêu chí đã góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường đánh giá cơ bản tình hình và kết quả hoạt động triển khai thi hành Luật TNBTCNN. Trên cơ sở kết quả thí điểm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo triển khai áp dụng Bộ tiêu chí trong hoạt động quản lý hành chính trên phạm vi cả nước. Ngày 07/10/2015, Cục Bồi thường nhà nước đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-BTNN triển khai áp dụng Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Để triển khai áp dụng Bộ tiêu chí trong hoạt động quản lý hành chính đạt kết quả, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số công việc sau đây:

I. Triển khai thực hiện Bộ tiêu chí

1. Hàng năm, chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai áp dụng Bộ tiêu chí trong hoạt động quản lý hành chính (thực hiện theo Bảng chấm điểm đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN và Báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm ban hành kèm theo Công văn này).

2. Riêng trong năm 2015, căn cứ vào kết quả thực hiện công tác bồi thường trong năm 2015, tính từ ngày 01/10/2014 đến ngày 30/9/2015 đã báo cáo Bộ Tư pháp phục vụ cho công tác xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10, Sở Tư pháp thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm. Kết quả tự đánh giá, chấm điểm của các tỉnh, thành phố cùng Bảng chấm điểm đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để báo cáo, đồng thời gửi Bộ Tư pháp (Cục Bồi thường nhà nước) để tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả triển khai áp dụng Bộ tiêu chí trước ngày 30/11/2015.

II. Tổ chức áp dụng Bộ tiêu chí

1. Xây dựng kế hoạch tổ chức áp dụng Bộ tiêu chí

Trên cơ sở Kế hoạch số 24/KH-BTNN, hàng năm, Sở Tư pháp xây dựng ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện áp dụng Bộ tiêu chí trong phạm vi do mình quản lý. Kế hoạch này có thể ban hành riêng hoặc lồng ghép trong Kế hoạch công tác chung của đơn vị. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện triển khai các nội dung của Kế hoạch phù hợp với các tiêu chí của Bộ tiêu chí và điều kiện của đơn vị. Việc xây dựng kế hoạch tổ chức áp dụng Bộ tiêu chí được thực hiện trước ngày 01/02 của năm tổ chức áp dụng. Riêng năm 2015, các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức áp dụng Bộ tiêu chí trước ngày 10/11/2015.

2. Tổ chức đánh giá

a) Thu thập tài liệu phục vụ cho việc tự đánh giá, chấm điểm

Việc thu thập các tài liệu kiểm chứng để chứng minh cho tính khách quan của điểm tự đánh giá, chấm điểm. Đồng thời các đơn vị phải tự chịu trách nhiệm về tính sát thực trong việc đánh giá của mình. Tùy theo tiêu chí đánh giá mà tài liệu kiểm chứng có thể là kế hoạch tập huấn, tài liệu tập huấn, bài báo đưa tin về việc tổ chức các lớp tập huấn, hồ sơ giải quyết bồi thường đối với các vụ việc (nếu có) báo cáo kết quả giải quyết bồi thường, công văn hướng dẫn nghiệp vụ, báo cáo kết quả kiểm tra .... Đồng thời, tài liệu kiểm chứng bao gồm các văn bản do Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành hoặc do Sở Tư pháp ban hành theo thẩm quyền hoặc kết quả thực hiện của các Sở ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã....

b) Thời điểm, nội dung đánh giá

Sở Tư pháp căn cứ vào kết quả thực hiện công tác bồi thường trong năm tổ chức áp dụng, tính từ ngày 01/10 năm trước đến ngày 30/9 của năm tổ chức áp dụng để thực hiện việc tự đánh giá. Đối với trường hợp mà việc tập hợp, gửi các tài liệu kiểm chứng gặp khó khăn, các đơn vị có thể giải trình cho điểm mà đơn vị tự đánh giá, chấm điểm. Tuy nhiên, việc giải trình phải bảo đảm các yếu tố chính xác, đầy đủ và thuyết phục.

Trường hợp các đơn vị không có tài liệu kiểm chứng cũng như không có giải trình cho điểm tự đánh giá, thì điểm tự đánh giá của đơn vị sẽ không được chấp nhận.

c) Tự đánh giá, chấm điểm theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần

Để hoạt động áp dụng thí điểm được rõ ràng, đồng thời bảo đảm sự khách quan, minh bạch, Bộ Tư pháp đề nghị các Sở Tư pháp tiến hành tự đánh giá, chấm điểm kết quả thi hành Luật TNBTCNN theo các tiêu chí trong Bảng chấm điểm.

Việc tự đánh giá, chấm điểm của các đơn vị phải có các tài liệu kiểm chứng kèm theo để xác định mức độ khách quan của việc đánh giá, chấm điểm (thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục số I về Bảng chấm điểm ban hành kèm theo Công văn này); đồng thời, các đơn vị phải tự chịu trách nhiệm về tính sát thực trong việc đánh giá của mình. Trên cơ sở Báo cáo kết quả tự đánh giá của Sở Tư pháp (thực hiện theo mẫu báo cáo tại Phụ lục số II về mẫu báo cáo ban hành kèm theo Công văn này), các tài liệu kiểm chứng gửi kèm và Báo cáo định kỳ của đơn vị, Bộ Tư pháp sẽ xem xét tính sát thực của điểm tự đánh giá của các đơn vị.

3. Hướng dẫn tự đánh giá, chấm điểm

Để việc tự đánh giá bảo đảm được thống nhất, các Sở Tư pháp thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm theo Bảng chấm điểm và Mẫu báo cáo kèm theo Công văn này. Đối với một số tiêu chí cụ thể, Bộ Tư pháp hướng dẫn thống nhất đánh giá, chấm điểm một số tiêu chí, cụ thể như sau:

a) Đối với các tiêu chí mà các Sở Tư pháp không có chức năng thực hiện (tiêu chí về xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành và tiêu chí về hiệu quả giải đáp vướng mắc về việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) và tiêu chí đánh giá phải thực hiện thông qua kết quả điều tra/ khảo sát (khoản b tiêu chí thành phần 1.2 tiêu chí 1; điểm a.1 khoản a tiêu chí thành phần 4.1 tiêu chí 4 Bảng chấm điểm), đề nghị các Sở Tư pháp không chấm điểm cho tiêu chí đó. Như vậy, điểm tối đa mà Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố chấm là 346 điểm.

b) Đối với Tiêu chí 2 về chất lượng, hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường, việc tự đánh giá, chấm điểm thực hiện như sau:

- Trường hợp có phát sinh 01 vụ việc giải quyết bồi thường thì các Sở Tư pháp thực hiện tự đánh giá, chấm điểm theo các tiêu chí và tiêu chí thành phần trong Bảng chấm điểm ban hành kèm theo Phụ lục số I.

- Trường hợp có phát sinh từ 02 vụ việc giải quyết bồi thường trở lên thì đối với Tiêu chí về chất lượng, hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường, điểm của Tiêu chí này được tính trên cơ sở trung bình cộng của các điểm đánh giá của từng vụ việc theo Bảng chấm điểm.

Ví dụ: Tỉnh H có 02 vụ việc giải quyết bồi thường. Tiêu chí thành phần về Thủ tục thụ lý đơn yêu cầu bồi thường đối với vụ việc thứ nhất được 2 điểm, đối với vụ việc thứ hai được 0 điểm. Như vậy điểm tại mục này được tính là điểm trung bình cộng của 2 vụ việc ((2+0):2=1).

- Trường hợp không phát sinh vụ việc giải quyết bồi thường thì điểm tại Tiêu chí 2 về chất hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường, việc tự đánh giá, chấm điểm thực hiện trên cơ sở kết quả điểm tự đánh giá, chấm điểm của Tiêu chí 1 về tổ chức triển khai thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Tiêu chí 3 về hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường, cụ thể như sau:

Tiêu chí 1

Tiêu chí 3

Từ 50 đến
68 điểm

Từ 30 đến
dưới 50 điểm

Từ 0 đến
dưới 30 điểm

Từ 70 đến 88 điểm

100 điểm

80 điểm

50 điểm

Từ 50 đến dưới 70 điểm

80 điểm

60 điểm

40 điểm

Từ 0 đến dưới 50 điểm

50 điểm

40 điểm

30 điểm

Ví dụ 1: Tỉnh C không có vụ việc yêu cầu bồi thường và điểm số tại Tiêu chí 1 về tổ chức triển khai thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được 52 điểm và điểm số tại Tiêu chí 3 về hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường được 71 điểm thì số điểm tại Tiêu chí về chất lượng, hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường được 100 điểm.

Ví dụ 2: Tỉnh G không có vụ việc yêu cầu bồi thường và điểm số tại Tiêu chí 1 về hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường được 48 điểm và điểm số tại Tiêu chí 3 về hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường được 42 điểm thì số điểm tại Tiêu chí về chất lượng, hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường là 40 điểm.

[...]