Thông tư 96/2008/TT-BTC hướng dẫn hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các Trung tâm học tập cộng đồng do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 96/2008/TT-BTC
Ngày ban hành 27/10/2008
Ngày có hiệu lực 24/11/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Sỹ Danh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH 
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 96/2008/TT-BTC

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC HỖ TRỢ KINH PHÍ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO CÁC TRUNG TÂM HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước;
Căn cứ Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg ngày 08/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và kết luận của Thủ tướng Chính phủ về mô hình tổ chức, quản lý và cơ chế tổ chức của các Trung tâm học tập cộng đồng;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các Trung tâm học tập cộng đồng như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này áp dụng đối với các Trung tâm học tập cộng đồng (sau đây gọi là Trung tâm) tại xã, phường, thị trấn, theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Giáo dục và theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm tại xã, phường, thị trấn.

2. Kinh phí hoạt động của các Trung tâm được đảm bảo từ nguồn đóng góp của các cá nhân, cộng đồng, tài trợ của các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, các đơn vị sản xuất kinh doanh, các đoàn thể và nguồn kinh phí được giao khi tham gia các chương trình dự án tại địa phương.

3. Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đối với các Trung tâm khi mới thành lập và trong quá trình hoạt động; ưu tiên hỗ trợ kinh phí đối với các Trung tâm thành lập ở các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27/11/2006 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển.

Việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện theo các chế độ quản lý tài chính hiện hành và các quy định cụ thể tại Thông tư này.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung và mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước:

- Hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị ban đầu: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 1 lần cho các Trung tâm mới thành lập để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, trang thiết bị, đồ dùng, sách giáo khoa tài liệu phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Mức hỗ trợ kinh phí ban đầu tối thiểu là 30 triệu đồng đối với một Trung tâm mới thành lập.

- Hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên:

+ Hỗ trợ kinh phí chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ tham gia vào công tác quản lý Trung tâm; Mức trả phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ tham gia vào công tác quản lý Trung tâm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định tuỳ thuộc và điều kiện kinh tế xã hội, khả năng ngân sách của địa phương.

+ Đối với Trung tâm học tập cộng đồng thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27/11/2006 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển: được ngân sách hỗ trợ kinh phí mua sắm bổ sung tài liệu, sách giáo khoa, đồ dùng phục vụ công tác giảng dạy, học tập. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

+ Mức hỗ trợ kinh phí đối với các Trung tâm thuộc các xã khu vực I, tối thiểu 20 triệu đồng/năm/Trung tâm.

+ Mức hỗ trợ kinh phí đối với các Trung tâm thuộc các xã khu vực II và III, mức hỗ trợ tối thiểu 25 triệu đồng/năm/Trung tâm.

- Ngoài ra các Trung tâm được tham gia thực hiện các chương trình dự án phổ cập giáo dục, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… và các chương trình dự án khác ở địa phương theo quyết định của cấp có thẩm quyền từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho từng dự án theo phương thức đặt hàng, hoặc giao nhiệm vụ.

2. Nguồn kinh phí hỗ trợ:

Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ các Trung tâm được cân đối trong ngân sách địa phương từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề hàng năm và do địa phương thực hiện theo phân cấp ngân sách phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

3. Lập dự toán, cấp phát và quyết toán kinh phí:

- Hàng năm, căn cứ chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, các Trung tâm lập dự toán kinh phí theo hướng dẫn tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hiện hành, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các Trung tâm.

- Các Trung tâm chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ đúng chế độ, thực hiện quy chế công khai tài chính theo quy định hiện hành.

- Cơ quan Kho bạc Nhà nước các cấp thực hiện kiểm soát chi kinh phí ngân sách hỗ trợ theo quy định hiện hành.

- Cơ quan Tài chính các cấp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cùng cấp, kiểm tra việc sử dụng kinh phí cho ngân sách Nhà nước hỗ trợ, bảo đảm đúng chế độ, đúng mục đích; xét duyệt quyết toán theo quy định hiện hành.

Trong thời gian đầu thực hiện, đối với các Trung tâm được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập nhưng chưa có tài khoản riêng thì nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các Trung tâm được cấp qua tài khoản ngân sách cấp xã.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Việc thực hiện hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư này đối với các Trung tâm học tập cộng đồng được thực hiện từ năm 2009.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

[...]